Chiều tối 15/12, ông Lê Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex - HoSE: GIL) đã có văn bản công bố thông tin bất thường gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.
Theo văn bản trên, công ty Amazon là một trong những khách hàng của Gilimex từ năm 2014. Trong quá trình hợp tác, Amazon vi phạm cam kết mà hai bên đã thỏa thuận. Việc vi phạm này có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của Gilimex theo đúng nội dung hai bên đã thỏa thuận, công ty đang tiến hành các thủ tục pháp lý có liên quan để khởi kiện Amazon.
Trước đó, Bloomberg đưa tin Gilimex tiến hành vụ kiện sàn thương mại điện tử Amazon vì đơn hàng bị thu hẹp. Nhà máy sản xuất gặp khó khăn do không có đơn hàng, dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu.
Từ năm 2014, Gilimex trở thành đối tác chính của Amazon và đầu tư hàng chục triệu USD vào nhà xưởng, xây dựng kho chứa hàng hoá của Amazon. Số lượng sản xuất cho Amazon tăng gấp 20 lần trong suốt 8 năm qua. Doanh nghiệp này còn điều chỉnh công suất nhà máy, sắp xếp nhân viên đáp ứng nhu cầu cho Amazon nhằm đáp ứng đơn hàng tăng đột biến trong thời điểm dịch bệnh. Dẫu vậy, tới tháng 4-5/2022, đối tác Amazon đã thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến trong khoảng thời gian còn lại của năm 2022-2023.
Gilimex tố Amazon thực hiện thương mại không công bằng, vi phạm hợp đồng và vi phạm nghĩa vụ ủy thác. Doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu khoản bồi thường thiệt hại khoảng 280 triệu USD (khoảng 6.580 tỷ đồng - pv) để bù đắp chi phí, bao gồm chi phí cho các thùng chứa mà công ty đã sản xuất, nguyên liệu thô mà công ty đã mua và các khoản đầu tư vào các cơ sở sản xuất trong thời kỳ đại dịch, theo Bloomberg.
Còn báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của Gilimex cho thấy, tại thời điểm 1/1/2022, khoản phải thu ngắn hạn từ Amazon là gần 800 tỷ đồng, nhưng đến ngày 30/9/2022, con số này chỉ còn khoảng 15,5 tỷ đồng, giảm hơn 50 lần.
Trong khi đó, tổng cộng giá trị các khoản mục của hàng tồn kho cũng tăng từ 750 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên gần 1.280 tỷ vào cuối quý III/2022, trong đó, giá trị thành phẩm tồn kho tăng từ 164 tỷ đồng lên hơn 560 tỷ đồng. Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ quý III/2022 cũng chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ (213 tỷ so với 629 tỷ).
Lý giải của Gilimex về việc doanh thu báo cáo riêng quý III/2022 và báo cáo hợp nhất quý III/2022 giảm lần lượt 72,18% và 66,14% so với cùng kỳ năm 2021, người đại diện doanh nghiệp cho biết bởi quý III năm nay là mùa thấp điểm giao hàng nên sản lượng xuất bán sụt giảm.
Mặc dù doanh thu sụt giảm nhưng lợi nhuận sau thuế trên báo cáo riêng quý III/2022 và báo cáo hợp nhất quý III/2022 đều tăng lần lượt là 431,7% và 607,94% so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân giúp đơn vị có lãi đến từ hoạt động đầu tư tài chính.
Gilimex sản xuất hàng dệt đa năng từ các vật dụng lưu trữ, sản phẩm trong gia đình, giỏ đựng đồ giặt, túi xách, balô, đồ dùng ngoài trời, hàng trẻ em, chụp đèn cho đến nhiều loại quần áo. Gilimex có 14 công ty con, chủ yếu ở các tỉnh khu vực phía Nam là Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM.
Tính đến hết quý III, doanh nghiệp này có tổng cộng 2.756 nhân viên.
Bình luận