Sáng 28/2, trường tiểu học Bình Chánh (Long An) xảy ra chuyện chưa từng có. Cô giáo Bùi Thị Cẩm Nhung phải quỳ gối trước mặt phụ huynh học sinh. Lý do, những bậc cha mẹ này gây sức ép, bắt cô Nhung phải quỳ gối để hiểu cảm giác mà con họ phải trải qua khi bị cô áp dụng hình phạt tương tự trên lớp.
Đáng buồn hơn, sự việc diễn ra ngay tại Văn phòng ban giám hiệu nhà trường. Người hiệu trưởng lúc đầu khuyên cô Nhung không nên quỳ nhưng sau đó, thấy tình hình có vẻ căng thẳng thì liền rời đi với lý do "bận đi dự giờ".
Khi đầu gối của cô Nhung chạm đất trước sự quay lưng của người đứng đầu nhà trường, truyền thống tôn sư trọng đạo mà người Việt vốn coi trọng và coi đó như một niềm tự hào chính thức sụp đổ.
Nhiều người có thể hiểu, những bậc phụ huynh này cảm thấy xót xa khi con bị cô giáo áp dụng hình phạt quỳ gối trước lớp nhưng dù xét dưới bất cứ góc độ nào, hành động họ tới văn phòng ban giám hiệu, gây áp lực, buộc cô giáo Nhung phải quỳ trước mặt họ đều không chấp nhận được.
Họ hành động với người giáo viên đang dạy dỗ con cái họ như những kẻ giang hồ. Liệu họ sẽ dạy gì cho con họ thông qua hành động ấy?
Họ có lẽ đều là những người có học, có chút địa vị trong xã hội nhưng lại cư xử như những kẻ đầu đường xó chợ. Họ hành động với người giáo viên đang dạy dỗ con cái họ như những kẻ giang hồ. Liệu họ sẽ dạy gì cho con họ thông qua hành động ấy?
Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta ví trẻ con giống như tờ giấy trắng. Nó sẽ nhìn vào những tấm gương của cha mẹ, của thày cô, của người lớn để học hỏi và làm theo.
Vậy, những người con của những bậc phụ huynh kia sẽ học được gì từ chính hành động của cha mẹ? Rồi ngày mai, khi trở lại lớp học, các em có còn tôn trọng chính người đang đứng trên bục giảng, truyền đạt kiến thức của mình?
Người có công dạy dỗ các em mà các em còn còn coi thường, vậy sau này khi ra ngoài đời, các em còn biết tôn trọng ai?
Chính các bậc cha mẹ, thông qua hành động bắt cô giáo quỳ gián tiếp dạy con cái họ rằng, sống ở đời phải biết ăn miếng trả miếng, bất chấp đạo lý, bất chấp pháp luật.
DIỄN BIẾN CHÍNH VỤ VIỆC:
>> Mặc dư luận phẫn nộ, phụ huynh bắt cô giáo quỳ vẫn khăng khăng không nhận lỗi
>> Cô giáo phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh ở Long An là giáo viên dạy giỏi cấp huyện
>> Giáo viên quỳ gối xin lỗi phụ huynh ở Long An: 'Cô giáo tự nguyện, chúng tôi không ép'
>> Phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi ở Long An: Chủ tịch huyện lên tiếng
>> Phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi ở Long An: 'Phải lên án hành động làm nhục giáo viên'
Hành động cô giáo phạt học sinh quỳ trước lớp không đúng nhưng có lẽ, nó được xuất phát chính từ mong muốn tốt. Có lẽ, cô Nhung chỉ muốn học trò của mình chú tâm hơn vào việc học.
Khi phương pháp sư phạm của cô sai, các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể trao đổi lại với cô, thậm chí có thể khởi kiện nhưng tất cả những phản ứng ấy phải được thực hiện bằng những hành động văn minh, tuân thủ pháp luật, không thể đem thứ luật rừng ấy vào cư xử trong trường học.
