Trong quý I/2020, doanh thu thuần của Sasco đạt hơn 523 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời giá vốn hàng bán giảm 27%, khiến biên lãi gộp của Sasco giảm từ 46% xuống còn 45%.
Sasco ghi nhận doanh thu tài chính chỉ còn gần 16 tỷ đồng, giảm 48% so với quý I/2019 trong khi chi phí tài chính tăng 15%, kéo lợi nhuận trước thuế và sau thuế của Sasco lần lượt giảm 82% và 81% so với cùng kỳ năm 2019.
Đây cũng là mức lợi nhuận thấp kỷ lục trong 1 quý của Sasco từ khi công ty niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2015.
Sasco cũng ghi nhận nợ phải trả giảm 13% so với đầu năm, chiếm gần 663 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả người bán ngắn hạn giảm 20% (còn hơn 396 tỷ đồng) trong khi dư nợ vay ngắn hạn tăng 74% (lên mức gần 99 tỷ đồng).
Trong báo cáo thường niên 2019, Chủ tịch HĐQT Sasco Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ngành hàng không phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn.
Do đó, Sasco đặt mục tiêu tổng doanh thu 2.141 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 186 tỷ trong năm 2020, thấp hơn lần lượt 31% và 58% so với kết quả 2019.
So với kế hoạch này, công ty của ông Hạnh Nguyễn hoàn thành 25% chỉ tiêu doanh thu và 9% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm sau quý đầu tiên.
Kế hoạch của Sasco dựa trên kịch bản khả quan nếu dịch Covid-19 kết thúc vào cuối tháng 4/2020.
Kết quả kinh doanh ảm đạm khiến giá cổ phiếu Sasco cũng giảm thê thảm. So với đầu năm 2020, giá cổ phiếu Sasco đã giảm hơn 15%, về mức 26,200 đồng/cp (chốt phiên 17/4), khối lượng giao dịch bình quân gần 10,500 đồng/cp.
Cơ cấu cổ đông hiện tại của Sasco gồm cổ đông Nhà nước là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam ACV (49,07%), cùng 3 cổ đông chiến lược là Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP), công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC), công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC).
Tổng tỷ lệ sở hữu của ông Jonathan Hạnh Nguyễn là 45,26%. Ông Hạnh Nguyễn hiện đang giữ chức Chủ tịch của Sasco và vợ ông, bà Lê Hồng Thủy Tiên là Thành viên HĐQT.
Bình luận