Hồi tháng 9, một nhóm kỹ sư MIT gây chú ý khi tạo ra thiết bị cấy ghép mới giúp bệnh nhân tiểu đường loại 1 duy trì lượng đường trong máu, mà không cần tiêm insulin thường xuyên.
Sáng kiến này được ca ngợi vì tính hữu ích và tiềm năng lớn giúp việc điều trị bệnh tiểu đường trở nên dễ dàng hơn.
Giờ đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Alberta và Đại học Cornell cũng phát minh ra một loại cấy ghép da tiết insulin.
Công nghệ này được thử nghiệm trên chuột, kết quả cho thấy nó có thể đẩy lùi bệnh tiểu đường. Điều quan trọng, các chuyên gia phát hiện, thiết bị cấy ghép da tiết insulin này không cần đến bất kỳ loại thuốc chống thải ghép nào.
James Shapiro, Chủ tịch Nghiên cứu về phẫu thuật cấy ghép và y học tái tạo Canada, cho biết: “Nếu chúng tôi thực hiện việc cấy ghép với ít hoặc không dùng thuốc chống thải ghép, thì chúng tôi có thể thực hiện quy trình này an toàn hơn nhiều, thu hút được nhiều bệnh nhân tiểu đường hơn được hưởng lợi”.
Sáng kiến cấy ghép da tiết insulin này dựa trên phát minh của Minglin Ma ở Cornell. Người này nghĩ ra sợi polymer có thể tháo rời chứa hàng nghìn tế bào nhỏ được bao phủ bởi lớp hydrogel mỏng, có thể đưa vào bụng bệnh nhân, mà không gây ra phản ứng miễn dịch thải ghép.
James Shapiro đang nghiên cứu một thiết bị cấy ghép da dành cho bệnh nhân tiểu đường, với những đặc tính tương tự. Khi tình cờ biết được công trình của Minglin Ma, James Shapiro nảy sinh ý tưởng kết hợp các phương pháp lại, và điều này mang lại thành công bước đầu.
“Thực sự nó có tác dụng. Trên cơ thể chuột, chúng tôi đã cấy ghép da tiết insulin mà không cần dùng đến thuốc chống thải ghép. Những con chuột được cấy ghép đã đảo ngược bệnh tiểu đường mà không cần dùng đến các loại thuốc chống thải ghép nguy hiểm và thường có hại”, James Shapiro nói.
Thuốc chống thải ghép về mặt y tế được gọi là thuốc ức chế miễn dịch, là thuốc được kê đơn cho người nhận ghép tạng để giúp ngăn hệ thống miễn dịch của họ tấn công và đào thải cơ quan lạ.
Trong trường hợp này, thuốc chống thải ghép không cần dùng tới để đảm bảo việc cấy ghép da tiết insulin không bị đào thải.
Tuy nhiên, thử nghiệm mới cho đến nay chỉ giới hạn ở những mẫu chuột nhỏ. Để thêm bằng chứng thuyết phục về hiệu quả và độ an toàn của thiết bị cấy ghép mới, chúng ta cần có nhiều thử nghiệm lâm sàng hơn được thực hiện trên động vật lớn hơn và cả con người.
Bình luận