Chưa bao giờ người ta mong Công Phượng có một bàn thắng đến thế. Không phải vì thành tích, không phải vì danh hiệu mà vì chính sự tự tin của anh. Công Phượng đã chấp nhận làm nền cho Anh Đức - Văn Quyết hay Thanh Trung tỏa sáng.
Tiêu biểu là tình huống ở trong hiệp 1, Công Phượng, mặc dù chơi cao nhất nhưng luôn cố gắng giữ bóng trong chân và chuyền ngược lại cho các vệ tinh xung quanh. Anh Đức là người được hưởng lợi nhiều từ những tình huống như thế này.
Đó là một phong cách thi đấu khác thường của Công Phượng. Anh vẫn chạy nhiều, vẫn xử lý bóng nhiều nhưng chủ yếu là che bóng và tạo cơ hội cho các đồng đội khác tỏa sáng, thay vì việc phải nỗ lực đột phá để rồi luôn đâm đầu vào chỗ tối.
Lối đá của Công Phượng có phần giống với Henrikh Mkhitaryan hay Juan Mata ở MU vậy. Nhận bóng từ tuyến dưới, kết nối hàng tiền vệ và những chân sút khi cần cũng có thể tự mình ghi bàn và đặc biệt tránh những tình huống cá nhân không cần thiết.
Cũng phải nói thêm, HLV Mai Đức Chung tỏ ra thông cảm với Công Phượng trước những áp lực của dư luận và quyết định gọi trở lại Anh Đức của ông như một phương án giải thoát cho Phượng.
Trong các trận đấu trước, kể cả trận lượt đi trước Campuchia, Công Phượng và Văn Quyết là hai cái tên phải đảm bảo khả năng ghi bàn. Chính vì thế, Phượng thi đấu nôn nóng và liên tiếp có những tình huống cá nhân, đi bóng để rồi mất bóng.
Nhưng trong trận đấu tối qua, Công Phượng như một người khác. Anh giống như thủ lĩnh tuyến giữa hơn là một cầu thủ chỉ chăm chăm ghi bàn. Bởi lẽ, nhiệm vụ ghi bàn được đặt lên vai một người khác, kinh nghiệm hơn, trực diện hơn và dùng sức nhiều hơn, Anh Đức.
Nếu ví Anh Đức như một giải pháp để cứu vãn Công Phượng thì chúng ta cần nhiều "Anh Đức" hơn như thế. Cầu thủ của B. Bình Dương đã bước qua tuổi 32 và anh chắc chắn không thể cống hiến được quá lâu cho ĐTQG. Còn các cầu thủ còn lại như Văn Thắng, Tuấn Tài, Văn Toàn, thậm chí cả Văn Quyết đều chưa mang lại sự kết nối giống như Anh Đức đã làm với Công Phượng.
Video: Highlights Việt Nam 5-0 Campuchia:
Tinh huống ở phút 42 của hiệp một là một trong những lần hiếm hoi chúng ta có thể thấy Công Phượng có cơ hội dứt điểm trong vòng cấm nhưng anh nhấc chân, nhả bóng cho tiền đạo phía sau là Anh Đức. Nếu sắc sảo hơn, Anh Đức đã ghi bàn, người ta có thể ngay lập tức ca ngợi sự "thần giao cách cảm" của hai người.
Nhưng tiếc là, hậu vệ Campuchia kịp phá bóng. Bàn thắng không đến nhưng thế là quá đủ để nhận ra sự thay đổi theo hướng tích cực đến từ Công Phượng: Bớt một chút cá nhân để thi đấu đồng đội hơn.
Sự bổ sung Anh Đức thậm chí còn mang lại những tín hiệu tích cực hơn. Nếu để ý, người xem có thể thấy rằng mỗi pha bóng bỏ lỡ hay đi bóng hỏng ăn của Phượng đều có Đức đến bắt tay động viên. Đức thậm chí còn đá dạt cánh trong những phút đầu hiệp 2 để nhường đất cho Phượng ở giữa sân.
Khi đó, Công Phượng thỏa sức vùng vẫy và nếu không thể vượt qua hàng phòng ngự, sẽ có Anh Đức - Văn Quyết - Thanh Trung và cả Xuân Trường ở phía sau sẵn sàng xử lý bóng. Do đó, các phương án tấn công đa dạng hơn.
Và dĩ nhiên, nỗ lực của Công Phượng luôn được đền đáp bằng sự tin yêu đến từ người hâm mộ. Bao nhiêu người đã tiếc nuối khi Phượng hỏng ăn tình huống đối mặt với thủ môn dù tỷ số đã là 3-0? Rồi sau đó, bao nhiêu người cảm thấy nhẹ nhóm khi cuối cùng, Phượng đã ghi bàn?
Sau SEA Games 29, Công Phượng về nước với vị thế kẻ thất bại. Bóng đá Việt Nam liên tục tụt sâu và thậm chí còn coi đối thủ Campuchia là một đội bóng rất khó chơi. Còn hiện tại, Công Phượng đã thay đổi, niềm tin đang trở lại sau chiến thắng 5-0 trước đối-thủ-khó-chơi ấy và nguyên nhân đến từ đâu? Từ HLV tạm quyền Mai Đức Chung và phương án tạm thời mang tên Anh Đức.
Bình luận