• Zalo

Công Phượng năm thứ 2 ký hợp đồng thương hiệu cá nhân: Cái giá của thương hiệu ngôi sao

Thể thaoThứ Tư, 17/05/2017 07:33:00 +07:00Google News

Công Phượng là thương hiệu được khai thác hình ảnh và giá trị thương mại tốt, dù phong độ cùng những cống hiến trên sân cỏ không như kỳ vọng…

Công Phượng đã trở thành đại sứ hình ảnh cho Z.Com năm thứ 2 liên tiếp. Với gói tài trợ riêng này, ngôi sao sáng nhất bóng đá Việt Nam thời điểm hiện tại tiếp tục khẳng định cái tên, một thương hiệu được khai thác hình ảnh và giá trị thương mại tốt, dù phong độ cùng những cống hiến trên sân cỏ không như kỳ vọng…

Giá trị của Công Phượng

Ở tuổi 19, sau khi thăng hoa trong màu áo U.19 Việt Nam năm 2014 với hàng loạt giải đấu trẻ và giao hữu, Công Phượng bắt đầu nổi lên với hình ảnh một ngôi sao trẻ đầy triển vọng của bóng đá Việt Nam. Việc nổi tiếng quá sớm cũng khiến Phượng gặp không ít rắc rối với những vấn đề hậu trường.

Hinh anh HLV Le Thuy Hai: Cong Phuong chua co gi hay nhung thoi cu cho vay 3

Công Phượng vẫn là cầu thủ thu hút sự chú ý của người hâm mộ.

Nhưng cũng chính tất cả những điều đó dường như đã tô vẽ một hình ảnh ngôi sao bóng đá có hơi hướng “showbiz” rõ rệt hơn, nhất là khi Phượng được chọn làm hình ảnh diện cho các chiến dịch PR của Học viện HAGL Arsenal JMG. Và cũng nhờ đó Phượng sớm kiếm được nhiều tiền nhờ vào sức hút và hình ảnh một ngôi sao.

Ngay sau giải U.19 quốc tế năm 2014, Phượng giúp cho HAGL mang về bản hợp đồng “khủng” với một hãng bia có tên tuổi và thương hiệu. Dù rằng hình ảnh tuổi 19 của Công Phượng ở thời điểm đó gắn với một thương hiệu đồ uống có cồn gặp phải không ít ý kiến trái chiều, nhưng tất cả đều phải thừa nhận rằng, giá trị hình ảnh của Phượng bắt đầu được quan tâm và khai thác triệt để.

Thậm chí, sau nghi án gian lận tuổi, hiệu ứng từ truyền thông ngược còn khiến tên tuổi của anh hút khách hơn bao giờ hết.

Hinh anh Cong Phuong va cai gia cua thuong hieu ngoi sao | The thao

 Công Phượng nhận hợp đồng thứ 2 với Z.com

Chưa dừng lại ở đó, sau khi gia nhập CLB Mito Hollyhock tại J.League 2 (Nhật Bản) năm 2016, Công Phượng tiếp tục cho thấy sức ảnh hưởng của thương hiệu cá nhân khi mang về bản hợp đồng tài trợ từ Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).

Chính điều này đã khiến cho Phượng dù dự bị cả mùa giải, không để lại dấu ấn gì về chuyên môn nhưng vẫn được đội bóng Nhật Bản giữ chân bằng mọi giá sau khi mùa giải kết thúc. Việc trở thành “con gà đẻ trứng vàng” đã khiến cho hình ảnh của Phượng được Mito Hollyhock khai thác triệt để, kể cả việc bán vé.

Video: Công Phượng thừa nhận thất bại sau trận thua U20 Argentina

Đó là chưa kể sức hút của Công Phượng cùng các đồng đội khác như Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn… đã giúp HA.GL mang về những bản hợp đồng tài trợ cho đội bóng nhà bầu Đức.

Cụ thể là Nutifood từ năm 2013-2016 và sau đó là VPMilk thế chân trong 2 năm 2017-2018 với tổng giá trị 50 tỉ đồng - một nguồn thu nhiều CLB tại V.League phải mơ ước.

