Bài chỉ trích diễn ra một ngày trước khai mạc World Cup 2022 của Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã khiến cộng đồng quốc tế và truyền thông phương Tây dậy sóng.
Buổi họp báo hôm 19/11 đã kéo dài với một tiếng phát biểu đầy tức giận của ông Infantino, sau đó là 45 phút trả lời báo chí về hoạt động của chính phủ Qatar cũng nhiều vấn đề khác.
Một lần nữa, ban tổ chức World Cup lại dấy lên những tranh cãi, khi chủ tịch FIFA phản bác lại những chỉ trích của phương Tây về việc Qatar phân biệt đối xử với lao động nhập cư hay cộng đồng LGBTQ+. Ngoài ra, ông cũng không đặt nặng quyết định "quay xe" vào giờ chót của chủ nhà khi cấm bán bia tại các sân vận động.
"Tôi thấy mình có thể kiểm soát World Cup này 200%", ông tuyên bố.
"Bài học đạo đức giả"
Tâm điểm trong bài phát biểu của ông Infantino ngày 19/11 đến từ việc vị chủ tịch FIFA đáp trả đanh thép những người chỉ trích nước chủ nhà, đặc biệt là các quốc gia châu Âu.
Trong những năm qua, truyền thông châu Âu đã có hàng loạt điều tra nhắm vào Qatar, đặc biệt nước này bị cáo buộc phân biệt đối xử với người đồng tính và người lao động nhập cư.
“Tôi là người châu Âu. Tôi nghĩ với những gì người châu Âu đã làm trên khắp thế giới trong 3.000 năm qua, chúng ta cần xin lỗi trong 3.000 năm tới... Những rao giảng đạo đức một chiều chỉ là điều đạo đức giả", ông Infantino nói.
"Nếu muốn chỉ trích ai, hãy chỉ trích tôi. Đừng chỉ trích Qatar”, ông nói thêm. “Đừng chỉ trích các cầu thủ. Đừng chỉ trích bất cứ ai. Hãy chỉ trích FIFA. Chỉ trích tôi, nếu bạn muốn, bởi vì tôi chịu trách nhiệm về mọi thứ".
Hôm 25/10, Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani nói đất nước đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích “chưa từng nước chủ nhà nào phải đối mặt”. Ông lên án những cáo buộc nhắm vào Qatar là “sự bịa đặt và tiêu chuẩn kép”, AP cho hay.
Chủ tịch FIFA cũng bảo vệ chính sách nhập cư của Qatar và ca ngợi nước này đã đưa người di cư vào làm việc.
“Ở châu Âu, chúng tôi đóng cửa biên giới và thực tế không cho phép lao động ở nhiều nước đến làm việc”, ông Infantino tiếp tục. “Nếu châu Âu thực sự quan tâm đến vận mệnh những người này, họ nên làm giống Qatar”.
Ông Gianni Infantino cũng tìm cách trấn an những người hâm mộ đồng tính và những người khác rằng họ sẽ được chào đón và an toàn ở quốc gia vùng Vịnh. Dù vậy, những bằng chứng chỉ ra Qatar mới có phần lớn quyền quyết định các vấn đề của giải đấu, thay vì FIFA, theo New York Times.
"An ninh cho mọi người được đảm bảo từ mức độ cao nhất của chính phủ. Đó là điều chúng tôi đã đưa ra và sẽ cam kết với nó", ông nói.
Thêm dầu vào lửa
Vị chủ tịch sinh ra tại Thụy Sĩ được cho là có những tuyên bố bất thường tại buổi họp báo.
“Hôm nay tôi có những cảm xúc mạnh mẽ. Hôm nay tôi cảm thấy mình là người Qatar, tôi cảm thấy mình là người Arab, tôi cảm thấy mình là người châu Phi, tôi cảm thấy mình là người đồng tính, tôi cảm thấy mình là người khuyết tật, tôi cảm thấy mình là một công nhân nhập cư”, ông Infantino nói hôm 19/11.
