• Zalo

Công Phượng bán cà phê, mở công ty: Hình mẫu hiện đại, CLB đâu cần nhúng tay

Bóng đá Việt NamThứ Ba, 09/06/2020 14:09:26 +07:00Google News
(VTC News) -

Kinh doanh riêng, có công ty quản lý hình ảnh, Công Phượng đang tiến những bước rất dài trong việc bắt kịp xu hướng hiện đại của bóng đá thế giới.

Công Phượng đang tích cực lấn sân kinh doanh. Hôm 7/6, quán cà phê Ông Bầu và bánh tráng thịt heo xứ Quảng của tiền đạo này và Trần Hữu Đông Triều khai trương tại quận Tân Bình, TP.HCM.

Đây không phải lần đầu tiên Công Phượng mở quán cà phê. Năm 2017, anh mở quán cà phê có tên CP10 tại Gia Lai và sau đó mở thêm cơ sở nữa ở Hà Nội với slogan “Bóng đá là đam mê, cà phê là tri kỉ”.

Công Phượng bán cà phê, mở công ty: Hình mẫu hiện đại, CLB đâu cần nhúng tay - 1

Công Phượng cùng bầu Thắng và Chủ tịch Nutifood Trần Thanh Hải. (Ảnh: A.D)

Việc tích cực kinh doanh ngoài cho thấy Công Phượng đang sử dụng rất tốt hình ảnh, tên tuổi cũng những đồng tiền tích lũy trong những năm tháng sự nghiệp để chuẩn bị cho tương lai không bóng đá. So với thế hệ trước kia, nhiều cầu thủ hiện nay lo toan nhiều hơn cho chặng đường phía trước, dù còn tới 6-8 năm sự nghiệp.

Với riêng Công Phượng, dù phong độ không ổn định và có những "nốt trầm", song anh vẫn là một trong những cầu thủ được yêu mến nhất ở Việt Nam. Hình ảnh phổ biến, sạch sẽ của Công Phượng là bàn đạp tốt, giúp anh có thể sử dụng tên tuổi để thành công trong lĩnh vực kinh doanh. 

Quan trọng hơn, cầu thủ sinh năm 1995 nhận được hậu thuẫn từ CLB. Chia sẻ với VTC News, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng khẳng định kinh doanh, kiếm tiền là quyền tự do của các cầu thủ.

Còn với các hợp đồng quảng cáo, cầu thủ sẽ ngồi vào bàn đàm phán và thương thảo về mức ăn chia phần trăm với CLB, thay vì CLB áp đặt lên cầu thủ mức tiền phải chia.

"Cầu thủ kinh doanh ngoài là quyền tự do của mọi người, còn các cầu thủ có hợp đồng quảng cáo mới phải san sẻ quyền lợi của CLB. Nếu cầu thủ kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, quán ăn, họ chỉ phải nộp thuế cho nhà nước thôi, họ kinh doanh riêng chứ không quảng cáo cho đơn vị nào.

Với trường hợp của Công Phượng, quản lý cậu ấy hiện là HAGL chứ không phải CLB TP.HCM. Khi Công Phượng ký hợp đồng chính thức, cậu ấy cùng đội bóng thương lượng điều khoản hợp đồng là ở giá trị hình ảnh, cầu thủ hưởng bao nhiêu phần trăm, CLB hưởng bao nhiêu phần trăm. Cầu thủ, người đại diện cầu thủ và phía đại diện CLB sẽ đàm phán", Chủ tịch Hữu Thắng khẳng định.

Công Phượng bán cà phê, mở công ty: Hình mẫu hiện đại, CLB đâu cần nhúng tay - 2

Trước Công Phượng, Anh Đức là cầu thủ rất thành công trong kinh doanh. (Ảnh: A.D)

Bản quyền hình ảnh là vấn đề rất mới. Từ sau thành công của lứa U23 Việt Nam ở Thường Châu, bóng đá được thương mại hóa mạnh mẽ. Cầu thủ tham gia chạy show, đóng quảng cáo nhiều hơn. Công Phượng cũng là gương mặt quen thuộc của nhiều nhãn hàng, nhà tài trợ.

