Quỳ lạy người còn sống, điều này đã thực sự không còn chấp nhận được ở thời đại hiện nay. Xã hội bình đẳng, mọi giai cấp đều đã bị xóa nhòa. Ở giữa chúng ta không còn có những khoảng cách. Tuy nhiên, tôn ti trật tự vẫn được giữ vững nếu chúng ta thật lòng tôn trọng nhau.
Cô giáo yêu cầu học sinh quỳ trong lớp là điều vẫn được xã hội chấp nhận vì đâu đó, các phụ huynh vẫn nhớ hình ảnh chính mình thời thơ ấu đã bị đòn roi, bị phạt quỳ, bị bạo hành.
Họ cũng thấy rằng mình trưởng thành, nên người vì sợ bị la mắng, sợ đòn roi. Bản thân tôi cũng vậy, chúng ta dễ tha thứ cho người giáo viên khi phạt quỳ học sinh trong lớp.
Có lẽ chính cô giáo cũng không ngờ là điều đó đã gây bức xúc cho những đứa trẻ và những người làm cha làm mẹ. Trong thời điểm khi không ít giáo viên liên tục mất điểm bằng các hành động không đạt chuẩn sư phạm, việc phản ứng của phụ huynh là điều có thể đoán trước được.
Người giáo viên nghĩ rằng phương pháp của cô tuy hà khắc nhưng sẽ đem lại hiệu quả khiến cho trẻ sợ mà không dám phá phách. Cô giáo đã không nhận ra, cô sử dụng một biện pháp thiếu tôn trọng để giáo dục trẻ. Đứa trẻ một lần bất hạnh vì phải chịu đựng một biện pháp giáo thiếu tôn trọng.
DIỄN BIẾN CHÍNH VỤ VIỆC:
>> Mặc dư luận phẫn nộ, phụ huynh bắt cô giáo quỳ vẫn khăng khăng không nhận lỗi
>> Khi kẻ côn đồ đánh sụp truyền thống tôn sư trọng đạo
>> Cô giáo phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh ở Long An là giáo viên dạy giỏi cấp huyện
>> Giáo viên quỳ gối xin lỗi phụ huynh ở Long An: 'Cô giáo tự nguyện, chúng tôi không ép'
>> Phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi ở Long An: Chủ tịch huyện lên tiếng
>> Phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi ở Long An: 'Phải lên án hành động làm nhục giáo viên'
Vậy nhưng, điều bất hạnh lớn nhất của đứa trẻ không phải là ở chỗ cô giáo sử dụng một biện pháp giáo dục cực đoan mà ở chính người làm cha, mẹ của cháu bé lại có những hành xử có thể khiến chúng ta kết luận là vô văn hóa, vô pháp luật, hống hách, hợm hĩnh.
Cha mẹ cháu có lẽ là người có chút tiền hoặc có quyền hành trong xã hội thu nhỏ ở địa phương. Khi làm ăn đôi chút dễ dàng, người kém văn hóa có xu hướng đẩy cao giá trị bản thân bằng thái độ lên mặt với những người xung quanh.
Đã có không ít phụ huynh học tới bậc thạc sĩ hoặc cao hơn, thì đã có suy nghĩ coi thường giáo viên dạy con mình, thường xuyên nói với con là cô giáo ngu dốt.
Đứa trẻ bất hạnh vì cha mẹ cháu không những tìm cách hạ nhục cô giáo để trả thù một cách thật sự tồi tệ và hèn hạ, mà còn liên tục chối bỏ, tìm cách bao biện cho hành vi của chính mình.
TS Vũ Thu Hương - ĐH Sư phạm Hà Nội
Đứa trẻ bất hạnh vì cha mẹ cháu không những tìm cách hạ nhục cô giáo để trả thù một cách thật sự tồi tệ và hèn hạ, mà còn liên tục chối bỏ, tìm cách bao biện cho hành vi của chính mình.
Chính phụ huynh lại có những hành vi tồi tệ xấu xa, tìm cách hãm hại, hạ nhục cô giáo chỉ để hả dạ, để ăn miếng trả miếng, để răn đe cô giáo vì đã dám động vào con ông ta. Ông ta còn liên tục bao biện và tự coi mình đã cư xử chuẩn mực.
Hai đối tác có trách nhiệm đồng hành cùng nhau giáo dục đứa trẻ lại quay sang cắn xé lẫn nhau, hạ nhục lẫn nhau. Thử hỏi, đứa trẻ sẽ nhìn nhận thế nào về câu chuyện này.
Đứa trẻ ngoan thì sẽ cảm thấy hoang mang tột độ, không biết nên nghe theo bên nào. Với trí não non nớt, trẻ chưa thể hiểu được rằng mẫu thuẫn bao giờ cũng đến từ 2 phía. Cả 2 phía đều sai và cần nhìn nhận lại.
Trẻ lúc đó chỉ tìm cách đổ lỗi cho 1 bên và bao biện cho bên kia. Khi lúng túng trước sự tranh cãi ầm ĩ này, trẻ có thể sẽ bị giằng xé, vừa thương, vừa giận cả 2 bên.
Áp lực tâm lý đó cộng thêm thái độ kì thị của bạn bè, của giáo viên trong trường sau vụ việc này sẽ khiến cháu bé mệt mỏi hơn rất nhiều.
Nếu trong trường hợp đứa trẻ đó bất trị, câu chuyện trở nên trầm trọng hơn nhiều. Trẻ sẽ thản nhiên coi thường cô giáo, tỏ thái độ ngông nghênh với mọi giáo viên trong trường cũng như bạn bè cũng trang lứa.
Đồng nghiệp của tôi đã chia sẻ về trường hợp các cháu bé sau được bố mẹ bênh vực kiểu này đã có những câu nói xúc phạm giáo viên thẳng thừng như: “Cô mắng em, em về mách bố em, hoặc cô không sợ bố mẹ đánh cho cô một trận à”.
Sự bạo ngược, vô pháp luật hiển hiện trong những con người nhỏ bé đó một cách dễ dàng khi cha mẹ cháu tỏ ra thắng thế sau những hành vi cư xử kiểu anh chị.
Đứa trẻ bất hạnh lại thêm phần bất hạnh khi cháu bây giờ trở nên nổi tiếng bất đắc dĩ. Hành vi bạo ngược của người cha có thể bị trả giá trước pháp luật.
Liệu rằng sống tại một nơi nhỏ bé như vậy, đứa trẻ có thể yên ổn trước cái nhìn ghẻ lạnh, tọc mạch của những người xung quanh hay không? “Cha mẹ là số phận của con cái”, chưa bao giờ, câu nói nhận định của tôi lại đúng như bây giờ.
Từ sự thiếu tôn trọng lẫn nhau, mọi chuyện đã bị đẩy đến mức quá giới hạn của mọi việc. Liệu rằng, sự thiếu tôn trọng này còn kéo dài xa hơn hay sẽ dừng lại ở đây?
Giáo viên và phụ huynh hãy tự suy nghĩ. Có lẽ chỉ có dừng việc hành hạ, thiếu tôn trọng nhau lại thì tình trạng tồi tệ này mới có thể chấm dứt. Giáo viên, phụ huynh và cả học sinh đều phải tôn trọng lẫn nhau. Đó là cách giải quyết duy nhất cho tình trạng này.
Video: Cô giáo phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh: Tôn sư trọng đạo còn đâu?
Bình luận