Nhịp sống bận rộn khiến CĐV, ngay cả những người yêu bóng đá nhất, cũng rất khó kiên nhẫn theo dõi một trận đấu hoàn chỉnh, hoặc theo sát, đánh giá cầu thủ dựa trên tổng thể.
Một cầu thủ dở cũng có thể thành hay nếu chỉ nhìn những pha xử lý hay nhất, hay ngược lại, một cầu thủ tốt có thể thành dở nếu chỉ nhìn vào những pha xử lý lỗi. Nếu đánh giá Công Phượng qua tình huống sút hụt cuối trận Thái Lan gặp Việt Nam vừa qua, rất dễ nhận định cầu thủ sinh năm 1995 "tấu hài".
Một pha xoay sở vụng về gần giống Romelu Lukaku những ngày tháng cuối ở Manchester United, nhưng phải nhìn nhận trong bối cảnh trận đấu, cầu thủ đang khoác áo Sint-Truidense đã rất nỗ lực. Chưa hiệu quả, nhưng rất nỗ lực.
Công Phượng không từ bỏ
"Người nào lấy hình ảnh Phượng đá trượt rồi chê bai thì chứng tỏ người ấy chưa bao giờ đá bóng. Trời mưa sân trơn, Phượng rất quyết tâm trong đường bóng ấy. Vì quyết tâm nên cậu ấy hơi vội, chân trụ chạm nhẹ vào bóng khiến cú duỗi mu sau đó không đúng tâm bóng.
Công Phượng trở thành tâm điểm của nhiều sự chỉ trích. Nhưng nếu không có cú chạm nhẹ của chân trụ trước đó, nếu cú duỗi mu hết lực ấy lái bóng về phía góc xa thì sao?", BLV Đặng Phương Nam đặt câu hỏi trên trang cá nhân.
Sau tình huống bỏ lỡ, Công Phượng nằm xuống mặt cỏ, ôm mặt và cười gượng một lúc lâu. 5 năm trước, Công Phượng từng khiến cả nước ồ lên kinh ngạc với pha đi bóng ma thuật qua cả hàng thủ U19 Australia hay U23 Myanmar. Phượng của những ngày tháng sung mãn nhất ở lại phía sau.
3 năm qua, cầu thủ thuộc biên chế HAGL thường gắn với những kỷ niệm buồn trong màu áo tuyển. SEA Games 29, Phượng đá hỏng quả phạt đền trong trận thua 0-3 trước U22 Thái Lan. ASIAD 2018, Phượng 2 lần sút hỏng phạt đền trước Olympic Pakistan.
Pha "bắn chim" trước Curacao ở King's Cup cộng với cú trượt chân hôm qua khiến người xem dễ hình dung về một thần đồng mãi không lớn.
Trao đổi với người viết, một cựu HLV ĐTQG từng nói "dường như HLV Park Hang Seo 'yêu' lứa cầu thủ ở Thường Châu năm đó quá, nên phong độ kém cũng vẫn triệu tập". Nhận định này phần nào đúng với suy nghĩ của một bộ phận cổ động viên. Khi danh sách dự giải giao hữu King's Cup được công bố, ông Park nhận nhiều ý kiến chỉ trích.
Sau trận đấu gặp Thái Lan, nhiều người đặt dấu hỏi tại sao chiến lược gia người Hàn Quốc bỏ qua một loạt cái tên để lựa chọn cầu thủ nửa năm đá vài... chục phút như Công Phượng.
Nhưng HLV Park Hang Seo, dù thế nào, cũng có cái lý của ông. "Công Phượng hiểu lối chơi, đồng thời luôn nỗ lực và không từ bỏ, HLV Park Hang Seo thích những cầu thủ như thế", một thành viên BHL tuyển Việt Nam khẳng định. BLV Quang Huy cũng cho rằng "Công Phượng nỗ lực nhưng rất kém may mắn. Dù không được đá ở Bỉ thì vẫn luôn nỗ lực, không buông xuôi, không chấp nhận hoàn cảnh".
Pha dứt điểm theo kiểu "nhắm mắt nhắm mũi" của Công Phượng cũng cho thấy quyết tâm lớn của cầu thủ này, nhưng ở điều kiện sân trơn, bóng ướt và không còn giữ tỉnh táo, nhiệt huyết trở nên phản tác dụng. Dù vậy, nhìn từ một tình huống, không thể phủ nhận hoàn toàn công sức của cầu thủ gốc Đô Lương.
