• Zalo

Công Phượng chỉ là nạn nhân?

Thể thaoThứ Tư, 11/02/2015 07:00:00 +07:00Google News

Cảnh cáo Công Phượng mặc áo đội tuyển quảng cáo bia dù đã giảm nhiều tình tiết nhưng xét cho cùng, 'án' đấy chỉ vào Công Phượng là không đúng người, đúng tội.

Việc cảnh cáo Công Phượng mặc áo đội tuyển quảng cáo bia dù là đã giảm nhiều tình tiết nhưng xét cho cùng thì “án” đấy chỉ vào Công Phượng là không đúng người, đúng tội.

Chuyện Công Phượng quảng cáo bia hầu hết mũi dùi đều chĩa vào cá nhân Công Phượng, thậm chí là VFF cũng cảnh cáo Phượng. Theo tôi là đã có sự hiểu lầm hoặc cố tình hiểu lầm bởi Công Phượng chỉ là nạn nhân của người lớn.
Công Phượng
 Công Phượng chỉ là nạn nhân?
Bất kỳ PV nào khi tiếp xúc với các cầu thủ lứa Học viện HAGL - Arsenal JMG, đố ai phỏng vấn được cầu thủ nào. Nguyên do đã có quy định từ học viện cấm tuyệt đối các em trả lời phỏng vấn nếu chưa được đại diện HAGL cho phép. Chỉ mỗi việc được trả lời hay không hoặc nếu cho phép trả lời thì phải được người lớn “dạy” trả lời như thế nào, đã chặt chẽ như thế thì một bản hợp đồng quảng cáo với một doanh nghiệp lớn chắc chắn không chỉ được ký qua cá nhân Công Phượng.

Nói chung là không chỉ cá nhân Công Phượng mà tất cả cầu thủ cùng lứa với em đều không được phép tham gia bất kỳ hoạt động nào nếu không được cho phép.

Vậy thì việc lên án hay những “bản án” và thậm chí là việc “ném đá” Công Phượng như thế thì có công bằng hay không khi nhất nhất mọi chuyện “làm ăn” của Phượng đều là do người lớn đứng đằng sau giật dây buộc em làm hết.
Nạn nhân Công Phượng trong cuộc chơi của người lớn. (Ảnh: Quang Minh)
Cá nhân tôi cho rằng những quy kết và thậm chí là “án” cảnh cáo với Công Phượng vì vi phạm đến thương quyền của đội tuyển Việt Nam do VFF đưa ra đã không có sự công bằng. Nói đúng hơn là đã có những né tránh va đập với đơn vị chủ quản của một cầu thủ không được phép tự tiện “đánh quả”.

Nghịch lý ở đây là đơn vị chịu trách nhiệm về những hoạt động của Công Phượng lại là doanh nghiệp của ông Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính Đoàn Nguyên Đức.

Ông Đức chắc chắn rất bận rộn và càng không phải là người cái gì cũng phải tìm hiểu cặn kẽ mà phần lớn là giao việc cho cấp dưới. Thậm chí ông là phó chủ tịch VFF nhưng ông cũng ít quan tâm đến những vấn đề liên quan đến thương quyền của đội tuyển và những gì thuộc HAGL. Thế nên mới xảy ra chuyện cầu thủ của ông vi phạm thương quyền của đội tuyển Việt Nam khi làm quảng cáo.
Clip quảng cáo gây nhiều tranh cãi của Công Phượng
Bên cạnh đó cũng phải thừa nhận là lâu nay đã có sự nhầm lẫn hoặc cố tình nhẫm lẫn giữa U19 HAGL và U19 Việt Nam. Đành rằng đội U19 Việt Nam do các cầu thủ HAGL đóng góp rất nhiều nhưng có những lúc những nhà làm bóng đá lại không tách bạch chuyện U19 HAGL và U19 Việt Nam.

Rõ nhất là trong buổi họp báo công bố nhà tài trợ của U19 HAGL. Buổi họp hôm đấy có Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cùng ngồi bàn chủ tọa và cá nhân tôi có hỏi nhà tài trợ là tài trợ cho U19 HAGL hay tài trợ cho U19 Việt Nam. Khi ấy không để nhà tài trợ trả lời, đại diện LĐBĐ Việt Nam cầm micro và nói ngay: “Tất nhiên là tài trợ cho U19 Việt Nam” (!?).

Từ việc trên cũng có thể thấy rằng đã có những nhầm lẫn hoặc cố tình nhầm lẫn ở đây và đó cũng có thể là nguyên nhân khiến Công Phương bị quy vào việc vi phạm thương quyền và bị VFF cảnh cáo.

Có lẽ cũng cần phải nhắc lại lời bình của bình luận viên Bá Phú của Đài Truyền hình kỹ thuật số K+ khi viết về vụ Công Phượng quảng cáo bia: “… Tôi tin sự lựa chọn này không đến từ Công Phượng và cảm thấy thương nụ cười gượng gạo của em trong clip. Trước khi trách dư luận, hãy trách những người quản lý của em. Những người mà tôi thấy họ không yêu thương em như họ nói; họ không coi em là một cầu thủ bóng đá tài năng... Họ đang coi em là “công cụ biết đá bóng”, Phượng à”.

Nguồn:Pháp Luật TP.HCM
>> ĐỌC TIẾP...
Bình luận
vtcnews.vn