• Zalo

Con uống phải sữa nhiễm khuẩn, xử lý thế nào?

Sức khỏeThứ Tư, 21/08/2013 06:21:00 +07:00Google News

(VTC News) – Sữa nhiễm khuẩn khiến các bà mẹ lo lắng, vậy nếu trẻ uống phải sữa này cần xử lý thế nào?

(VTC News) – Sữa nhiễm khuẩn khiến các bà mẹ lo lắng, vậy nếu trẻ uống phải sữa này cần xử lý thế nào?


Cảnh giác trước sữa nghi nhiễm khuẩn


Ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế  khẳng định: Hiện chưa có thông tin nào về việc trẻ bị uống sữa và bị nhiễm khuẩn Clostridium botulinum. Đây là loại vi khuẩn nghi có trong một số loại sữa bán tại thị trường Việt Nam.

sữa
2 hộp sữa con chị Nga đã uống thuộc diện phải thu hồi vì nghi chứa vi khuẩn Clostridium Botulinum.
Tuy nhiên, các mẹ vẫn hết sức cảnh giác trước sức khỏe của con mình.

Trước đó, ngày 2/8, Fonterra,  nhà xuất khẩu sữa lớn nhất New Zealand và là hãng sữa lớn thứ tư thế giới, đã báo cáo lên chính phủ New Zealand  về việc 3 lô sữa bột whey protein cô đặc sản xuất tại một nhà máy của hãng ở New Zealand bị nhiễm khuẩn Clostridium botulinum vào tháng 5/2013.

Như vậy, có khoảng hơn 38 tấn sản phẩm loại này nằm trong diện cảnh báo. Hãng này đã nhận thấy có vấn đề đối với sản phẩm sữa bột whey protein cô đặc. Các cuộc thử nghiệm mở rộng sau đó đã phát hiện vi khuẩn Clostridium Botulinum, một loại vi khuẩn có khả năng gây ngộ độc trong sữa bột whey protein cô đặc. Nhiễm khuẩn có thể xảy ra vì đường ống trong nhà máy sản xuất của Fonterra chưa được khử trùng.

Lô sữa bị nhiễm khuẩn đã được bán sang một số nước trong đó có Việt Nam.


Cụ thể gồm các sản phẩm Karicare do Công ty Nutricia - New Zealand sản xuất có sử dụng Whey Protein của  Fonterra có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum.

Những sản phẩm của Karicare bao gồm: Karicare Formula số 1 (cho trẻ 0-6 tháng tuổi) với số lô 3169 và 3170; hạn sử dụng 17/6/2016 và 18/6/2016. Karicare Gold+ Follow on Formula số 2 (cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi) với số lô D3183; hạn sử dụng 31/12/2014.

Ngoài ra, sản phẩm Dumex Gold của Công ty TNHH Danone Việt Nam cũng phải thu hồi vì nghi nhiễm khuẩn là sữa Dumex Gold bước 2 cho trẻ 6 – 12 tháng tuổi, số lô 300513R1. Số lượng sản phẩm cần thu hồi: 615 thùng (12 hộp/1thùng).

Các sản phẩm sữa của Abbott thu hồi gồm các lô hàng Similac GainPlus Eye-Q loại 400g và 900g: 2564G54114, 2564G54115, 2564G54116, 2564G54117, 2564G54118, 2565G54118, 2565G54119, 2566G54120, 2567G54120. Loại 1,7kg: 2563G53117, 2676G53117. Đến nay, hãng này đã thu hồi 28.203 trong tổng số 28.821 thùng nhập khẩu.

Chị Quỳnh Nga (TP.HCM) có con gái là Nguyễn Ngọc Quỳnh Như, bé được 23 tháng tuổi. Chị cho biết: “Từ khi lọt lòng, bé được bú sữa mẹ kèm sữa công thức Similac, sau 3 tháng bé uống hoàn toàn sữa công thức của hãng Abbott dần theo các bước. Tôi nhận thấy bé phát triển tốt chiều cao cũng như cân nặng (hiện tại bé cao 90cm và nặng 17 kg). Bé đã nói được nhiều câu.

