Trong sự nghiệp thi đấu của mình, những cuộc chia tay của Công Vinh luôn khiến báo chí tốn nhiều giấy mực, lần này cũng không phải là một ngoại lệ
1. Mối tình Công Vinh-SLNA có lẽ là một câu chuyện dài, khi đôi bên đã có hai lần chia tay, tái hợp rồi lại chia tay. Và, trong cả hai lần ấy, Công Vinh vẫn luôn là người ra đi mà SLNA không thể níu kéo, dẫu tiền đạo xứ Nghệ từng nhiều lần khẳng định muốn cống hiến trọn đời cho đội bóng quê hương.
Công Vinh ngày đầu quân cho bầu Hiển |
Nói về Công Vinh-SLNA, có lẽ cần phải nhắc lại thời Công Vinh còn là một cầu thủ trẻ, luôn núp sau cái bóng lớn của đàn anh Văn Quyến. Văn Quyến dù hơn Công Vinh 1 tuổi, đã nổi đình nổi đám với giải Cầu thủ xuất sắc nhất giải vô địch U16 châu Á. Sự đối lập, tương phản của hai cầu thủ xứ Nghệ đã có từ khi đó. Sự thật là khi Quyến đã sớm trở thành ngôi sao, là thần đồng của bóng đá Việt Nam, thì Vinh hoàn toàn vô danh.
14 tuổi, Công Vinh theo nghiệp bóng đá và có lẽ mơ ước duy nhất và lớn nhất với tiền đạo này chỉ là một suất đá chính ở CLB SLNA. Đó cũng là giấc mơ của biết bao đứa trẻ thành Vinh khác, tất cả chúng chỉ biết đến SLNA.
Chính sự cần cù, chăm chỉ đã giúp Vinh tiến bộ, chậm nhưng rất chắc. Quan trọng hơn, việc không nổi tiếng sớm như Văn Quyến, đã giúp Vinh tránh khỏi những thói hư, tật xấu, vồn luôn “bủa vây” giới cầu thủ.
Năm 18 tuổi, Vinh được gọi vào đội chính của SLNA. Công Vinh bắt đầu chứng tỏ được khả năng ở giải JVC Cup 2003. Đến năm 2004, các thành công dồn dập đến với Vinh. Công Vinh ghi bàn đầu tiên ở V.League vào ngày 8/2/2004 vào lưới Đồng Tháp. Với màn trình diễn ấn tượng, Công Vinh nhận giải Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm của bóng đá Việt Nam, nhận luôn giải Cầu thủ xuất sắc nhất năm.
Sự nghiệp của Công Vinh có lẽ sẽ không có được như bây giờ nếu như đàn anh Văn Quyến dính tù tội sau vụ bán độ tại SEA Games 24 năm 2005. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chính việc nhiều năm chỉ là kẻ mài đũng quần trên băng ghế dự bị, đã giúp Công Vinh học được sự kiên nhẫn, sức chịu đựng và bản lĩnh, những yếu tố đã giúp Công Vinh trở thành tiền đạo số 1 Việt Nam sau này.
2. Cuộc chia tay đầu tiên trong sự nghiệp của Công Vinh, chính là với đội bóng đã nuôi dưỡng, giúp anh có sự khởi đầu đẹp như mơ: SLNA.
7 tỷ lót tay là một con số kỷ lục trong bản hợp đồng giữa Công Vinh và Hà Nội T&T năm 2008. Cũng năm đó, Công Vinh tạo ra dấu ấn lớn nhất trong sự nghiệp thi đấu của mình, với bàn thắng để đời vào lưới Thái Lan trong trận chung kết lượt về AFF Cup, giúp ĐT Việt Nam lần đầu tiên đăng quang. Một năm sau, Công Vinh được trang web Goal.com bình chọn là một trong mười cầu thủ châu Á đáng xem nhất năm 2009. Từ một cầu thủ trẻ mới nổi ở SLNA, sự nghiệp của Vinh nổi như cồn.
Những năm sau đó, Công Vinh luôn là tâm điểm của chú ý. Công Vinh gia nhập làng giải trí Việt, sau khi công khai tình yêu với ca sĩ Thủy Tiên. Công Vinh cũng là cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi bóng ở một trong những giải đấu mạnh ở châu Âu là Giải vô địch bóng đá Bồ Đào Nha, cho CLB Leixoes. Có thể nói, cuộc chia tay đầu tiên của Công Vinh đã giúp anh bước sang một ngã rẽ màu hồng và đó chính là thời đỉnh cao về mọi mặt của chân sút xứ Nghệ.
Video bàn thắng lịch sử của Công Vinh vào lưới Thái Lan
3. Cuộc chia tay tốn nhiều giấy mực nhất của Công Vinh, là cú “lật kèo” lịch sử với bầu Hiển để về với bầu Kiên trước mùa giải 2012. Còn nhớ khi đó, bầu Hiển đã chuẩn bị một lễ ký gia hạn hợp đồng hoành tráng với chân sút sinh năm 1985. Thế nhưng, chẳng ai lường hết được chữ ngờ, Công Vinh ra đi tìm phương trời mới để tiếp tục nuôi tham vọng của sự nghiệp.
Song, chính cú bẻ lái ngoạn mục trong sự nghiệp đó, lại là bước thụt lùi trong hành trình của Công Vinh. Đen cho tiền đạo xứ Nghệ, mùa giải 2012 chưa kết thúc nhưng bầu Kiên dính vòng lao lý. Còn trên tuyển, sau thất bại nặng nề tại AFF Cup, Công Vinh bị nghi ngờ là cầu thủ nằm trong nhóm “danh sách đen”.
Tưởng như thất nghiệp, nhưng cuối cùng SLNA đã dang tay nhận Công Vinh, trong một bản hợp đồng cho mượn kéo dài 1 năm. Sau đó, Công vinh còn được nói nhiều khi quyết định chia tay đội bóng Sapporo tại giải J-League 2, tiếp tục đầu quân cho đội bóng xứ Nghệ.
4. Có người nói, sự nghiệp của Công Vinh là những phút 89, những phút bù giờ. Trong bóng đá, những phút cuối, những phút bờ giờ ấy luôn xảy ra những bất ngờ, thậm chí là “cú sốc”.
Công Vinh không muốn thi đấu cho đội bóng tại Nhật Bản vì muốn đền đáp công ơn của SLNA. Công Vinh cũng nhiều lần khẳng định sẽ gắn bó những năm cuối sự nghiệp với đội bóng xứ Nghệ. Nhưng cuối cùng anh vẫn chia tay, với bản hợp đồng được cho là rất “khủng” ở thời điểm suy thoái kinh tế như hiện nay.
SLNA sẽ chẳng thể trách được Công Vinh, bởi họ phải chấp nhận thứ bóng đá thị trường nhiều khắc nghiệt. Nhưng có lẽ SLNA sẽ rất đau, bởi họ bất lực trong việc giữ nhân tài.
Với riêng Công Vinh, liệu sau lần chia tay này, anh sẽ khép lại sự nghiệp ở đội bóng đất Thủ? Điều đó thì không ai có thể biết.
Theo Vietnamnet
Bình luận