Cùng với bia, bột giặt là một trong những thị trường cạnh tranh mạnh mẽ nhất của ngành hàng tiêu dùng. Sự xuất hiện gần như áp đảo của 2 ông lớn thế giới Unilever và P/G đã khiến nhiều doanh nghiệp nội lao đao. Công ty cổ phần Bột giặt LIX cũng có thời điểm rơi vào hoàn cảnh đó. Nhưng gần đây, nhờ sự vươn lên mạnh mẽ, LIX đã lọt vào Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất.
Một thời thăng trầm
Cổ phiếu LIX của Công ty cổ phần Bột giặt LIX niêm yết từ năm 2009. Dù không phải cổ phiếu “nóng” trên sàn chứng khoán nhưng LIX vẫn được nhà đầu tư quan tâm vì LIX là một trong số ít công ty hoạt động trong mảng bột giặt còn tồn tại được trong sự lớn mạnh của Unilever và P/G.
Cổ đông có lý do để đặt niềm tin vào LIX. Trong giai đoạn từ 2006-2009, các chỉ tiêu kinh doanh của LIX tăng trưởng khá tốt. Doanh thu tăng hơn 2 lần lên 885 tỷ đồng trong khi lợi nhuận tăng tới 9 lần lên 99 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau đó, các chỉ tiêu kinh doanh của LIX sụt giảm mạnh. Trong năm 2010, mặc dù doanh thu vọt lên 1.007 tỷ đồng nhưng lợi nhuận lai giảm mạnh từ 99 tỷ đồng xuống chỉ còn 72 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến LIX đi xuống chính là giá vốn hàng bán có tốc độ tăng trưởng mạnh hơn tổng doanh thu.
Tình trạng giá vốn hàng bán “ăn mòn” lợi nhuận diễn ra tại LIX tới năm 2012. Trong giai đoạn này, giá đầu vào tăng khiến lợi nhuận của LIX giảm dần đều. Phải sang tới năm 2013, LIX mới đạt tăng trưởng lợi nhuận dương dù doanh thu vẫn tăng trưởng dều đặn hàng năm.
Sau năm 2013, LIX bắt đầu vươn lên mạnh mẽ. Trong đó, đáng kể nhất chính là đà bứt phá LIX thực hiện được trong năm 2015. Trong năm 2015, mặc dù doanh thu chỉ tăng nhẹ lên 1.780 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng vọt.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2015 của LIX đạt 181 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng, tương ứng 123% so với năm 2014. Đây là lý do LIX lọt vào Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam.
Giải mã sự vươn lên của LIX
2015 là năm đáng nhớ của LIX khi lợi nhuận của công ty vọt. Nhìn vào báo cáo tài chính đã kiểm toán của công ty, có thể dễ dàng thấy có 2 nguyên nhân chính giúp LIX đạt được kỳ tích này. Đó là LIX cắt giảm chi tiêu và hưởng lợi từ việc di dời chi nhánh.
Trong năm, LIX mạnh tay cắt giảm chi phí bán hàng. Việc tiết giảm chi phí này góp phần không nhỏ hỗ trợ cho tăng trưởng lợi nhuận. Chỉ tiêu chi phí bán hàng năm 2015 của LIX đạt 154 tỷ đồng, giảm 43 tỷ đồng, tương ứng 22% so với năm 2014.
Trong đó, đa số các yếu tố cấu thành nên chi phí bán hàng như chi phí nhân viên, chi phí dụng cụ đồ dùng, chi phí khấu hao tài sản và chi phí khác đều tăng. Vì vậy, để tiết kiệm, LIX đã cắt giảm chi phí khuyến mại.
Chỉ tiêu này giảm mạnh từ con số 77,5 tỷ đồng năm 2014 xuống chỉ còn 6 tỷ đồng trong năm 2015. Như vậy có nghĩa năm vừa qua, chi phí khuyến mại của LIX giảm 71,5 tỷ đồng, tương ứng 92% so với năm 2014.
Có thể thấy, LIX đã hy sinh khuyến mại để củng cố lợi nhuận. Đây là quyết định khá liều lĩnh vì xu hướng hiện nay của các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp cung cấp hàng thiết yếu trên thị trường chính là đẩy mạnh quảng cáo và khuyến mại.
Nhưng LIX đã thực hiện kế hoạch “thắt lưng buộc bụng thành công” khi vẫn duy trì được doanh thu tăng trưởng dương.
Ngoài việc cắt giảm khuyến mại, một yếu tố khác khiến lợi nhuận của LIX tăng vọt chính là LIX có thêm số tiền lớn từ lợi nhuận khác.
Cụ thể, chỉ tiêu lợi nhuận khác tăng từ 532 triệu đồng năm 2014 lên 54 tỷ đồng năm 2015. Chỉ tiêu này chiếm tới 30% lợi nhuận sau thuế của LIX. Trong đó, thu từ hỗ trợ di dời chi nhánh Hà Nội chiếm tỷ trọng lớn nhất với 53 tỷ đồng.
Ngoài ra, lãi thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, thu từ nợ khó đòi và thu nhập khác lần lượt mang về cho công ty số tiền 135 triệu đồng, 24 triệu đồng và 956 triệu đồng.
Tuy nhiên, cần phải thấy rằng lợi nhuận khác không phải chỉ tiêu kinh doanh chính. Nó chỉ phản ánh hoạt động tức thời chứ không phải chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
Bình luận