Công nghệ mới rẻ tiền xử lý nước thải khi dệt nhuộm vải ô nhiễm bằng vật liệu keo tụ của nhóm sinh viên đến từ trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã giành giải nhì tại Hội nghị nghiên cứu khoa học cấp trường của Đại học Bách khoa.
Nghiên cứu này được hoàn thiện với mong muốn xây dựng được hệ thống xử lý nước thải từ các nhà máy dệt nhuộm vải công nghiệp ở nước ta giúp xử lý loại bỏ những thành phần hóa chất độc hại, kim loại nặng có trong nước thải ra môi trường giảm ô nhiễm môi trường.
Mô hình xử lý nước thải bằng keo tụ của các nhà nghiên cứu trẻ này xây dựng gồm 3 bể chứa gồm: 1 bể nước bẩn, 1 bể keo tụ và 1 bể chứa nước sau xử lý, kết hợp với cánh khuấy, van xả và bể chứa cặn.
Theo đó, sau khi dệt nhuộm vải thì nước thải sẽ được tích vào bể chứa nước thải. Trong quá trình vận hành, nước thải tại đây được bơm vào bể keo tụ thứ 2. Tại bể này một hợp chất có tên PGα21Ca sẽ được tự động đong với khối lượng xác định và tự động đổ vào bể khi nước đầy. Sau đó, cánh khuấy sẽ khuếch tán hóa chất đều trong nước để làm sạch nước.
Ở bước này các bông keo tụ sẽ lọc lại các hóa chất độc hại, kim loại, màu vải trong nước thải và lắng xuống dưới đáy bể. Những chất cặn này sẽ được xã vào một bể chứa cặn. Còn nước được lọc bớt hóa chất độc hại sẽ được bơm ra ngoài bể chứa nước sau độc hại. Toàn bộ qui trình này được xử lý tự động hóa bởi vi điều khiển Microchip 8-bit PIC 16F877A.
Theo đánh giá của các chuyên gia, vật liệu keo tụ mới PGα21Ca mà nhóm đã sử dụng là vật liệu thân thiện với môi trường và chưa được ứng dụng tại Việt Nam, độ màu của nước sau xử lý đều đạt quy chuẩn Việt Nam cho phép, giá trị pH đưa về trung tính nên không ảnh hưởng đến vi sinh vật của công trình xử lý sinh học, hàm lượng chất hữu cơ của nước sau xử lý cũng giảm đi đáng kể nên giúp làm giảm tải cho quá trình xử lý sinh học có khả năng ứng dụng rất cao nếu được hoàn thiện tốt hơn.
Bình luận