BSCKII. Nguyễn Thị Ái Vân, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trầm cảm là rối loạn tâm thần thường gặp, biểu hiện bằng cảm xúc buồn, mất quan tâm thích thú, giảm năng lượng, cảm giác tội lỗi hoặc đánh giá thấp bản thân, rối loạn giấc ngủ và ăn uống, kém tập trung. Bệnh kéo dài và tái diễn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và chức năng của người bệnh.
Ước tính hơn 300 triệu người trên thế giới mắc rối loạn trầm cảm, Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá trầm cảm là yếu tố đơn độc lớn nhất góp phần gây ra tàn tật chung. 85% bệnh nhân ở trong độ tuổi từ 13 đến 18 tuổi. Tuổi khởi phát rối loạn trung bình là 18.
"Tỷ lệ người mắc bệnh trên 15 tuổi ngày càng tăng. Với những bệnh lớn tuổi hoặc nhỏ hơn 11 tuổi tại thời điểm khởi phát rối loạn có tiên lượng tồi tệ hơn", BS Vân nói.
Theo WHO, trầm cảm là nguyên nhân hàng thứ 3 của gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới trong năm 2004 và sẽ chuyển sang vị trí dẫn đầu vào năm 2030. Tỷ lệ tử vong được tiêu chuẩn hóa do tự sát ở bệnh nhân trầm cảm tái diễn là 20,9 ở nam và 27,0 ở nữ, tức là các bệnh nhân nam và nữ mắc trầm cảm có nguy cơ tự sát hoàn thành cao gấp 20,9 và 27 lần so với quần thể dân số chung.
Rối loạn trầm cảm cũng liên quan đến giảm năng suất công việc và tăng nguy cơ nghỉ việc, qua đó gây ra thiệt hại lớn về kinh tế. Trầm cảm gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự bền vững trong tình cảm gia đình, dẫn đến ly thân hoặc ly hôn.
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm tuổi học đường
Trầm cảm ở lứa tuổi học đường do nhiều nguyên nhân. Về mặt sinh học có thể là do di truyền, thay đổi nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh, thay đổi cấu trúc giải phẫu não bộ hay thay đổi nồng độ hormone. Về tâm lý xã hội, trẻ có thể bị áp lực từ cuộc sống, gia đình, xã hội.
Bên cạnh đó là sự thay đổi tâm sinh lý của trẻ theo tuổi, ám ảnh bởi những đau thương thời thơ ấu hoặc do lối sống không lành mạnh. Những sự kiện tiêu cực trong đời sống như sự mất mát người thân yêu, cha mẹ ly hôn, chứng kiến tự sát đều có liên quan đến sự khởi phát trầm cảm ở trẻ em.
Tuy nhiên, sự khởi phát trầm cảm ở trẻ em không chỉ từ những biến cố lớn mà những sự kiện căng thẳng nhỏ trong đời sống như phải bỏ học, bố mẹ mất việc, gia đình mâu thuẫn, khó khăn tài chính trong gia đình, người thân ốm.
Ths.BS Lê Công Thiện, Viện Sức khỏe Tâm thần cho hay, tương tác gia đình có vai trò quan trọng đối với sự khởi phát triệu chứng trầm cảm.
Phong cách giáo dục của cha mẹ đã được xác định là yếu tố chính trong sự điều chỉnh về mặt tâm lý ở trẻ em và trẻ vị thành niên. Hành vi của cha mẹ được nghiên cứu trên 2 góc độ sự ấm áp và kiểm soát.
Sự ấm áp liên quan đến những khía cạnh như sự gắn bó, bày tỏ tình cảm, sự tôn trọng và quan tâm tích cực của cha, mẹ hoặc người chăm sóc chính. Trầm cảm ở trẻ em liên quan đến nhận thức của chúng về việc được chấp nhận hoặc bị từ chối bởi người chăm sóc.
Ngoài ra, di truyền cũng là yếu tố tăng nguy cơ trầm cảm ở trẻ. Nghiên cứu sinh đôi cho kết quả, hệ số di truyền của rối loạn trầm cảm điển hình được xác định là 40-50% (Sullivan và cs, 2000), trong đó khoảng 40% ở nữ và 30% ở nam (Swayer, 2018).
Dấu hiệu nhận biết rối loạn trầm cảm
- Mất hứng thú hoặc sở thích cho các hoạt động
- Mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hoặc sút cân
- Rối loạn giấc ngủ
- Rối loạn hoạt động tâm thần vận động
- Giảm sút năng lượng, khí sắc giảm
- Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi
- Khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định
- Ngoài ra, bệnh nhân còn có "ý tưởng hoặc có hành vi tự sát"
Khi thấy người thân có các dấu hiệu trên, đặc biệt là khi họ thoáng có nói đến ý tưởng muốn chết, gia đình nên đưa họ đến khám để được tư vấn ở các bệnh viện chuyên khoa tâm thần.
Bình luận