1. Một đường chuyền bổng hướng đến Xuân Trường. Số 21 của Buriram United chạm bóng vừa tầm để Suphanat Mueanta băng xuống sút tung lưới đối thủ. Bàn thắng không có nhiều ý nghĩa khi Buriram đã thua Beijing Guan tới 0-3 trước đó, nhưng với Xuân Trường, đó vẫn là sự ghi nhận.
7 trận liền dự bị ở Buriram, 5 ở Thai League, 2 ở AFC Champions League, nhiều người tự hỏi Xuân Trường sang Buriram để làm gì. Trong hàng ngũ tuyển thủ quốc gia dưới thời HLV Park Hang Seo, Xuân Trường cũng là một trong những người ít được ra sân hơn cả. 2 năm ở Hàn Quốc, số trận đá chính của Xuân Trường không nhiều hơn một bàn tay.
Theo các chuyên gia, việc không được ra sân cũng như "bắn đạn giả mà không bao giờ được cầm súng ra chiến trường". Không được thi đấu, rất khó có cảm giác thi đấu.
Nhưng cũng như Công Phượng, Xuân Trường xách vali lên và đi ngay khi có cơ hội. Ở HAGL, bộ đôi này được yêu mến và ra sân ổn định. Thế nhưng, cả hai vẫn đi, dù rất có thể phải "đánh bóng" ghế dự bị ở một đất nước xa lạ.
2. Sau thời kỳ thịnh trị ở châu Âu, bóng đá Nga rơi vào khủng hoảng. Một trong những nguyên nhân khiến Nga sa sút ở các giải lớn là việc có quá ít cầu thủ Nga chơi bóng ở nước ngoài. "Các cầu thủ được đãi ngộ cao ở Nga, nên họ không cần sang nước khác chơi bóng", một trang báo giải thích. Với quá ít tuyển thủ quốc tế - những người sẵn lòng chuyển sang chơi ở các quốc gia khác, bóng đá Nga rất khó vươn tầm.
Qatar vô địch Asian Cup với dàn cầu thủ từ lò đào tạo danh tiếng Aspire, song Akram Afif - cầu thủ tầm cỡ nhất của họ phải đến khi chuyển sang Villarreal, Sporting Gijon "tu nghiệp" mới đạt được đẳng cấp mới. Nhật Bản có giải VĐQG phát triển nhất châu Á, song cả 11 cầu thủ đá chính của HLV Moriyasu đều chơi tại châu Âu.
Thái Lan cũng gửi gắm giấc mơ lọt vào nhóm anh tài châu lục thông qua Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan hay Kawin Thamsatchanan, những cầu thủ sang nước ngoài thi đấu.
Đó là xu thế khó cưỡng. Theo chuyên gia Steve Darby, bóng đá Việt Nam cần cầu thủ xuất ngoại để nâng tầm chất lượng. Sau thế hệ của Huỳnh Đức rồi đến Công Vinh, Xuân Trường, Công Phượng hay Văn Lâm đang là những "người được chọn". Muốn xuất ngoại thành công, bên cạnh khả năng, vốn kiến thức, ngoại ngữ và khả năng thích nghi, cầu thủ đều cần có lòng dũng cảm.
Đúng. Cần có lòng dũng cảm. Sự nghiệp đỉnh cao của cầu thủ Việt Nam kéo dài trong 10 đến 15 năm. 2 năm thất bại đã là 1/6 thời gian, chưa kể những hệ luỵ liên quan. Nhiều cầu thủ từng nhận được lời mời, nhưng không muốn chịu rủi ro nên lựa chọn ở lại vòng an toàn.
Văn Lâm cũng chuyển sang Muangthong United, song nếu thủ thành này đã là tuyển thủ quốc tế từ lâu (sang V-League với Văn Lâm cũng là xuất ngoại) thì câu chuyện của Công Phượng, Xuân Trường lại khác. Nhìn tình cảnh của bộ đôi HAGL để thấy rủi ro dự bị và xuống phong độ là lớn thế nào. Và càng thấy rủi ro cao, càng phải thừa nhận bản lĩnh của họ.
3. Người Hàn Quốc đang ngất ngây vì Son Heung Min, cầu thủ vừa ghi bàn giúp Tottenham đánh bại Manchester City ở Champions League. Son Heung Min ghi 36 bàn trong 2 mùa giải và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tranh cãi nổ ra, Song Heung Min lập tức được so sánh với Park Ji Sung.
Nhưng, bóng đá Hàn Quốc sẽ không có Son Heung Min hay Park Ji Sung nếu năm 1978, Cha Bum Kun, một huyền thoại của xứ kim chi, không quyết định sang Đức thi đấu. Thời điểm Cha Bum Kun xuất ngoại, bóng đá Hàn Quốc chưa có xu hướng xuất khẩu cầu thủ. Cũng như Hidetoshi Nakata của Nhật Bản, Cha Bum Kun "khai sơn phá thạch", dũng cảm đi những bước chân đầu tiên và làm những điều không ai dám làm.
Họ được ghi nhận không bởi thành tích, mà là bởi sự can đảm, không sợ rủi ro. Park Ji Sung hay Son Heung Min có được kỳ công như ngày hôm nay nhờ tài năng, và cũng nhờ con đường dưới chân họ đã rất bằng phẳng từ sau thành công của Cha Kum Bun.
Nếu ai cũng run sợ trước thất bại, bóng đá vĩnh viễn không có người mở đường. Xưa kia, Huỳnh Đức hay Trung Tuấn từng ra nước ngoài thi đấu, song đều là những chuyến đi nhỏ lẻ, không tạo ra trào lưu. Chỉ đến khi bóng đá Việt Nam thành công vượt bậc dưới thời HLV Park Hang Seo, người ta mới thấy được tính cấp thiết của việc "xuất khẩu cầu thủ".
4. Đó là lúc bóng đá Việt Nam cần những người mở đường, dũng cảm bước tới những chân trời xa lạ để chứng tỏ khả năng, khai phá con đường trải đầy sỏi đá để thế hệ sau có nền tảng vững vàng hơn. 10, 20 năm nữa, khi xuất ngoại không còn là chuyện xa lạ, người ta sẽ thấy những bước đi đầu tiên của Công Phượng, Xuân Trường hay Văn Lâm giá trị thế nào.
Cuối tuần này, Xuân Trường sẽ lại chật vật tìm kiếm một chỗ đứng trong đội hình ở Buriram. Công Phượng chưa chắc đá chính khi Incheon gặp đội đầu bảng Ulsan Hyundai. Họ có thể thất bại lần nữa. Nhưng không sao cả, khi đã đi, chắc chắn sẽ học được điều gì đó.
"Ra nước ngoài, Xuân Trường sẽ học được nhiều hơn. Có thể không được thi đấu, nhưng vẫn được tập luyện và cơ hội sẽ đến", một thành viên trong BHL tuyển Việt Nam chia sẻ. Công Phượng cũng nói về những bài học có được ở Nhật Bản, ngay cả khi phát tờ rơi ở tàu điện ngầm. Đó là bài học về sự trân quý cái nghề, cái nghiệp, dù đứng ở đâu trong xã hội.
Những bài học đó cầncho sự phát triển hơn bất cứ lời khen hay danh xưng nào, và nó chỉ có thể được tiếp thu nếu bóng đá Việt Nam có những con người không biết sợ.
Bình luận