Còn ‘ăn bám bầu sữa’ ngân sách, địa phương còn kém phát triển

Thời sựThứ Hai, 31/10/2016 10:08:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội đồng ý với quan điểm cho rằng việc quá trông chờ ‘ăn bám’ vào ngân sách trung ương, theo quy luật tự nhiên, sẽ làm lãnh đạo địa phương thiếu sáng tạo, thụ động, ỷ lại, kinh tế địa phương không phát triển được.

Trả lời PV VTC News, Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng cơ cấu thu chi cho các địa phương cần được phân chia hợp lý hơn.

- Trong dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) 2016, hiện chỉ có 13/63 tỉnh thành có nguồn thu đủ lớn để điều tiết về trung ương. Trong 50 tỉnh hằng năm phải nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương thì có 41 tỉnh được bổ sung tới hàng ngàn tỷ đồng mà tỉnh nhận nhiều nhất là Thanh Hóa với trên 6.500 tỷ đồng. Những con số này khiến ông suy nghĩ gì?

Hiện nay, ngân sách chi cho địa phương gồm 2 phần là chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển.

Nếu các địa phương thu đủ cho phần chi thường xuyên thì nhà nước sẽ tính toán để chi cho phần đầu tư phát triển tăng thêm.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta biết rằng tổng nguồn thu trên địa bàn nhiều tỉnh không đủ cho chi thường xuyên. Tức là khoản thu không đủ để chi cho hoạt động bộ máy bình thường, hoặc phục vụ đời sống kinh tế xã hội bình thường.

hoang-van-cuong-1-1418

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Rõ ràng, trung ương sẽ phải chi cho đủ phần thiếu đó. Các tỉnh này sẽ phải nhận đầu tư từ ngân sách trung ương.

Ngoài ra, có những tỉnh có thể đảm bảo được chi thường xuyên của địa phương nhưng lại cần có đầu tư để phát triển.

Đầu tư phát triển này có thể là không chỉ là đầu tư cho tỉnh đó mà đầu tư cho hệ thống công trình mang tính quốc gia nhưng địa phương không làm được việc đó nên trung ương lại phải chi ngân sách đầu tư.

- Với 50 tỉnh hằng năm phải nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương, có 41 tỉnh được bổ sung tới hàng nghìn tỷ đồng thì ngân sách trung ương lấy đâu ra để cân đối, thưa ông?

Ngân sách nhà nước phải lấy từ các nguồn thu từ quá trình sản xuất kinh doanh trong nước. Những tỉnh không thu được thì nhà nước lại phải lấy từ các tỉnh thu cao.

Như số liệu chúng ta đã biết, có 13 tỉnh thành phố có tình hình phát triển kinh tế mạnh, tổng nguồn thu lớn, có tích lũy. Những tỉnh này tập trung tiền về trung ương, và trung ương sẽ đầu tư cho các tỉnh còn khó khăn.

 
Nếu không có giải pháp để các tỉnh phải tự vươn lên mà cứ để các tỉnh không vươn lên cũng được như các tỉnh cố gắng vươn lên thì sẽ không tạo ra động lực phát triển.

Ông Hoàng Văn Cường

- Nhiều tỉnh có điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi, tại sao vẫn nhận đầu tư lớn từ ngân sách thưa ông?

Đúng là chúng ta không thể nói vì điều kiện tự nhiên khó khăn nên phải nhận cấp bù kinh phí từ trung ương.

Nhưng nếu tổng nguồn thu trên địa bàn không đủ cho đầu tư tại chỗ thì trung ương phải cấp bù.

Ví dụ Nam Định, mặc dù không khó khăn về địa lý nhưng lại không có nơi nào để trông về nguồn thu.

Nam Định chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, ngoài ra, sản xuất công nghiệp nhỏ, không có các hoạt động dịch vụ lớn. Nông nghiệp thì nhà nước hỗ trợ nên hầu như không thu gì.

Trong đó, nhà nước lại đầu tư rất nhiều trở lại cho nông dân như những công trình hạ tầng, giao thông.

Vì vậy, tổng nguồn thu của Nam Định không thể đủ trang trải. Nếu như Nam Định thu hút đầu tư để tạo lập ra các cơ sở kinh tế mạnh như các trung tâm công nghiệp, trung tâm dịch vụ thì nguồn thu mới tăng. Nếu được như vậy thì mới đủ trang trải tại chỗ hoặc nhiều hơn mới có thể trở thành tỉnh tích lũy.

- Liệu có công bằng không khi một số tỉnh, thành phố đang phải “nai lưng” ra làm nhưng nhiều tỉnh lại chỉ chờ “ăn bám” vào “bầu sữa ngân sách”?

Đúng là có thực tế, một anh làm ra tiền, đóng tiền còn một anh khác thì tiêu.

Chúng ta nhìn việc ấy có vẻ như không công bằng. Nhưng tôi lại đặt ra vấn đề, bây giờ những người dân ở các tỉnh đang phải đóng nhiều cho ngân sách có sẵn sàng di chuyển lên các tỉnh khó khăn và đổi cho người ta về chỗ mình không? Tôi nghĩ là không ai muốn.

Tôi ví dụ: Dân Nam Định sẽ chuyển lên Hà Nội và dân Hà Nội lại về Nam Định. Tôi cho rằng không có chuyện đó và không thể làm được chuyện đó.