Ông sau đó bổ sung “Tôi cảm thấy mình là phụ nữ”, sau khi một phóng viên hỏi việc ông không đề cập đến phụ nữ trong tuyên bố trên.
Ông đề cập đến từng vấn đề đáng chú ý gần đây, đồng thời "chữa cháy" cho chủ nhà Qatar bằng việc nói rằng cuộc sống thực tế ở nước này khác xa những gì trên báo chí.
Ông Infantino cũng xem nhẹ quyết định "quay xe" của Qatar khi cấm bán bia quanh sân vận động, bằng việc viện dẫn các vấn đề tim mạch. Ông nói với 4 trận mỗi ngày tại vòng bảng, đều diễn ra quanh một thành phố duy nhất, việc tiêu thụ bia sẽ mang nhiều rủi ro khi người hâm mộ phải di chuyển liên tục.
"Cá nhân tôi nghĩ nếu không uống bia trong 3 tiếng mỗi ngày, bạn vẫn sống sót", ông nói, nhấn mạnh rằng có nhiều địa điểm khác phục vụ đồ có cồn, có thể phục vụ tối đa 100.000 người tại một thời điểm.
Ông nói rằng quyết định này của Qatar đã làm tăng cường quan hệ với hãng bia Budweiser, dù không đưa ra bằng chứng nào. Trong khi đó, hãng bia được cho là phải miễn cưỡng chấp nhận yêu cầu này, vốn sẽ ảnh hưởng đến doanh số, theo Washington Post.
Châu Âu phản ứng
Nhiều đội tuyển đến từ châu Âu tham gia World Cup lần này thông báo đội trưởng của họ sẽ đeo băng thủ quân nhiều màu, mang thông điệp chống phân biệt đối xử. Đây là chiến dịch “One Love” do Hà Lan dẫn đầu.
Wion cho biết trước đó, một số đội tuyển quốc gia chuẩn bị tham gia World Cup 2022 tại Qatar đã gửi lời đề nghị tới FIFA và yêu cầu cho phép sử dụng băng đeo tay trái tim cầu vồng trong suốt giải đấu. Tuy nhiên, FIFA không phản hồi những yêu cầu này.
Thay vào đó, FIFA khởi động chiến dịch riêng của mình sau khi phớt lờ đề nghị từ các quốc gia. FIFA kêu gọi đội trưởng của các đội đeo băng mang các thông điệp như “Football unites the world” (bóng đá đoàn kết thế giới) và “Share the meal” (chia sẻ bữa ăn) trong chiến dịch phối hợp cùng Liên Hợp Quốc. Đến vòng tứ kết, tấm băng “No discrimination” (không phân biệt đối xử) sẽ được sử dụng.
Một số hành động ủng hộ những lao động nhập cư cũng được các đội bóng thể hiện. Đội tuyển Đan Mạch đã sử dụng mẫu áo đấu thứ 3 là màu đen, với logo in chìm, được cho là mang thông điệp tưởng nhớ những lao động thiệt mạng khi làm việc cho các dự án liên quan đến World Cup ở Qatar.
Truyền thông Anh tuần này cũng thông tin rằng cổ động viên mặc áo đấu tuyển Anh cổ vũ bên ngoài khách sạn là người Ấn Độ sống và làm việc tại Qatar. Điều này đến sau các báo cáo nói rằng Qatar trả tiền thuê 1.500 "cổ động viên giả" đến World Cup để đại diện cổ vũ các đội tuyển, đồng thời nói những điều tích cực về nước chủ nhà, AP đưa tin.
"Đây hoàn toàn là phân biệt chủng tộc", ông Infantino phản bác. "Mọi người trên thế giới đều có quyền cổ vũ cho những người họ muốn".
Chủ tịch đương nhiệm FIFA cũng tự tin nói về tương lai tại vị sắp tới, khi ông đang là ứng viên duy nhất tranh cử vị trí này.
"Thật tiếc cho một vài người. Có thể tôi sẽ tiếp tục ở đây thêm 4 năm nữa", ông nói với phóng viên.
Bình luận