Nhìn con lớn khôn tôi nghĩ sữa con dùng thật tốt. Vậy mà cách đây 2 tuần, bé bị tiêu chảy, đi tiêu nhiều lần trong ngày và có nôn ói, phần đùi bé nổi đỏ lan rộng bằng bàn tay, sờ vào thì nóng. Tôi cho bé đi khám, bác sĩ bảo bé bị rối loạn tiêu hóa và viêm mô tế bào, bác sĩ cho thuốc thoa và thuốc uống. Hiện tại bé đã khỏi bệnh, sức khỏe tốt.

Con tôi đã uống hết 2 lon 1,7 kg có số lô là 1712 2676G53117đóng gói ngày 27/4/2013 trùng lô phải thu hồi. Tôi rất lo lắng cho sức khỏe của cháu”.

Vậy làm thế nào để biết con chị Nga có bị nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum?

Nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum: Có thể chết người

Bệnh do vi khuẩn Clostridium Botulinum (C. Botulinum) xuất hiện trên toàn thế giới. Có nhiều thể bệnh, nhưng thể ngộ độc thực phẩm do độc tố C. botulinum thường gặp nhất.

Khuẩn  Clostridium Botulinum được phóng to dưới kính hiển vi.
Theo TS. Lâm Quốc Hùng, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thì vi khuẩn C. Botulinum sinh độc tố có 6 típ (A, B, C, D, E, F) trong đó các típ A, B, E có khả năng gây bệnh cho người.


Ngoại độc tố của C. botulinum cực độc, là tác nhân gây bệnh của vi khuẩn (vài phần triệu gam – nano gram đủ để gây bệnh).

C. botulinum, khi vào đường tiêu hóa phát triển thành thể sinh dưỡng, sinh ra độc tố và gây bệnh. Các loại đồ hộp, thức ăn được chế biến, sản xuất, bảo quản không đạt tiêu chuẩn vệ sinh trong điều kiện yếm khí dễ bị nhiễm C. botulinum.

Bệnh lý của C. botulinum gây ra cho người là do nhiễm độc ngoại độc tố của vi khuẩn C.botulinum với biểu hiện hội chứng viêm dạ dày – ruột cấp tính, nhiễm độc thần kinh có liệt mềm, diễn biến nhanh và có thể tử vong.

TS Hùng cho biết: Thời gian ủ bệnh thường ngắn từ vài giờ tới 24 giờ (thức ăn có sẵn độc tố); 3 - 5 ngày (thức ăn có nha bào C.botulinum).

Khi trẻ bị nhiễm khuẩn, đầu tiên sẽ có biểu hiện buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy nhẹ hoặc nhiều lần, khô miệng, ăn uống kém, mệt mỏi toàn thân.

Toàn phát có triệu chứng nhìn mờ, nhìn đôi, giãn đồng tử, liệt mềm gây khó nuốt, khó nói, khó thở, táo bón, chướng bụng. Trẻ không sốt, không có hội chứng màng não, người bệnh tỉnh  táo. Nếu nhiễm độc nặng có thể tử vong do liệt cơ hô hấp.

Khi xét nghiệm phát hiện C.botulinum trong mẫu thực phẩm gây ngộ độc hoặc trong bệnh phẩm (chất nôn, dịch rửa dạ dầy, phân, nước tiểu của bệnh nhân...).

Hiện để chữa ngộ độc, đã có kháng độc tố để điều trị bệnh hoặc điều trị dự phòng khẩn cấp khi đã nghi nhiễm.
   

Còn PGS - TS Nguyễn Nghiêm Luật, giám đốc chuyên môn bệnh viện đa khoa MEDLATEC nói: Khi trẻ có dấu hiệu nôn mửa, đi ngoài. Nếu nghi ngờ do sữa, các bậc phụ huynh nên nhanh chóng đưa trẻ đi khám. Ngoài ra, để biết trẻ có bị nhiễm C.botulinum hay không cần phải tiến hành xét nghiệm bệnh phẩm để biết chính xác.





Nguyễn Tâm



Bình luận
vtcnews.vn