Sân Incheon Stadium vừa chứng kiến một kỷ lục ngay trong ngày khai màn K-League. Gần 20.000 khán giả đã có mặt tại sân và phủ kín bốn khán đài, tạo ra khung cảnh đối nghịch so với mùa trước (chỉ có khoảng 5.000 khán giả đến xem Incheon United đá mỗi trận). Hiệu ứng này được tạo ra từ bản hợp đồng mang tên Công Phượng, hay nói cách khác, sự góp mặt của tiền đạo gốc Đô Lương đã thôi thúc khán giả đến sân theo dõi Incheon United nhiều hơn.
Incheon United trải qua gần 10 năm chỉ... đua trụ hạng. Bốn mùa gần nhất, đội bóng của thành phố lớn thứ ba Hàn Quốc đứng ở nửa dưới, thường xuyên thua nhiều hơn thắng. Incheon United cần một cú hích, ít nhất là về mặt hình ảnh, song HLV Jorn Andersen mang Công Phượng về không chỉ để... thống lĩnh quầy vé hay thu hút nhiều khán giả hơn.
Công Phượng có thể đóng góp giá trị chuyên môn cho Incheon United. Đội bóng này hiểu điều đó, ngay cả khi tiền đạo sinh năm 1995 ngồi dự bị trong trận khai màn.
Với những ai trông đợi màn ra mắt K-League của Công Phượng, hầu hết đều hụt hẫng ít nhiều. HLV Andersen đã thay đủ ba người, trong đó có một sự thay đổi bất đắc dĩ, nhưng hình ảnh Công Phượng đọng lại sau trận chỉ là những bước chạy làm nóng ở đường biên dọc.
Incheon United tấn công thiếu hiệu quả trong trận này khi cầu thủ chủ lực Stefan Mugosa mất cảm giác bóng còn các vệ tinh xung quanh chân sút này cũng chưa kịp hoà nhập với lối chơi chung, song Công Phượng vẫn không có cơ hội đi những bước đầu tiên trên thảm cỏ K-League.
Công Phượng được ấn định là phương án hai cho chính... Mugosa - cầu thủ không thể thay thế dưới thời HLV Andersen, nên khi Mugosa còn được giữ lại trên sân, tân binh Việt Nam rất khó được trọng dụng. Đấy là chưa kể lối đá phòng ngự phản công với nhiều đường chuyền dài của Incheon United cũng đòi hỏi thể lực, sức rướn nhiều hơn - yếu tố Công Phượng còn thiếu và yếu.
Không được ra sân trong trận gặp Jeju United, Công Phượng có tới hơn 90% khả năng không được góp mặt khi Incheon United gặp Gyeongnam FC - đương kim á quân K-League. Gyeongnam còn mạnh hơn Jeju và khi ấy, Công Phượng sẽ phải tiếp tục chờ đợi.
Nhiều bình luận thô tục, thiếu bình tĩnh của một bộ phận cổ động viên đã xuất hiện trên các trang mạng xã hội của Incheon - chỉ dấu cho thấy cổ động viên bất bình khi cầu thủ con cưng không được trọng dụng. Dẫu vậy, với những ai chờ đợi Công Phượng trong trận này, chỉ buồn thôi, chứ không nên thất vọng. Hơn ai hết, Công Phượng hiểu được lý do phải ngồi dự bị trong trận khai màn của đội bóng Hàn Quốc.
Ba tuần tập luyện ở đội bóng mới để thích nghi với môi trường khác biệt hoàn toàn so với V-League là điều bất khả thi. Trong buổi trả lời phỏng vấn, Công Phượng cũng thừa nhận sự khác nhau giữa K-League và V-League. Ở một trong những giải đấu khắc nghiệt nhất châu Á, cơ hội lập tức ra sân và toả sáng cho một cầu thủ ở "vùng trũng" là không nhiều.
Theerathon Bunmathan - hậu vệ Thái Lan đang khoác áo Vissel Kobe cũng trải qua quãng thời gian dự bị, thậm chí... khủng hoảng khi đối mặt với cường độ chơi bóng gấp gáp ở J-League. Khác với Văn Lâm, Xuân Trường chơi ở Thái League không quá chênh lệch với V-League về chuyên môn, K-League ở đẳng cấp khác. Muốn thành công, các cầu thủ cần kiên nhẫn tập luyện và chờ đợi từng cơ hội.
K-League có tới 38 vòng, mật độ thi đấu dày đặc, chưa kể còn có các trận ở cúp QG Hàn Quốc. Cơ hội cho Công Phượng thể hiện là rất nhiều. Khác với giao kèo của Công Phượng với Mito Hollyhock, Tuấn Anh với Yokohama FC hay Xuân Trường với Incheon, Gangwon FC cách đây bốn năm, Incheon hiện nay muốn Công Phượng vì lý do chuyên môn thực sự. HLV Jorn Andersen nhìn thấy giá trị của học trò và sẽ tìm cách phát huy được điểm mạnh, song bản thân tiền đạo gốc Đô Lương phải tiếp tục kiên trì.
Bởi Incheon không phải Gia Lai - nơi Công Phượng được bầu Đức "nâng như nâng trứng". Mảnh đất Hàn Quốc khắc nghiệt hơn nhiều, nhưng qua bao thăng trầm, khó nhọc từng trải qua, tiền đạo xứ Nghệ sẽ không chùn bước trước thử thách này.
Bình luận