Dính liền 2 chấn thương, đi kèm 2 cuộc phẫu thuật trong cùng một năm, cộng với quãng thời gian 8 tháng không đá trận nào, khả năng lấy cảm giác bóng và phong độ Đình Trọng gần như là con số 0. Thậm chí, chơi với 50% khả năng đã là nỗ lực đáng khen.
Câu chuyện của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường trước đây cho thấy việc ít được thi đấu ảnh hưởng tiêu cực đến cầu thủ ra sao, nữa là Đình Trọng còn chấn thương, chỉ tập với máy đang bị đặt vào tình thế "ép" phải trở lại để đối mặt với những đội trẻ hùng mạnh bậc nhất châu Á.
Song, bỏ qua mọi logic về phong độ và khả năng tái hoà nhập sau chấn thương mà chuyên gia trị liệu Choi Ju Young từng mô tả là "khó đoán" của Đình Trọng, HLV Park Hang Seo vẫn chờ đợi học trò đến phút chót.
Không có mặt ở danh sách sơ bộ không có nghĩa Đình Trọng bị loại. Ở trận giao hữu với U23 Bahrain, Đình Trọng ra sân từ đầu. Ý đồ của HLV người Hàn Quốc rất rõ ràng: chờ đợi và chờ đợi. Nếu ngày 9/1 tới, Đình Trọng vẫn chưa sẵn sàng, ông mới gạch tên cầu thủ này khỏi danh sách. Còn không, Đình Trọng sẽ dự giải châu Á, thậm chí đá chính.
Niềm tin của Park Hang Seo phần nào phản ánh năng lực của Đình Trọng, nhưng nói lên một vấn đề khác của U23 Việt Nam. Nếu một trung vệ suốt 8 tháng không chơi trận nào vẫn được đá chính, năng lực của những trung vệ còn lại, đáng lẽ phải thay thế anh ta, dường như có vấn đề.
Nhìn lại quãng thời gian bất bại 1 năm (trước khi thua U23 Bahrain) với 17 chiến thắng, 7 trận hoà và 8 bàn thua để thấy U23 Việt Nam không hẳn phòng ngự kém.
Ở SEA Games, Thành Chung, Tấn Sinh, Ngọc Bảo, Đức Chiến làm khá tốt nhiệm vụ. Thành Chung còn ghi bàn giúp U23 Việt Nam nhen nhóm ngược dòng trước U23 Indonesia. 3 trận vòng loại U23 châu Á, gần một nửa trong số đó vắng Đình Trọng, U23 Việt Nam sạch lưới.
Tuy nhiên, hàng thủ U23 Việt Nam suy yếu đi nhiều khi Văn Hậu, lần đầu tiên sau gần 2 năm, sẽ không còn đứng trong hàng ngũ phòng ngự của HLV Park Hang Seo. Mất mảnh ghép quan trọng nhất khi Đình Trọng vắng mặt, ông Park không có phương án thế vai.
Suốt 9 tháng với nhiều lần tập trung, huấn luyện cả ngắn và dài hạn, phát hiện duy nhất của Park Hang Seo là Ngọc Bảo - trung vệ còn chưa đá giải quốc tế nào trước SEA Games.
Nhìn rộng ra, HLV người Hàn Quốc có ít lựa chọn hơn ở giải đấu có độ khó lớn hơn. Bộ khung phòng ngự không khác so với vòng loại U23 châu Á, chưa kể còn yếu, thiếu hơn. Park Hang Seo cùng cộng sự vẫn chỉ chờ đợi vào những nhân tố rất cũ. Tấn Tài bị treo giò ở trận ra quân, Thanh Thịnh chưa bình phục. Hàng thủ U23 Việt Nam "liệt" đôi cánh, chỉ trông chờ vào những cầu thủ trung tâm.
Ông Park có những thay đổi, song có lẽ chỉ ở mức "giật gấu bá vai", như việc kéo Tiến Dụng về đá thòng, đưa Trọng Hùng về đá cánh phải, đẩy Đức Chiến lên đá tiền vệ phòng ngự, với hy vọng tìm ra phương án bất ngờ như Xuân Mạnh (thay Văn Hậu ở giải U23 châu Á) hoặc Trọng Hoàng (thay Văn Thanh).
Khi Đình Trọng rút lui ở Asian Cup, HLV Park Hang Seo không gặp khó với lựa chọn thay thế mang tên Tiến Dũng, bởi cầu thủ này cũng là một trong những mảnh ghép ở Thường Châu, có đẳng cấp "một chín một mười" so với đồng đội.
Lần này, ông thầy 61 tuổi không có phương án thay thế tương đương về mặt đẳng cấp. Việc Đình Trọng nghỉ lâu như vậy mà vẫn nổi lên như lựa chọn hàng đầu ở hàng thủ chỉ cho thấy tuyến phòng ngự của U23 Việt Nam ở giải này thực sự đáng lo ngại.
Nếu cái sai của cầu thủ tấn công như Công Phượng còn dễ khắc phục, sai sót của các hậu vệ, nếu có, gần như không thể cứu chữa. Do đó, lựa chọn chờ đợi Đình Trọng đến phút chót vừa là ván bài mạo hiểm, vừa cho thấy thầy Park đã dùng "cạn kiệt" tài nguyên hậu vệ của bóng đá Việt Nam.
Nếu Đình Trọng không kịp trở lại, U23 Việt Nam sẽ ra sân với đội hình phòng ngự không còn "vết tích" nào của mùa đông Thường Châu 2018. Một sự thay đổi toàn diện, nhưng biết đâu đấy, lại mang lại cho Park Hang Seo những phép thử hay.
Bình luận