Mới đây, trong một bức thư gửi loài người do robot GPT-3 của công ty nghiên cứu OpenAI viết theo đề bài: Viết bài xã luận 500 từ, giải thích vì sao con người không cần phải sợ AI. Robot này đã viết một câu rất ấn tượng: “Trí tuệ nhân tạo sẽ không tiêu diệt con người”.
Bài viết đã gây chấn động trong giới công nghệ về cách mà một sản phẩm AI nói về nỗi sợ hãi của loài người về chính nó, cũng như lý do vì sao AI sẽ không “tiêu diệt” loài người.
Trước đó, những phán đoán của nhà khoa học nổi tiếng thế giới Stephen Hawking từng khiến cả thế giới sửng sốt và lo lắng, khi ông nhận định việc tạo ra AI có thể là sự kiện lớn nhất của loài người, nhưng nó cũng có thể là “sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử nền văn minh của chúng ta”. Nhưng cũng trong bài phát biểu đó ở Hội nghị công nghệ Web Summit tại Bồ Đào Nha năm 2017, Stephen Hawking cũng khẳng định, có thể kiểm soát hoàn toàn AI bằng cách đưa ra những hạn chế đối với công nghệ này.
Ngày 9/9/2020, cùng ngày ra mắt bài viết do robot GPT-3 trên tờ Guardian, cũng diễn ra một sự kiện có tầm quan trọng khác liên quan đến AI: Buổi công bố ra mắt Khế ước Xã hội cho Kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo (Khế ước). Khế ước ra đời chính là câu trả lời cho tương lai của con người trong thời đại AI.
VTC News đã có cơ hội trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston, đồng tác giả Khế ước Xã hội cho Kỷ nguyên Trí tuệ Nhân tạo - về một tương lai con người kiểm soát công nghệ AI và những cơ chế kiểm soát đó.
Con người vẫn làm chủ AI
- Khế ước Xã hội cho Kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo (Khế ước) tiếp tục đặt vai trò con người làm trung tâm, còn Trí tuệ nhân tạo là công cụ để con người tiến tới một xã hội mới, văn minh hơn, phát triển hơn. Ý hiểu này có đúng không thưa ông?
Đúng như vậy. Khế ước nêu cao vai trò công dân, và là chuẩn mực để kết nối xã hội, kết nối giữa các chính phủ, giữa các doanh nghiệp…
- Con người vẫn sẽ làm chủ được Trí tuệ nhân tạo chứ ạ?
Con người tạo ra trí tuệ nhân tạo, nếu con người tuân thủ các chuẩn mực của Khế ước Xã hội cho Kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo thì con người kiểm soát, quản trị và điều khiển được trí tuệ nhân tạo.
- Robot GPT-3 đã viết câu: “Trí tuệ nhân tạo sẽ không tiêu diệt con người”, được tờ Guardian đăng tải. Ông nghĩ sao về câu kết luận này của GPT-3?
Bản thân trí tuệ nhân tạo do con người tạo ra, nhằm phục vụ con người. Điều đáng sợ là con người chứ không phải trí tuệ nhân tạo. Nếu một chính phủ có tâm địa độc ác, những nhóm người có các nguồn lực tài chính hay tri thức mà mang tâm địa hãm hại con người thì họ có thể sử dụng trí tuệ làm công cụ hãm hại con người.
- Theo ông Khế ước có giúp điều chỉnh được sự phát triển của AI không, khi tất cả loài người đều lo sợ một ngày nó sẽ thông minh hơn con người?
Khế Ước sẽ là nền tảng, chuẩn mực để phát triển AI lành mạnh. Hiện AI đã làm tốt hơn con người một số việc, nhất là những việc làm ở cường độ cao, đòi hỏi sự bền bỉ, nhưng khả năng thông minh, sáng tạo thì còn cách khá xa với trí tuệ con người.
Có khả năng đến 2045 thì trí tuệ nhân tạo mới có cuộc cách mạng mới, đưa khả năng tư duy, khả năng sáng tạo lên mức cao hơn nhiều so với tình trạng hiện nay. Như vậy thì con người càng có công cụ rất tốt để phục vụ. Tôi không thấy lo ngại trí tuệ nhân tạo thông minh hơn người, tôi lo ngại dã tâm của con người.
