Sự kiện được phối hợp tổ chức bởi Công ty TNHH MTV DV Quảng cáo và Triển lãm Minh Vi (VEAS) và Công ty Nova Exhibitions BV (Hà Lan) với sự tham dự của lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam), Đại sự quán Hà Lan tại Việt Nam, Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Lâm Đồng (TIPC), Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiệp hội Hoa Đà Lạt và các hiệp hội chuyên ngành, những tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến rau, hoa, quả.
Thành quả nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến
Trong những năm qua, việc trồng trọt cây ăn quả của nước ta đã có những bước tăng trưởng mạnh. Thực tế, diện tích, năng suất và sản lượng cây ăn quả đã liên tục tăng trong 15 năm, đến năm 2017, diện tích cây ăn quả của Việt Nam đã đạt trên 880 nghìn ha (tăng 28% so với năm 2005 là 300 nghìn ha).
Trong 5 năm gần đây, diện tích cây ăn quả có tốt độ phát triển chậm dần, chỉ xấp xỉ đạt 1,5%, tuy nhiên, năng suất và chất lượng cây ăn quả vẫn tiếp tục tăng lên với tố độ là 5.6%/năm. Đặc biệt, năng suất bình quân của tất cả các loại quả hiện nay đạt 10-10.5 tấn/ha, tăng 1,3 lần so với năm 2005 và 1,4 lần so với năm 2010.
Về ngành hàng rau, hoa, tuy việc phát triển các loại rau, hoa ôn đới còn đang chậm phát triển nhưng Việt Nam đã sản xuất mạnh các loại rau, hoa nhiệt đới, vì vậy, diện tích và sản lượng của ngành hàng này cũng tăng mạnh. Sản lượng rau, hoa năm 2010 của nước ta chỉ xấp xỉ 13 triệu tấn, đến năm 2017 đã vươn lên 16,5 triệu tấn; tăng 3,53% so với năm 2016.
Đặc biệt, sản lượng và giá trị xuất khẩu rau, hoa giai đoạn 2011-2016 có sự gia tăng đột biến, 32.7%/năm. Trong khi đó, trước năm 2010, Việt Nam chưa có được những dấu ấn trong thị trường xuất khẩu của thế giới, đến nay, chúng ta đã là một nước xuất khẩu khá mạnh về rau, hoa với giá trị xuất khẩu đạt 3.62 tỷ USD, cao hơn mặt hàng lúa gạo xuất khẩu.
Có được những thành quả như vậy, là nhờ vào nhờ những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là việc chuyển đổi bộ giống cây trồng cũng như sản xuất chuyên canh với trình độ cạnh tác của các nhà vườn được nâng lên.
Qua đó, không chỉ có sự gia tăng về số lượng và chất lượng, sự phát triển của ngành rau, hoa, quả cũng đã tạo ra những tiền đề quan trọng cho nhiều bước phát triển tiếp theo.
Thứ nhất, Việt Nam đã tạo lập được cơ sở vật chất để phục vụ cho công tác chế biến với nhiều nhà máy chế biến của các doanh nghiệp ra đời có công suất dự kiến lên tới 1,2 triệu tấn/năm vào năm 2020 – một sự phát triển nhảy vọt so với hiện nay tổng công suất mới chỉ đạt 800 nghìn tấn/năm.
Thứ hai, đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đặc biệt là các vùng sản xuất hàng hóa có giá trị cao như Tiền Giang với xoài cát Hòa Lộc; Long An với thanh long; Bắc giang với vải thiều; Ninh Thuận với nho… Các trục sản phẩm gắn liền với những vùng miền để phục vụ cho xuất khẩu và nội tiêu cũng đã được hình thành một cách rõ rệt.
Thứ ba, đã phát triển được nhiều thành tựu KHCN trong nước cũng như chắt lọc được những thành tựu KHCN của thế giới để vừa nâng cao được năng suất, vừa nâng cao được chất lượng của sản phẩm, đặc biệt là các kỹ thuật quản lý cây trồng tổng hợp trái cây, sản xuất các giống rau, hoa chất lượng… Đây là một bước tiến rất quan trọng.
Thứ tư, thiết lập được mối liên kết trong sản xuất và xây dựng được một số thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng chủ lực như thanh long, vải, nhãn, xoài… và tạo được nền sản xuất có chứng nhận.
Công nghệ đánh thức tiềm năng
Bên cạnh đó, việc sản xuất rau, hoa, quả của Việt Nam vẫn còn rất nhiều tồn tại. “Những thành tựu mà chúng ta đạt được chưa xứng tầm với các tiềm năng về điều kiện tự nhiên, sức lao động và sự khéo léo, cần cù của người nông dân”, ông Sơn nhận định.
