• Zalo

Công bố clip, số liệu tố cáo tàu Trung Quốc vô nhân đạo

Thế giớiThứ Năm, 05/06/2014 03:45:00 +07:00Google News

Các tàu Trung Quốc đã làm hư hỏng 24 tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, trong đó có 19 tàu kiểm ngư, 5 tàu CSB, 12 kiểm ngư viên bị thương.

Toàn cảnh cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông do Bộ Ngoại giao tổ chức với sự tham dự của Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam được VTC News thuật lại.

Cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông diễn ra hôm nay tại Hà Nội thu hút sự chú ý của đông đảo các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước. Đại diện một số cơ quan tham gia họp báo hôm nay: Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia; Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Ông Hà Lê; Cục phó Cục Kiểm ngư; Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam.
Video clip mới nhất ghi lại cảnh tàu Cảnh sát biển Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm:

Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố khai mạc họp báo quốc tế: Đã hơn một tháng kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Trung Quốc còn đưa cả tàu quân sự vào đe dọa tàu chấp pháp và tàu cá Việt Nam.

Hành vi này của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông, đi ngược lại Công ước quốc tế về luật biển UNCLOS 1982, đi ngược lại cam kết được ký giữa lãnh đạo hai nước về xử lý tình hình Biển Đông.

Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tại buổi họp báo. Ảnh: Tùng Đinh

Việt Nam đã kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình, thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước. Trong các cuộc tiếp xúc, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan trái phép nêu trên, và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những hành vi hung hăng ở Biển Đông.

Nhưng đáp lại thiện chí của Việt Nam, Trung Quốc liên tục có những hành động hung hăng, gây hấn. Thậm chí, nước này còn rêu rao về cái gọi là "chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo Tây Sa" mà thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
 
Ông Trần Duy Hải - Phó chủ nhiệm Ủy ban biên giới Chính phủ. Ảnh: Tùng Đinh
Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia trình bày về tình hình hiện tại trên Biển Đông: Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, Việt Nam đã nỗ lực đối thoại, trao đổi với Trung Quốc ở nhiều cấp độ khác nhau, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa. Đến nay đã có trên 30 cuộc trao đổi với nhiều hình thức.


Cộng đồng quốc tế lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ, đánh giá cao sự kiềm chế của Việt Nam. Thế nhưng, Trung Quốc lại phản ứng tiêu cực, có những lời lẽ vu cáo Việt Nam. Nước này còn mở rộng phạm vi hoạt động của giàn khoan, di chuyển giàn khoan này sang địa điểm mới, vẫn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Tàu hộ tống các loại cũng được Trung Quốc gia tăng bảo vệ giàn khoan như: tàu tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tàu săn ngầm v.v.
..

Các tàu Trung Quốc có hành vi rất hung hăng, cố tình đâm va, phun vòi rồng vào tàu chấp pháp Việt Nam khiến nhiều cán bộ Việt Nam bị thương. Ngày 26/5, tàu Trung Quốc còn đâm chìm tàu cá Việt Nam ở cách khu vực giàn khoan trái phép 17 hải lý, thậm chí còn ngăn cản tàu Việt Nam đến cứu hộ tàu cá.

Bản đồ sự di chuyển của giàn khoan. Ảnh: Tùng Đinh 

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm gửi Trung Quốc, yêu cầu nước này rút giàn khoan và cùng Việt Nam đàm phán về tính pháp lý của giàn khoan này nhưng Trung Quốc đến nay vẫn im lặng.

Ngày 4/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp tục gửi công hàm yêu cầu Trung Quốc giải quyết các vấn đề liên quan đến việc hạ đặt trái phép giàn khoan và giải quyết vấn đề bằng các biện pháp hòa bình. Việt Nam đề nghị các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong việc đấu tranh hòa bình, bảo vệ chủ quyền đất nước.


Ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển VN. Ảnh: Tùng Đinh 

Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, tổng hợp diễn biến hiện trường một tháng qua: Thời điểm đầu tiên đặt giàn khoan ở phía Tây Nam đảo Tri Tôn của Việt Nam 17 hải lý, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế VN 80 hải lý.

Ngày 27/5, Trung Quốc di chuyển giàn khoan đến vị trí mới, nằm ở phía Đông Nam đảo Tri Tôn, sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam 57 hải lý.


