Triều Tiên cho biết mục tiêu của vụ phóng tên lửa tầm xa này là mang vệ tinh thời tiết của họ lên quỹ đạo. Tuy nhiên, theo các nước phương Tây thì đây là hành động thử nghiệm tên lửa tầm xa trá hình đã bị cấm bởi Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.
Đài truyền hình Phượng Hoàng, Trung Quốc cho biết, binh lính Hàn Quốc đang được huy động để trục vớt mảnh vỡ của tên lửa Triều Tiên ở "tọa độ đã được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác định".
Giới chuyên gia Hàn Quốc cho rằng khả năng tên lửa Triều Tiên bị rơi sau 1 phút là do Bình Nhưỡng sử dụng tầng thứ 2 của tên lửa thuộc loại do Liên Xô (cũ) sản xuất. "Tầng 2 tên lửa từ những năm 70 của thế kỷ trước quá cũ kỹ, có thể đó là nguyên nhân khiến tầng 1 không thể tách khỏi tên lửa như dự kiến", Yonhap dẫn lời một chuyên gia tên lửa.
Ở góc độ khác, chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, thời tiết và hệ thống dẫn đường có thể là nguyên nhân khiến vụ phóng tên lửa thất bại.
Ngay sau khi vụ phóng tên lửa diễn ra, đồng loạt các nước trên thế giới đã bày tỏ quan điểm của mình với hành động này của Triều Tiên. Đầu tiên là những quốc gia có vị trí địa lí cận kề với Triều Tiên như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, Kim Sung-hwancho biết: "Hành động phóng tên lửa của Triều Tiên rõ ràng đã vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc về việc cấm khởi động các chương trình tên lửa đạn đạo tầm xa. Đó là hành động khiêu khích, đe dọa hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á."
Nhật Bản cũng gần như ngay lập tức đưa ra quan điểm của mình. Phát ngôn viên Chính phủ Nhật Bản Osamu Fujimura cho hay: "Cho dù là thất bại, tuy nhiên hành động phóng tên lửa của Triều Tiên mặc kệ những lời kêu gọi của Nhật Bản, đã được nhắc lại nhiều lần qua con đường ngoại giao là mối đe dọa cho an ninh và người dân Nhật Bản. Đây là hành động khiêu khích cực đoan và là hành động vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ."
Trong khi đó, các nước phương Tây cũng bày tỏ thái độ cương quyết, lên án mạnh mẽ việc Triều Tiên vi phạm nghị định LHQ. Họ lên tiếng yêu cầu Hội đồng bảo an phải có phản ứng manh mẽ và câu trả lời xác đáng về vấn đề này.
Người phát ngôn của Nhà Trắng, Jay Carney, đại diện cho nước Mỹ tuyên bố: "Bất kì hoạt động tên lửa nào Triều Tiên bây giờ đều là mối quan tâm lớn của quốc tế. Mỹ vẫn thận trọng khi đối mặt với các hành động khiêu khích của Triều Tiên và đảm bảo đầy đủ an ninh cho các đồng minh của mình trong khu vực". Đại diện của Mỹ lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là một "màn kịch tuyên truyền".
Ngoại trưởng Anh và Đức đồng thời có những phát biểu bày tỏ sự quan ngại và kêu gọi Triều Tiên nên ngưng các hoạt động vi phạm luật quốc tế của mình nhằm hội nhập với thế giới.
Ngoại trưởng Anh, William Hague cho biết: "Chúng tôi bày tỏ quan ngại sau sắc trước hành động phóng tên lửa của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Việc khởi động tên lửa đạn đạo tầm xa của họ rõ ràng đã vi phạm nghị định 1874 của Hội đồng bảo an LHQ. Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi Triều Tiên ngưng mọi hoạt động về tên lửa và hạt nhân của mình đồng thời hòa nhập trở lại với cộng đồng quốc tế."
Nhân viên an ninh Triều Tiên tại khu vực phóng tên lửa. |
"Tôi lên án nỗ lực khởi động tên lửa tầm xa của Triều Tiên. Đây là hành động vi phạm các nghị quyết quốc tế và làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Hội đồng bảo an LHQ phải đưa ra câu trả lời thích đáng và mạnh mẽ về vụ vi phạm luật pháp quốc tế này." Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cho biết.
Trong thông báo đưa hồi tháng 3, Triều Tiên nói vụ phóng tên lửa là nhằm đưa một vệ tinh quan sát trái đất vào quỹ đạo nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của người sáng lập đất nước, cố lãnh tụ Kim Nhật Thành vào ngày 15/4.
Tùng Đinh
Bình luận