Nếu pha đi bóng nỗ lực và chuyền hợp lý của Công Phượng được Văn Toàn chuyển hoá thành công, có lẽ cầu thủ Sint-Truidense đã được đưa lên mây. Hay giả như người bỏ lỡ quả đối mặt ngon ăn ấy là Công Phượng chứ không phải Văn Toàn, có lẽ Phượng đã bị chỉ trích rất nhiều, chứ không "bình yên vô sự" như Toàn.
Có Công Phượng, thế tấn công của tuyển Việt Nam sáng rõ, khó lường hơn. Nhưng như bao năm qua, Phượng sống trên lằn ranh yêu ghét và thường bị nhìn nhận khắt khe. Cũng bởi Phượng đá ở châu Âu thì cũng phải... khác đá ở V-League. Phượng phải khoác lên người tấm áo quá rộng.
Không được đá, tiến bộ thế nào?
Đến lúc này, nhiều người đặt dấu hỏi về tính chuyên môn trong bản hợp đồng của Công Phượng với Sint-Truidense. Đội bóng Bỉ đã mang về tới 6 cầu thủ tấn công sau khi chiêu mộ chân sút người Việt Nam, trong đó có những cầu thủ tiếng tăm châu Á như Yuma Suzuki, Tatsuya Ito, Lee Seung Woo. Tất cả đều ở đẳng cấp cao hơn Công Phượng, mà còn chưa chắc được đá chính.
Vậy Công Phượng ở đâu trong tham vọng của Sint-Truidense? Câu trả lời có lẽ... không ở đâu cả. Sint-Truidense dường như rất giống Incheon United - đội bóng cũ của Phượng ở Hàn Quốc. CLB Bỉ mua sắm vô tội vạ, sẵn sàng bán đi 10 cầu thủ và mua về 10 cầu thủ khác chỉ trong ít ngày. Chính sách của Sint-Truidense khiến ngay cả CĐV nhà cũng phẫn nộ.
Ở một đội bóng thiếu ổn định về mặt cấu trúc như thế, HLV Marc Brys có lẽ cũng không có kế hoạch giúp Công Phượng phát triển.
Tập luyện ở môi trường đẳng cấp châu Âu, cầu thủ không phải là không tiến bộ, nhưng sẽ tiến bộ rất chậm khi chỉ "tập chay". Đó cũng là lời cảnh báo cho các cầu thủ hướng tới việc xuất ngoại trong tương lai, trong đó có Văn Hậu.
Chia sẻ với VTC News, một chuyên gia đặt dấu hỏi: "Tôi không hiểu lắm về chiến lược xuất khẩu của bầu Đức, vì để Công Phượng sang nước ngoài mà không được thi đấu thì có cải thiện chuyên môn không. Đá tập mà không thi đấu thì giống như bắn đạn giả thôi, không được ra chiến trường bắn đạn thật".
Chuyên gia Phan Anh Tú cho rằng cho cầu thủ xuất ngoại là tốt, nhưng phải có đội bóng phù hợp. "Nếu cầu thủ chơi bóng theo sở trường, bản năng, đặc tính của mình, họ cần được HLV sử dụng đúng vị trí, đúng vai trò để phát huy được điểm mạnh. Nếu điểm đặc biệt của mình không được HLV sử dụng, đấy là điều thiệt thòi, ảnh hưởng đến phong độ, chuyên môn, khiến cầu thủ có khả năng bị mất phương hướng trong quá trình phấn đấu", ông Tú chia sẻ.
Không phủ nhận nỗ lực của Công Phượng với ý chí vượt qua nghịch cảnh và sự dũng cảm, song ở tuổi 24, Công Phượng không còn thời gian tích luỹ kinh nghiệm.
Sau cú đá phạt đền hỏng ăn ở King's Cup, cầu thủ này còn sợ... không được triệu tập đá vòng loại World Cup 2022. Rõ ràng, Công Phượng ý thức được nếu không hoàn thiện, thời gian sẽ không chờ đợi bất cứ ai.
Cú ngã ở Thammasat sẽ lại là một bài học nữa. Phải đứng dậy nhanh thôi, Phượng ơi!
Bình luận