Trung Quốc sử dụng lực lượng tàu bảo vệ đông đảo, thường xuyên có từ 40 tàu, ngày cao điểm có đến 140 chiếc: tàu hải cảnh, hải giám, hải tuần, tàu phục vụ hạ đặt giàn khoan, tàu vận tải. Đặc biệt, Trung Quốc dùng tàu cá vỏ sắt, lượng giãn nước 200- 400 tấn, ngày cao điểm lên đến 60 chiếc. Nghiêm trọng hơn, Trung Quốc đưa 6 loại tàu chiến hiện đại của nước này: Tàu hộ vệ tên lửa, tàu khu trục tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tàu đổ bộ, tàu săn ngầm

Trung Quốc còn huy động máy bay các loại hoạt động trên giàn khoan: máy bay tuần thám biển, máy bay trinh sát tầm xa, máy bay trực thăng, máy bay chiến đấu... Ngày 27/5, Trung Quốc sử dụng 9 lần chiếc máy bay chiến đấu bảo vệ giàn khoan.

Trung Quốc sử dụng nhiều vòng bảo vệ giàn khoan: vòng 1 cách 2 hải lý, gồm tàu dịch vụ; vòng 2 cách 5 hải lý gồm tàu hải cảnh, hải tuần; vòng 3 cách 9 hải lý gồm tàu chiến, tàu cá.

Các nhóm tàu Trung Quốc thường xuyên bám sát tàu CSB, Kiểm ngư Việt Nam. Khi tàu Việt Nam tiếp cận, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan thì các tàu Trung Quốc bao vây hai bên mạn tàu, sử dụng tàu cơ động, tốc độ cao đâm vào tàu Việt Nam. Tàu Trung Quốc cũng sử dụng súng phun nước bắn thẳng vào tàu Việt Nam gây nhiều thiệt hại về người và tàu Việt Nam.

Ông Ngô Ngọc Thu đang chú thích video tàu Trung Quốc đâm tàu Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh 

Trung Quốc còn sử dụng các máy phát âm tần, đèn pha công suất lớn chĩa về tàu Việt Nam. Những dụng cụ này gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý cán bộ, chiến sĩ CSB, Kiểm ngư Việt Nam.

Hôm 27/5, khi các tàu cá Việt Nam cứu hộ tàu cá bị Trung Quốc đâm chìm thì các tàu Trung Quốc hung hăng ngăn cản việc cứu vớt ngư dân gặp nạn. 

Từ khi hạ đặt giàn khoan đến nay, các tàu Trung Quốc đã làm hư hỏng 24 tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, trong đó có 19 tàu kiểm ngư, 5 tàu CSB.

Video: Tàu Trung Quốc húc chìm tàu cá Việt Nam


Hôm 1/6, tàu Trung Quốc đâm thẳng vào tàu 2016 của CSB VN làm tàu Việt Nam bị thủng 4 lỗ ở mạn phải, suýt gây chìm tàu Việt Nam.

Hôm qua và sáng nay, tàu Trung Quốc đâm va, phun nước vào tàu 630 và tàu Trường Sa 2 của Việt Nam.

Lực lượng chấp pháp của Việt Nam đưa ra hiện trường một số lượng hạn chế tàu thuyền để xua đuổi tàu TQ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế. Tàu Việt Nam dùng loa phóng thanh phát đi 3 thứ tiếng: Việt, Trung Anh và nhiều biểu ngữ yêu cầu Trung Quốc  tôn trọng chủ quyền Việt Nam.

Mặc dù bị lực lượng tàu bảo vệ Trung Quốc đâm va, sử dụng phương tiện gây ảnh hưởng, nhưng lực lượng chấp pháp Việt Nam bình tĩnh, kiên trì thể hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông

Chúng tôi vẫn sẽ có mặt để thể hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với những vùng biển thuộc về chủ quyền Việt Nam.

* Phần họp báo chuyển sang phát video clip do Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam ghi lại những hành động hung hăng của Trung Quốc. Video clip đầy đủ sẽ được VTC News đăng tải ngay sau cuộc họp báo.

Ông Hà Lê - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh 
Ông Hà Lê, Cục phó Cục Kiểm ngư Việt Nam trình bày tình hình liên quan giàn khoan Trung Quốc một tháng qua: Lực lượng kiểm ngư đã có mặt tại hiện trường ngay từ những ngày đầu tiên để tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan. 

Các tàu Trung Quốc luôn chủ động tấn công, uy hiếp tàu Kiểm ngư Việt Nam. Đến nay 19 tàu Kiểm ngư bị hư hại và 12 kiểm ngư viên bị thương.

