Tổ chức QS xếp hạng top 10 đại học hàng đầu tại Pháp năm 2019 dựa theo 6 tiêu chí: danh tiếng học thuật (40%), danh tiếng người sử dụng lao động (10%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (20%), số trích dẫn khoa học trên mỗi giảng viên (20%), tỷ lệ giảng viên quốc tế (5%), tỷ lệ sinh viên quốc tế (5%).
1. Đại học nghiên cứu khoa học Paris et Lettres (PSL)
Đại học Paris et Lettres đứng đầu bảng xếp hạng trường xuất sắc nhất nước Pháp và đứng thứ 53 trên bảng xếp hạng đại học hàng đầu thế giới. Thành lập vào năm 2010, trường PSL được tạo thành từ 9 đại học thành phần, trong đó có École Normale Supérieure - một trong những đại học danh giá và có chỉ tiêu tuyển sinh khắt khe nhất nước Pháp.
Hiện tại trường PSL đào tạo rất nhiều ngành học từ khoa học, kỹ thuật đến nghệ thuật, nhân văn, khoa học xã hội, hóa học, năng lượng và khoa học sự sống. Trường có 181 phòng thí nghiệm và 101 khoản tài trợ ERC (tài trợ nghiên cứu khoa học).
Hơn 20.000 sinh viên đang theo học tại PSL, trong đó 26% sinh viên quốc tế. Trong số cựu sinh viên nổi tiếng của các trường đại học thành phần thuộc PSL có nhà phát minh thanh trùng Louis Pasteur, người đoạt giải Nobel Văn học Henri Bergson, nhà tư tưởng nổi tiếng Michel Foucault, nhà triết học Bernard- Henri- Levy.
2. Trường Bách khoa Paris (École polytechnique)
Thành lập năm 1974, trường Bách khoa Paris (còn gọi trường X) là một trong những "Grande école" (cơ sở giáo dục đào tạo cao cấp) nổi tiếng nhất nước Pháp, được xem như trường đào tạo kỹ sư nổi tiếng nhất nước này. Trường hiện đứng thứ hai trong bảng xếp hạng đại học hàng đầu nước Pháp và đứng thứ 60 thế giới.
Mục đích truyền thống của sinh viên tại ngôi trường này là trở thành nhân lực cấp cao của chính phủ Pháp và các tập đoàn công nghiệp hàng đầu quốc gia. Trường Bách khoa Paris hiện đào tạo 1.660 sinh viên với các chương trình cả đại học và sau đại học. Các khoa đào tạo gồm: Sinh học, Hóa học, Kinh tế, Văn học và Khoa học xã hội, Tin học, Ngôn ngữ và Văn hóa, Toán, Vật lý, Cơ khí, Quản lý phát triển và Kinh doanh.
Có rất nhiều nhân tài từng theo học tại trường, bao gồm các cựu tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing, Sadi Carnot, cựu bộ trưởng tài chính Francis Mer, tướng Jean-Baptiste Eugène Estienne - cha đẻ của xe tăng, cùng nhiều phi hành gia vũ trụ và nhà công nghiệp.
3. Đại học Sorbonne
Đứng thứ ba ở Pháp, thứ 77 thế giới trên bảng xếp hạng là Đại học Sorbonne. Đây là đại học công lập, thành lập bởi sự sáp nhập của Đại học Paris -Sorbonne, Đại học Pierre et Marie Curie và một số trường nhỏ khác vào năm 2018.
Tiền thân của Đại học Sorbonne là trường College de Sorbonne, ngày nay chính là khoa Nhân văn của trường. Hiện tại, Sorbonne được công nhận là đại học nghiên cứu đẳng cấp thế giới với gần 53.400 sinh viên, trong đó 10.200 đến từ quốc tế và 4.400 sinh viên theo chương trình tiến sĩ.
Trường có 3 khoa, gồm Nhân văn (Văn khoa) với các bộ môn lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, âm nhạc; khoa Khoa học; khoa Dược. Trong bảng xếp hạng của QS, trường đạt điểm cao nhất về chỉ số uy tín học thuật.
4. Viện CentraleSupélec
Viện CentraleSupélec đứng thứ tư trên bảng xếp hạng đại học hàng đầu Pháp và đứng thứ 139 thế giới. CentraleSupélec được thành lập ngày 1/1/2015 thông qua sự sáp nhập của hai trường cao học hàng đầu nước Pháp là Ecole Centrale Paris và Supélec.
Viện CentraleSupélec là thành viên sáng lập chính của Đại học Paris-Saclay, mạng lưới TIME (Top Industrial Managers for Europe - Top các nhà quản lý công nghiệp hàng đầu châu Âu) và hiệp hội các trường kỹ thuật châu Âu. Theo nhiều cuộc khảo sát, những cử nhân tốt nghiệp CentraleSupélec luôn được trả lương cao nhất nước Pháp.
Hiện Viện CentraleSupélec có các khoa: Kỹ thuật, Công nghệ thông tin, Khoa học Truyền thông, Kỹ thuật robot và máy tính, Kỹ thuật, Năng lượng và Môi trường, Robotics, Sức khỏe, Toán học và các ngành kỹ thuật khác, điện tử.
Khoảng 5.350 sinh viên đang theo học tại trường.
5. Đại học École Normale Supérieure de Lyon
Dù giảm bậc trên bảng xếp hạng đại học hàng đầu thế giới năm nay (đứng thứ 160), École Normale Supérieure de Lyon (ENSL) vẫn xếp thứ năm ở Pháp.