Trong sự việc này, điều đáng buồn hơn còn là cái quay lưng của người hiệu trưởng. Người đứng đầu của một ngôi trường không chỉ là người giỏi về chuyên môn mà còn là người biết bảo vệ và là chỗ dựa cho các giáo viên cấp dưới.
Người hiệu trưởng này nhận thức rõ sự nghiêm trọng của vấn đề, thế nên ông mới khuyên cô Nhung không nên quỳ. Thế nhưng, tất cả những gì ông làm chỉ là lời khuyên suông rồi dửng dưng quay lưng bước đi, bỏ mặc cấp dưới của mình trong thời điểm "nước sôi lửa bỏng".
Chính các bậc cha mẹ, thông qua hành động bắt cô giáo quỳ gián tiếp dạy con cái họ rằng, sống ở đời phải biết ăn miếng trả miếng, bất chấp đạo lý, bất chấp pháp luật.
Cái quay lưng của ông tiếp tay cho các bậc phụ huynh làm tới, gây thêm sức ép buộc cô Nhung phải quỳ. Cái quay lưng của ông khiến cô Nhung hiểu rằng, ngoài quỳ ra, cô không còn lựa chọn nào khác, bởi có ai bênh vực cô đâu.
Đồng nghiệp thì nhiều đấy, nhưng họ cũng chỉ đứng xem mà không có bất cứ phản ứng nào. Còn người lãnh đạo thì cũng đã ném mình ra "chảo lửa".
Có nhiều người nói rằng, cô Nhung hèn khi làm theo những yêu cầu của các bậc phụ huynh nhưng nếu họ biết được những "niềm riêng" phía sau.
Cách đây không lâu, nhiều người lên tiếng cảnh báo về tình trạng thừa giáo viên. Hàng dài sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp. Và để có được một vị trí chính thức trong hệ thống giáo dục còn là một câu chuyện dài.
Cách đây 5 năm, ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội phát biểu trước Hội đồng nhân dân thành phố : "Xin mách với lãnh đạo quận huyện là Trưởng phòng Nội vụ quận, huyện đang là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, nhận tiền 'chạy' của thí sinh để đỗ công chức. Mức chạy không dưới 100 triệu đồng”.
Lẽ dĩ nhiên, lãnh đạo thành phố sẽ lên tiếng phủ nhận thông tin trên nhưng rõ ràng, vẫn đang có một mạch vận chuyển ngầm trong việc ký hợp đồng chính thức cho các giáo viên mà trong đó, đồng tiền chiếm vị trí rất quan trọng.
Tôi có một người em, tốt nghiệp sư phạm khoa giáo dục thể chất. Sau hơn 5 năm đi dạy học ở các trường với danh nghĩa giáo viên hợp đồng đành phải dốc hết cả gia tài ra chạy vào biên chức.
Cậu em tôi làm một bài toán, với mức lương hiện tại, cậu sẽ phải làm việc coi như không lương trong vòng vài năm mới có thể bù vào phi chí "đầu vào". Biết như thế nhưng vẫn phải chạy vì cần sự "ổn định".
Vì thế, cái quỳ của cô Nhung không chỉ là sự yếu thế trước sự đe dọa như xã hội đen từ phía các bậc phụ huynh mà còn là nỗi lo nguy cơ công việc của mình bị mất. Cô Nhung và có lẽ là rất nhiều giáo viên khác nếu rơi vào trường hợp tương tự lo sợ bị kỷ luật, bị sa thải hay bị chuyển công tác.
Đó là những cái ảnh hưởng trực tiếp tới công cuộc mưu sinh của gia đình cô, tới những hộp sữa cho con (Cô Nhung vừa quay trở lại trường học sau thời gian sinh em bé).
Sự kiện cô giáo quỳ gối trước phụ huynh học sinh vì thế mà đau lòng hơn gấp bội.
Bình luận