Trung Quốc có hành động đặc biệt nghiêm trọng khi đâm chìm tàu cá Việt Nam. Thời điểm này là mùa cao điểm cá nên bà con ngư dân miền Trung đang kiên cường bám biển. Hiện 12 tàu cá của Việt Nam đã bị phía Trung Quốc uy hiếp, đâm va, và đối xử vô nhân đạo.

Tàu chiến Trung Quốc còn bắn đạn pháo sáng, ném búa, ném ốc vít vào tàu cá 96416 của Quảng Ngãi. Tàu ngư chính Trung Quốc sau đó đâm trực diện vào tàu cá này của Việt Nam. Tàu Kiểm ngư Việt Nam luôn luôn kiềm chế, tránh va chạm, dùng biện pháp hòa bình kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan và rút tàu hộ vệ nhưng hiện tại chưa được Trung Quốc đáp lại một cách thiện chí.

Tuy nhiên, lực lượng Kiểm ngư vẫn sẽ kiên quyết bám biển, bảo vệ chủ quyền và có những biện pháp phối hợp các lực lượng chức năng đảm bảo không để chủ quyền đất nước bị xâm phạm.

Lực lượng Kiểm ngư cũng công bố clip cho thấy tàu cá Trung Quốc hành xử vô nhân đạo, đâm chìm tàu cá Việt Nam.

Video tố cáo hành động vô nhân đạo của Trung Quốc


16h40: Cuộc họp báo chuyển sang phần hỏi đáp.

- Xin đại diện CSB cho biết vị trí hiện tại của giàn khoan Trung Quốc và vì sao Trung Quốc di chuyển giàn khoan nhiều như vậy?

Ông Ngô Ngọc Thu: Vị trí mới của giàn khoan Trung Quốc đã được chúng tôi xác định như phần thông báo nêu trên. Do giàn khoan nặng đến cả ngàn tấn nên việc dịch chuyển để tìm địa điểm khoan là bình thường. Dù vậy, tôi nhấn mạnh là dù ở vị trí nào thì Trung Quốc cũng đã và đang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

- Phóng viên Mỹ: Tuần trước đoàn cấp cao của Ủy ban đối ngoại Hoa Kỳ đã đến Việt Nam. Chúng tôi xin hỏi Việt Nam có kỳ vọng thế nào về việc đề nghị Mỹ giúp bảo vệ chủ quyền?

Ông Lê Hải Bình:
Việc bảo vệ, duy trì an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực là nghĩa vụ, trách nhiệm của các quốc gia liên quan. Hoa Kỳ là cường quốc trên thế giới, trong thời gian qua, Hoa Kỳ cũng đã có tiếng nói đóng góp vào việc ủng hộ an toàn, an ninh hàng hải trong khu vực. Chúng tôi mong muốn Hoa Kỳ có tiếng nói mạnh mẽ hơn vào việc giải quyết các vấn đề trong khu vực thông qua luật pháp quốc tế.

Phóng viên AP đặt câu hỏi với ông Lê Hải Bình. Ảnh: Tùng Đinh 

- Phóng viên AP: Chắc hẳn nhìn những cảnh trong video clip, người dân Việt Nam sẽ rất phẫn nộ. Tôi xin hỏi vì sao Việt Nam không cho phép người dân biểu tình phản đối trước Sứ quán Trung Quốc?

Ông Lê Hải Bình:
Tôi hoàn toàn đồng ý với việc phóng viên cho rằng người Việt Nam xem clip sẽ rất phẫn nộ. Không những thế, những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới cũng sẽ phẫn nộ. Chính phủ Việt Nam đang có nhiều biện pháp hòa bình để đấu tranh bảo vệ lãnh thổ.
 
Thông tin Việt Nam không có biểu tình là không có cơ sở. Người dân Việt Nam được phép thể hiện lòng yêu nước một cách hòa bình, trong khuôn khổ luật pháp cho phép. Thời gian qua, người Việt ở nhiều nơi trên thế giới cũng đã biểu tình phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc.

- Trong 1 tháng qua, Việt Nam đã kiên trì theo đuổi biện pháp hòa bình nhưng Trung Quốc không có ý định xuống thang. Xin hỏi Việt nam sẽ có biện pháp gì tiếp theo?

Ông Trần Duy Hải: Trong một tháng qua, chúng ta đã rất nỗ lực dùng các biện pháp ngoại giao. Nhưng Trung Quốc vẫn bất chấp dư luận quốc tế. Trước tình hình như vậy, Việt Nam vẫn sẽ kiên trì dùng biện pháp hòa bình, nỗ lực ngoại giao hơn nữa với Trung Quốc để cố gắng giải quyết vấn đề. Đồng thời, Việt Nam sẽ cân nhắc những biện pháp khác để bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam.