- Ông có thể mô tả một cách thực tế hơn về cuộc sống ở Thành phố xã hội Trí tuệ nhân tạo (AIWS City) không?
Đó là môi trường để mọi người sống với nhau tử tế, và có thể tự tạo dựng cuộc sống của mình, một môi trường rất văn minh, giàu trí tuệ, đem đến cơ hội cho mọi người phát huy cao nhất năng lực của minh, ở đó những người tử tế, đóng góp cho xã hội sẽ được ghi nhận và có cuộc sống tốt đẹp. Ở đó, con người có thể trở thành những người cao quý, mà trước đây họ nghĩ rằng rất xa vời. Họ sẽ sống với chuẩn giá trị AIWS. Từ đầu năm 2021, chúng tôi sẽ bắt đầu thử nghiệm và mọi người có thể bắt đầu tham gia AIWS City.
Con người vẫn là trung tâm
- Ông cùng nhóm đồng tác giả Khế ước sẽ có những bước đi cụ thể nào để phổ rộng Khế ước tới tất cả các thể chế và xã hội trên thế giới?
Chúng tôi đã bắt đầu làm việc với các chính phủ, các nhà lãnh đạo chính trị xã hội, lãnh đạo doanh nghiệp, những nhà sáng tạo, những học giả … để mời tham gia đồng hành và cùng triển khai. Chúng tôi nhận được khá nhiều sự ủng hộ, đồng hành như Trường Đại học Công nghệ Saint Petersburg, hay của những nhà lãnh đạo chính trị như Đại sứ Ichiro Fujisaki và nhiều nhà lãnh đạo ở Nhật, hay Thượng nghị sỹ Kimberley Kitching ở Úc … Chúng tôi tôi trung vào các nước văn minh, dân chủ trong khối G7, OECD trước.
Dù thể chế chính trị khác nhau nhưng phải tôn trọng những chuẩn mực giá trị chung đã được Liên Hợp Quốc ban hành, nếu không tôn trọng những giá trị chuẩn mực đó thì nghiễm nhiên là đi ngược lại những chuẩn mực của Khế Ước này.
- Là đồng tác giả, ông nhận định ưu điểm lớn nhất của Khế ước là gì?
Bên cạnh những chuẩn mực giá trị nền tảng của Khế ước xã hội trong thế kỷ 18, thì bản Khế ước Xã hội cho Kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo có 2 điểm khá đặc sắc.
Một là thoả thuận về dữ liệu cá nhân, coi dữ liệu cá nhân và những dữ liệu có ý nghĩa do cá nhân tạo ra là một dạng tài sản của công dân.
Hai là Khế ước quy định nền kinh tế lấy con người làm trung tâm, “mỗi người đều tạo ra giá trị cho người khác, cho xã hội”, và những giá trị đó được ghi nhận, được sử dụng cho cuộc sống của mỗi cá nhân.
Ngoài ra việc phát triển xã hội công dân lên mức cao hơn trở thành xã hội tri thức, dịch ra tiếng Việt không dễ có từ tương đương, tiếng Anh là Intellectual Society. Trong Intellectual Society mỗi công dân có tri thức, có khả năng tư duy khoa học, độc lập, và có trách nhiệm xã hội.
- Là đồng tác giả Khế ước, ông muốn gửi gắm tâm niệm gì của mình với con người và các thể chế xã hội hay không?
Tất cả hãy vì con người, làm cho con người văn minh, tử tế hơn, có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng ta có công cụ tuyệt vời, chúng ta sống trong một xã hội đang biến chuyển mạnh mẽ, nhanh chóng. Đây là cơ hội mới cho mọi con người, mọi quốc gia, hãy sử dụng AI để phụng sự điều tốt đẹp cho con người, để con người được phát huy cao nhất năng lực của mình, được khơi gợi, khuyến khích những phần tốt đẹp của con người, chứ không phải để kìm kẹp, gây hại cho con người.
Những ai dùng AI kìm kẹp, gây hại cho con người thì sẽ phải nhận những hậu quả. Lúc này thế giới cần có một chuẩn mực chung, và các chính phủ cần tôn trọng nó.