Giống với bóng đá quốc tế, cầu thủ đóng quảng cáo cho nhãn hàng tài trợ chính thức với CLB hay đóng quảng cáo riêng, đều phải đàm phán, thương lượng với CLB. Nếu hợp đồng ban đầu không có điều khoản, hoặc điều khoản không chặt chẽ, hai bên sẽ ngồi lại đàm phán về phụ lục hợp đồng, với các điều khoản có lợi cho đôi bên.

Sẽ không có chuyện một đội bóng đơn phương áp đặt điều khoản ăn chia lên cầu thủ. 

Công Phượng bán cà phê, mở công ty: Hình mẫu hiện đại, CLB đâu cần nhúng tay - 3

Công Phượng sẽ đàm phán với CLB TPHCM về điều khoản ăn chia quyền lợi hình ảnh, nếu ký hợp đồng dài hạn với CLB này. 

Trường hợp của Hà Nội FC là một ví dụ. Công ty cổ phần thể thao Hà Nội-T&T khẳng định họ là đơn vị duy nhất sở hữu quản lý và sử dụng thương hiệu, hình ảnh, các dấu hiệu liên quan đến HLV, cầu thủ theo các hợp đồng đã ký kết. 

Hà Nội FC có quyền quản lý, quyền được chia sẻ thù lao hoặc bất kỳ khoản thu nhập nào mà cầu thủ, HLV nhận được khi tham gia các hoạt động quảng cáo thương mại, quảng bá sản phẩm dịch vụ hoặc các hoạt động thương mại trên báo chí.

Quang Hải và các đồng đội cũng sẽ phải chia sẻ thù lao hoặc các khoản thu nhập nhận được khi sử dụng tài khoản cá nhân trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, Twitter…để quảng bá sản phẩm, dịch vụ.

Khi trung vệ Duy Mạnh gặp tin đồn đời tư, Hà Nội FC lại thay mặt lên tiếng đính chính do CLB tự nhận là "chủ sở hữu duy nhất" về hình ảnh cầu thủ. 

Theo BLV Trương Anh Ngọc thì "ở đây không quy định được, CLB phải thương lượng với các cầu thủ. Quang Hải có người đại diện, phụ trách trang cá nhân của anh ấy và nhận các hợp đồng quảng cáo để đăng lên Facebook. Tóm lại chuyện này không dính dáng gì tới CLB". 

Bóng đá Việt trước đây có trường hợp cầu thủ ký hợp đồng, nhưng không hiểu rõ hoặc đọc hết các điều khoản, dẫn đến bất lợi khi có xung đột lợi ích. Do đó, cầu thủ có một bên thứ ba bảo vệ quyền và lợi ích cho mình là điều cần thiết. Quyền và nghĩa vụ với CLB, mọi thứ cần sòng phẳng, hòa hợp lợi ích đôi bên, chứ không phải đơn phương áp đặt. 

"Cầu thủ hợp tác với bất kỳ hãng quảng cáo nào sẽ có nghĩa vụ chia sẻ với CLB, nhưng điều khoản ấy phải nằm trong phụ lục hai bên ký vào, không thể một bên đơn phương ký được", Chủ tịch Hữu Thắng chia sẻ. 

Từng là cầu thủ, HLV trước khi ngồi ghế chủ tịch, ông Thắng hiểu rõ cái thiệt của cầu thủ khi rơi vào cuộc chiến pháp lý với CLB. "Cầu thủ ở Việt Nam chưa có người đại diện chính thức, nên không ai bảo vệ họ cả", ông Thắng nói.

Với Công Phượng, cầu thủ này có hẳn một công ty quản lý hình ảnh do vợ sắp cưới Tô Ngọc Viên Minh quản lý. Trên thế giới, nhiều cầu thủ có công ty quản lý hình ảnh, thương hiệu riêng, sẵn sàng bảo vệ lợi ích hợp pháp cho cầu thủ khi mâu thuẫn nảy sinh.

Các cầu thủ Việt Nam có lẽ cũng nên để tâm, suy nghĩ nhiều hơn đến câu chuyện ngoài sân cỏ, với những vấn đề mới lạ với bóng đá Việt, nhưng lại rất bình thường với bóng đá thế giới. Có như vậy, giới quần đùi áo số mới không thất thế khi cân đo đong đếm bất cứ quyền lợi, nghĩa vụ nào. 

Hạ Nhiên
Bình luận
vtcnews.vn