Được thành lập năm 1880, trường ENSL hiện tại là thành viên của Đại học Lyon, hệ thống bao gồm 11 trường và viện nghiên cứu. Trường cũng đặt quan hệ đối tác với nhiều đại học uy tín, đẳng cấp hàng đầu thế giới như Đại học Bắc Kinh, Đại học Cambridge, Oxford, McGill, Havard.
Phần lớn sinh viên của trường được tuyển trực tiếp từ các trường dự bị của Pháp, tuy nhiên cũng có một số tham gia thi tuyển qua các kỳ tuyển sinh nghiêm ngặt.
Trường ENSL đang đào tạo khoảng 2.000 sinh viên bậc đại học và 400 sinh viên bậc sau đại học. Các ngành đào tạo của trường bao gồm: Sinh học, Hóa học, Khoa học máy tính, Khoa học về Trái Đất, Toán học, Vật lý, Nghệ thuật, Ngoại ngữ, Tiếng Pháp, Khoa học con người, Khoa học xã hội.
6. Học viện chính trị Paris
Thành lập vào năm 1872, Học viện chính trị Paris hiện đứng thứ sáu trong bảng xếp hạng đại học ở Pháp và thứ 242 trên bảng xếp hạng thế giới.
Học viện chính trị Paris là trường chuyên về pháp luật, kinh tế, khoa học xã hội, chính trị và các lĩnh vực liên quan. Hiện nay trường đặt trách nhiệm đầu tiên là đào tạo ra các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực hoạt động công và tư nhân ở Pháp và trên toàn thế giới.
Có rất nhiều nhân tài từng theo học tại trường, tiêu biểu như cựu tổng thống Pháp Francois Hollande.
Hiện có khoảng 13.000 sinh viên theo học tại trường, trong đó 46% đến từ gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trường cũng có 200 giảng viên, nghiên cứu sinh và 470 trường đại học đối tác.
7. Trường Viễn thông Paris
Xếp thứ bảy trong danh sách đại học tốt nhất nước Pháp và 249 trên bảng xếp hạng thế giới, trường Viễn thông Paris (tên đầy đủ là Đại học Quốc gia Viễn thông) là một trong những "grande école" đào tạo kỹ sư viễn thông nổi tiếng của Pháp.
Trường được thành lập năm 1878 và đang có hai cơ sở, một nằm ở quận 13 của Paris, một nằm ở Sophia Antiplolis (công viên công nghệ ở Pháp). Trường chuyên về nghiên cứu và đào tạo kỹ sư trong nhiều lĩnh vực liên quan đến thông tin liên lạc.
Hiện có hơn 1.500 sinh viên theo học tại trường, trong đó 700 sinh viên theo học hệ kỹ sư.
8. Trường École des Ponts ParisTech
Trường École des Ponts ParisTech (ENPC) tăng 13 bậc trên bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới trong năm nay và hiện đứng thứ 250.
Thành lập từ năm 1747, ENPC hiện là một trong những trường đào tạo kỹ sư hàng đầu tại Pháp, cung cấp các khóa học cả bậc đại học và sau đại học về kỹ thuật, khoa học và công nghệ. Trường có quan hệ hợp tác với 53 đại học ở 32 quốc gia, trao đổi học kỳ với một số trường kỹ thuật nổi tiếng như Berkeley, Georgia Tech và Imperial College.
Hiện có 1.790 sinh viên theo học tại trường. Một số cựu sinh viên nổi tiếng từng theo học tại ENPC là cựu tổng thống Pháp Marie Francois Sadi Carnot, hoàng tử - cựu tổng thống Lào Souphanouvong, kiến trúc sư Paul Andreu, nhà vật lý Henri Becquerel, kỹ sư - nhà phát minh xi măng nhân tạo Louis Vicat...
9. Đại học Paris (University of Paris)
Đại học Paris (trường thành lập năm 2019, khác với Đại học Paris thành lập năm 1150) xếp thứ 253 trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới năm nay.
Đây là đại học công lập, được thành lập ngày 20/3/2019 dựa trên sự kết hợp của 3 đại học xuất sắc nhất ở Pháp: Paris Descartes, Paris Diderot và Insitut de Physique de Globe de Paris. Trong đó, trường Paris Diderot có các cựu sinh viên và giảng viên từng đoạt giải Nobel, giải thưởng Fields và có cả hai cựu Bộ trưởng Giáo dục Pháp.
Hiện tại, 3 trường đại học vẫn tách biệt và đến ngày 1/1/2020 sẽ hợp nhất dưới tên Đại học Paris. Tổng số sinh viên của cả ba trường sáp nhập là 58.000.
10. Đại học Paris XI
Đại học Paris XI đứng thứ 262 trên bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới. Thành lập vào năm 1971, đây là một trong những đại học lớn và uy tín nhất nước Pháp và châu Âu về đào tạo khoa học.
Có 31.400 sinh viên theo học, trường giảng dạy đại học, sau đại học các ngành: Cơ khí và Công nghệ, Dược, Hóa học, Khoa học công nghệ, Kỹ sư điện, Kinh tế, Luật, Quản trị, Vật lý ứng dụng, Y khoa.
Trường có rất nhiều cựu sinh viên nổi tiếng, từng giành giải thưởng danh giá như 4 giải Field vào các năm 1994, 2002, 2006, 2010; 2 giải thưởng Nobel về Vật lý các năm 1991, 2007.
Bình luận