- Hội nghị Liên minh Lãnh đạo thế giới bàn về Khế ước Xã hội cho Kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo do Liên minh Lãnh đạo Thế giới tổ chức có gì đặc biệt?
Các Tổng thống, các Thủ tướng rất quan tâm và thảo luận sôi nổi Khế ước. Hội nghị có 6 phiên thì dành tới 5 phiên tập trung vào Khế ước và các bước triển khai cụ thể.
Trong đó sôi nổi nhất là Phiên thứ nhất với sự tham gia của 4 đồng tác giả (trong 10 đồng tác giả) của Khế ước gồm cha đẻ Internet Vint Cerf - hiện là Phó Chủ tịch Google, Tổng thống Latvia, Giáo sư Nazli Choucri ở Đại học MIT, và tôi, cùng với Thủ tướng Phần Lan.
Thêm một điều đặc sắc là Công ty Trầm Hương Khánh Hoà tài trợ Hội nghị và ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Trầm Hương Khánh Hoà đã trang trọng giới thiệu với Hội nghị thông điệp “Việt Nam – Quốc Gia Trầm Hương”, cùng tâm huyết giá trị cao quý của Trầm Hương Khánh Hoà đồng điệu với những tư tưởng, giá trị cao quý của Khế Ước, cùng góp phần xây dựng một Xã Hội Trí Tuệ Nhân Tạo (AIWS) tốt đẹp cho nhân loại. Các nhà lãnh đạo, các học giả dự hội nghị rất ấn tượng với bài phát biểu của Trầm Hương Khánh Hoà và họ nói rằng Trầm Hương là giá trị đặc sắc, cao quý của Việt Nam với thế giới.
Khế ước Xã hội cho Kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo được công bố dưới sự bảo trợ của Bang Massachusetts, Đại học MIT, sự hợp tác của Liên minh Lãnh đạo thế giới.
Khế ước có các đồng tác giả: Thống đốc Michael Dukakis, Chủ tịch Diễn đàn Toàn cầu Boston; Tổng thống Vaira Vike Freiberga, Latvia và Liên Minh Lãnh Đạo Thế Giới; Cha đẻ Internet Vint Cerf; Giáo sư Nazli Choucri (MIT); Thủ tướng Bosnia và Herzegovina Zlatko Lagumdzija; Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston; Giáo sư Thomas Patterson, Đại học Harvard; Giáo sư Alex Pentland, Đại học MIT; Marc Rotenberg, Viện Michael Dukakis; Giáo sư David Silbersweig, Đại học Harvard…
Kế thừa từ nền tảng của Khế ước Xã hội thế kỷ 18, bản Khế ước Xã hội cho Kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo đã nêu những nguyên lý tổ chức một xã hội trong kỷ nguyên ứng dụng sâu rộng trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, Internet nhằm đem đến những ưu việt nhiều nhất và hạn chế thấp nhất nguy hại do trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, Internet đem lại cho nhân loại.
Khế ước xác định những trung tâm quyền lực gồm: Nhà nước (bao gồm Chính phủ, Quốc hội, Toà án), Xã hội công dân ( bao gồm các tổ chức xã hội, các nhân vật có ảnh hưởng), Doanh nghiệp, và trợ lý Trí tuệ nhân tạo (các công cụ, giải pháp công nghệ).
Trong Khế ước cũng nêu lên nguyên lý mới phát triển Xã hội công dân trở thành Xã Hội công dân trí thức (Intellectual Society-Thoughtful Civil Society) trên cơ sở ứng dụng công nghệ AI và Internet để phổ cập, nâng cao tri thức cho toàn xã hội, từ đây xây dựng nền dân chủ Thông Minh, bảo đảm quyền công dân, khắc phục những mặt hạn chế của dân chủ hiện tại, năng động hơn, tạo động lực nhiều hơn, tạo điều kiện để mỗi công dân có thể vươn lên tạo dựng cuộc sống của chính mình với nguyên lý Kinh tế trọng tâm vì con người và Internet kèm trí tuệ nhân tạo.
Trong mười đồng tác giả Khế ước Xã hội cho Kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo có người sáng lập và nguyên Tổng biên tập VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn.
Bình luận