Những yếu điểm lớn nhất của ngành rau, hoa, quả hiện nay là thiếu bộ giống tốt, đặc biệt là các giống rau, hoa quả ôn đới; việc phát triển và ứng dụng các loại vật tư, thiết bị, công nghệ trong canh tác tiên tiến, đặc biệt là công nghệ cao và công nghệ chính xác, tự đồng hóa để điều khiển các chế độ về dinh dưỡng, nhiệt độ, ánh sáng… còn thiếu, cho nên chưa tạo ra được sản phẩm có chất lượng đột biến mà mới chỉ cải thiện dần chất lượng thông qua các kỹ thuật canh tác.
Thêm vào đó, việc cơ giới hóa trong sản xuất vẫn còn chậm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam mới chỉ sử dụng máy móc trong khâu làm đất, các khâu chăm sóc, thu hoạch, bảo quản vẫn còn được thực hiện thủ công, gây ảnh hưởng đến chất lượng và mẫu mã hàng hóa nông sản của nước ta không đồng đều.
Ngoài ra, ngành công nghiệp bảo quản, chế biến còn chậm phát triển, các cơ sở dịch vụ hậu cần phục vụ thu hoạch, bảo quản các máy thu hoạch, vận chuyển, kho lạnh còn ít được quan tâm đầu tư, dẫn đến tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch cao và chất lượng sản phẩm giảm nhiều trong quá trình lưu thông. Đặc biệt, chưa tạo ra được giá trị gia tăng trong khâu chế biến sâu.
Hiện nay, trên cả nước chỉ có 145 doanh nghiệp chế biến rau, hoa, quả, chiếm 2.19% so với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với công suất hoạt động chỉ đạt 4,4%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới (Philippines: 28%; Thái Lan: 30%; Mỹ: 65%; Brazil và Pháp: 70%; Malaysia: 80%...).
Vì vậy, theo ông Sơn, công nghệ tiên tiến chính là chìa khóa để đánh thức những tiềm năng vô hạn của nền nông nghiệp Việt Nam, trong đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa 4 nhà: nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà quản lý cũng như sự liên kết của doanh nghiệp trong và ngoài nước để tiếp nhận và ứng dụng các công nghệ và thương mại hóa sản phẩm. Với sự đầu tư, thâm canh cũng như áp dụng các công nghệ tiên tiến để gieo trồng nhiều loại rau, hoa, quả có giá trị là yếu tố để khẳng định triển vọng về sự tăng trưởng sản lượng và giá trị xuất khẩu các mặt hàng này một cách vô cùng khả quan.
HortEx Vietnam 2019
Đứng trước thực tiễn đó, việc tổ chức một triển lãm và hội nghị có tầm cỡ quốc tế về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả ở Việt Nam để triển lãm, trưng bày, kết nối cung cầu công nghệ trong lĩnh vực này như HortEx Vietnam là vô cùng càn thiết.
HortEx Vietnam 2018 đã diễn ra thành công ngay từ lần đầu tiên tổ chức với 110 doanh nghiệp đến từ 18 quốc gia trên khắp thế giới, hơn 4,5 nghìn lượt khách tham quan thương mại đến từ nhiều quốc gia như Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Philippines, Đài Loan, Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc…
“HortEx Vietnam 2018 đã đạt được một số điểm nhấn nhất định. Trong đó, số lượng doanh nghiệp tham gia rất ấn tượng, đặc biệt là các doanh nghiệp nổi tiếng, có công nghệ cao trên thế giới về giống cây trồng, các nông cụ, trang thiết bị phục vụ cho canh tác, sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến với nhiều quy mô đầu tư khác nhau, phù hợp với từng quy mô đầu tư riêng”, ông Sơn cho biết.
Nối tiếp những thành công đó, HortEx Vietnam 2019 sẽ diễn ra từ ngày 13-15/3/2019 tại TP.HCM với quy mô khoảng 250 doanh nghiệp trưng bày đến từ 22 quốc gia.
Ngoài sự kiện triển lãm và chuỗi hội thảo, HortEx Vietnam 2019 cũng sẽ có Dự án B2B sẽ giúp cho nhiều công ty tìm được một đối tác phù hợp. Bên cạnh đó, sự kiện cũng mở ra một không gian để các doanh nghiệp và người mua có thể gặp gỡ và thảo luận về các vấn đề kinh doanh.
“Chúng tôi mong muốn rằng sự kiện sẽ thu hút khoảng 6.5 nghìn lượt khách tham quan với 15 cuộc meeting, cuộc kết nối giữa các doanh nghiệp cung – cầu công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả”, ông Kuno Jacobs, Giám đốc điều hành Công ty Nova Exhibitions BV, đại diện Ban Tổ chức HortEx Vietnam chia sẻ.
HortEx Vietnam 2019 hứa hẹn sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần đánh thức tiềm năng của Việt Nam trong việc sản xuất và chế biến rau, hoa, quả, phát triển mạnh mẽ nền nông nghiệp nước nhà.
Bình luận