- Vừa qua, phát biểu của những đại diện như Mỹ, Nhật khiến đại diện Trung Quốc bất bình và thể hiện những phát ngôn thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế. Việt nam đánh giá thế nào về vai trò của cộng đồng quốc tế trong duy trì an ninh, an toàn hàng hải Biển Đông?

Ông Trần Duy Hải: Có lẽ đây là một trong những lần đầu tiên cộng đồng quốc tế có phản ứng mạnh mẽ về tình hình Biển Đông. Tôi cho rằng ý kiến của cộng đồng quốc tế góp phần chặn lại những hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc. Chúng tôi mong muốn cộng đồng quốc tế sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa.

Về vụ kiện, thì những vụ kiện quốc tế đều rất phức tạp. Hơn nữa, vụ việc xảy ra trong vùng liên quan đến quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Đó không chỉ là vụ kiện dân sự nên tôi cho rằng kiện cũng không giúp giải quyết vấn đề. Tôi cho rằng chúng ta cần chọn giải pháp tối ưu.

Ông Hà Lê đang chú thích cảnh tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam.
Ảnh: Tùng Đinh
 

- Bộ Ngoại giao Việt Nam phản ứng thế nào về cáo buộc của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Việt Nam 120 lần đâm tàu Trung Quốc. Tiếp đó, Trung Quốc lưu hành công hàm về giàn khoan của Trung Quốc ở Biển Đông, xin hỏi Bộ Ngoại giao phản ứng thế nào?

Ông Trần Duy Hải: Thực chất, nội dung công hàm của Trung Quốc lưu hành ở Liên hiệp quốc và phát ngôn của Bộ Ngoại giao nước này đều là xuyên tạc sự thật.

Những bằng chứng do Việt Nam công bố cho thấy tàu Trung Quốc hung hăng tấn công tàu Việt Nam. Ngay cả phía Trung Quốc cũng không đưa được bằng chứng nào cho thấy tàu Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc.

Tôi nhấn mạnh rằng, các phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc cũng đã đưa tin về hành động đâm va, phun vòi rồng vào tàu chấp pháp Việt Nam. Như vậy, Trung Quốc cũng đã thừa nhận hành vi sai trái, ngang ngược của mình.

- Có thông tin nói Trung Quốc đang đóng giàn khoan thứ hai, và nếu Trung Quốc rút giàn khoan hiện tại thì cuộc chiến pháp lý giữa Việt Nam với Trung Quốc có tiếp tục hay không?

Ông Trần Duy Hải: Đến nay, Việt Nam vẫn đang kiên trì yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và hai bên cùng đối thoại xác định tính pháp lý của khu vực mà giàn khoan đang hoạt động. Nếu Trung Quốc rút giàn khoan và đàm phán thì Việt Nam sẽ hoan nghênh.

 - Có thông tin nói lực lượng chấp pháp Việt Nam đang bị yếu thế trước Trung Quốc, và nếu Trung Quốc không chịu rút giàn khoan thì lực lượng chấp pháp Việt Nam sẽ làm gì?

Ông Ngô Ngọc Thu: Sự so sánh mạnh yếu thì tôi xin nói rõ thế này: Sau khi giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam thì lực lượng CSB, Kiểm ngư đã kịp thời có mặt. Trong thời gian vừa qua, mặc dù tàu bảo vệ của Trung Quốc sử dụng phương tiện tấn công tàu thực thi pháp luật Việt Nam làm hư hỏng phương tiện, làm kiểm ngư viên bị thương. Nhưng phía Việt Nam vẫn kiềm chế bởi chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam là giải quyết vấn đề thông qua biện pháp hòa bình. Việc kiềm chế của chúng tôi là thực hiện mục tiêu, chủ trương của Nhà nước.

- Có ý kiến nói đường dây nóng Việt Trung chưa hiệu quả, Bộ Ngoại giao bình luận tnao về ý kiến này?

Ông Lê Hải Bình: Đường dây nóng muốn hoạt động hiệu quả thì phải đến từ thiện chí của cả hai phía. Cũng như vậy, các tranh chấp chỉ có thể được giải quyết qua thiện chí từ cả hai phía.

Phương Mai - Tùng Đinh
Bình luận
vtcnews.vn