Khi Công Phượng khoác áo U.23 Việt Nam cũng như ĐTQG, hình ảnh của anh cũng tiếp tục được khai thác và tận dụng tối đa. Bởi thế, trong những trận đấu giao hữu cần hút khán giả đến sân, cái tên Công Phượng luôn được trưng ra làm “chim mồi”.

Còn nhớ năm 2015, khi CLB Man City sang Việt Nam du đấu, lúc triệu tập danh sách ĐTQG, HLV Miura đã thẳng thắn nói rằng, Công Phượng là do được giới thiệu chứ không nằm trong kế hoạch nhân sự, chuyên môn.

Cũng bởi thế, Phượng chỉ được vào sân có 5 phút và chưa kịp có pha đi bóng nào. Không khó nhận ra, Công Phượng vốn dĩ chỉ được gọi lên tuyển để… bán vé.

Video: U22 Việt Nam 0-5 U20 Argentina

Bây giờ, khi vai trò của Phượng ở ĐTQG đã quan trọng hơn, hình ảnh của anh cũng có giá hơn. Bằng chứng là việc Z.com bên cạnh tài trợ cho ĐTQG Việt Nam đã chọn Phượng làm đại sứ hình ảnh trong 2 năm liên tiếp. Đó là giá trị đàn anh Công Vinh trước đây không có được.

Và khoảng trống hình ảnh ĐTQG

Trận giao hữu giữa U.22 Việt Nam và U.20 Argentina diễn ra tại Mỹ Đình hôm 14.5 không thực sự hút khách, không có một cơn sốt vé xuất hiện.

Hinh anh Cong Phuong va cai gia cua thuong hieu ngoi sao | The thao 3

 Công Phượng là đội trưởng U22 Việt Nam.

Thực tế thì khán giả cũng không quá hào hứng một phần vì đối thủ U.20 Argentina không có những ngôi sao đủ sức hút, bên cạnh đó cũng phải thừa nhận rằng hình ảnh của U.22 Việt Nam phần nào đó chưa đủ sức nặng. Thế nhưng, có một điều không thể phủ nhận, Công Phượng vẫn là ngôi sao nhận được chú ý nhiều nhất của giới truyền thông và người hâm mộ.

Nhiều ngân hàng Việt Nam đã từng bắt tay với những CLB lớn tại giải Ngoại hạng Anh như Vietinbank liên kết với Chelsea, BIDV ký hợp đồng với Manchester United với giá hàng triệu đôla mỗi năm. Vietnam Airlines cũng “phá lệ” khi lấn sân vào lĩnh vực bóng đá với cái bắt tay cùng CLB Mito Hollyhock.

Thế nhưng, các doanh nghiệp và thương hiệu lớn trong nước lại quá ít quan tâm đến ĐTQG. Điều này cho thấy, tiềm năng của thương hiệu ĐTQG vẫn chưa được đánh giá hết, hay nói đúng hơn ĐTQG cần có thêm nhiều Công Phượng.

Nhìn lại những bản hợp đồng của VFF từng ký như Honda, Yamaha, Yanmar và Z.com… có thể thấy chúng ta vẫn chủ yếu sống bằng “bầu sữa ngoại”. Trong khi đó, những doanh nghiệp lớn trong nước hoàn toàn có thừa tiềm lực để chung tay phát triển bóng đá nội.

Hinh anh Cong Phuong va cai gia cua thuong hieu ngoi sao | The thao 4

 Chỉ có thành công mới nâng cao được hình ảnh cho bóng đá Việt Nam.

Hy vọng, trong thời gian tới, VFF sẽ có chiến lược về việc phát triển thương hiệu của đội tuyển, đặc biệt là việc tạo ra doanh thu từ thương mại hóa thương hiệu đội tuyển. Thế nhưng, trước tiên các ĐTQG cần phải hút được sự quan tâm và chứng tỏ sự xứng đáng cùng sự giá trị…

Từ câu chuyện sức hút của Công Phượng, một ngôi sao quảng cáo và thu được về lợi nhuận thương mại từ bóng đá, một câu hỏi được đặt ra: Vậy thương hiệu của đội tuyển có giá trị và hút khách khi sở hữu những ngôi sao như vậy? Và tại sao việc khai thác thương hiệu hình ảnh ĐTQG lại đang là khoảng trống trên sân nhà?

(Nguồn: laodong.com.vn)
Bình luận
vtcnews.vn