Rõ ràng, chúng ta phải chấp nhận.

Tuy nhiên, trong quy định của Chính phủ từ năm 2017 thì mức phân bổ ngân sách không phải là phân bổ đồng đều theo bình quân số lượng dân mà còn căn cứ theo mức đóng góp.

Những tỉnh có đóng góp lớn sẽ được tỉ lệ chi ngân sách lớn hơn.

Như vậy nếu tỉnh nào tăng được thu ngân sách thì sang năm sẽ được phân bổ nhiều hơn. Còn nếu tỉnh không tăng được thu ngân sách thì cũng chỉ được phân bổ ngân sách tối thiểu để duy trì.

 - Liệu ngân sách trung ương có cạn kiệt không khi số lượng các tỉnh phụ thuộc vào “bầu sữa ngân sách” quá lớn?

Đó chính là vấn đề. Vì vậy, hàng năm mới xảy ra tình trạng bội chi. Thâm hụt ngân sách hàng năm khoảng 250.000 tỷ đồng.

Thâm hụt đó là chính vì Chính phủ phải lấy tiền để chi đầu tư cho các địa phương và đầu tư cho Chính phủ.

Chính vì thâm hụt ngân sách nên trong năm 2017, Chính phủ phải cắt giảm phần để lại cho địa phương để tập trung ngân sách.

Tương tự như vậy, các tỉnh được nhà nước cấp ngân sách cũng ít đi chứ không được nhiều như trước đây nữa.

- Việc quá trông chờ ‘ăn bám’ vào ngân sách trung ương, theo quy luật tự nhiên, sẽ làm lãnh đạo địa phương thiếu sáng tạo, thụ động, ỷ lại, kinh tế địa phương không phát triển được. Ông thấy nhận xét này thế nào?

Đó là một ý kiến đúng, chính xác.

Nếu không có giải pháp để các tỉnh phải tự vươn lên mà cứ để các tỉnh không vươn lên cũng được như các tỉnh cố gắng vươn lên thì sẽ không tạo ra động lực phát triển.

Vì vậy, trong việc phân bổ ngân sách, Chính phủ đã xét thêm một tiêu chí nữa là là khả năng phát triển kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách của tỉnh.

Nếu tỉnh không có khả năng tăng nguồn thu thì sẽ luôn luôn nhận được mức trợ cấp thấp.

Nếu tỉnh có khả năng tăng nguồn thu thì ngân sách sang năm sẽ được điều chỉnh để tỉnh tăng thu được nhiều hơn.

Video: Hà Nội thí điểm khoán xe công: Tiết kiệm ngân sách thế nào?

- Câu chuyện khoán chi cho từng địa phương được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Hiện nay nhà nước đang khoán chi chứ không phải muốn tiêu bao nhiêu thì nhà nước chi bấy nhiêu. Hiện nay, khoán chi dựa trên địa phương đó có dân số bao nhiêu, ở vùng nào thì sẽ được chi ngân sách tương ứng.

- Tuy nhiều tỉnh được xếp vào tỉnh nghèo nhưng vẫn xin ngân sách để đầu tư các công trình xây trụ sở  hàng nghìn tỷ khiến dư luận xôn xao?

Rõ ràng đó là vấn đề lựa chọn các dự án đầu tư công.

Chúng ta cần xem lại những dự án đó có mang lại động lực cho phát triển kinh tế xã hội hay không.

Những tỉnh nghèo có thể xin các dự án hàng nghìn tỷ đồng, hàng chục nghìn tỷ đồng là bình thường. Nhưng nếu dự án đó mang lại sự thay đổi tình hình kinh tế của tỉnh đó, đem lại cơ hội phát triển thì đó là việc làm tốt.

Nhưng nếu như đầu tư chỉ để giống với tỉnh bạn thì lại không được. Vì vậy, cần quan tâm đến việc xét duyệt các dự án đầu tư công.

- Trong khi đó, là một thành phố luôn đóng góp lớn nhất cho ngân sách, TP.HCM lại đang kêu thiếu tiền đầu tư chống ngập, ách tắc giao thông…

Đúng là TP.HCM  đang xảy ra tình trạng ngập úng, ách tắc giao thông cả ở dưới đất và ở trên trời.

Những công trình của riêng TP.HCM thì địa phương này sẽ phải tự cân đối.

Những công trình nào ở TP.HCM nhưng mang lại động lực phát triển kinh tế cho cả vùng thì Chính phủ phải đầu tư vào. Ngoài nguồn ngân sách để lại cho TP.HCM thì hoàn toàn Chính phủ có thể đầu tư nếu dự án đó mang lại động lực phát triển kinh tế cho cả vùng.

Đối với những dự án TP.HCM đang làm dở dang như chống lụt, chống ùn tắc giao thông thì phải ưu tiên ngân sách đã được phân cấp để lại ở địa phương để đầu tư chứ không đầu tư vào các dự án mới.

- Là một chuyên gia kinh tế, việc phân bổ ngân sách năm 2017 đã hợp lý chưa, thưa ông?

Để nói rằng là hợp lý thì còn cần nhiều thứ cần phải bàn.

Về mặt định hướng, tinh thần phân bổ ngân sách thì tập trung về trung ương nhiều hơn và chỉ để cho địa phương tối thiểu. Sau đó, trung ương sẽ có những dự án để cân đối.

Tôi cho rằng đó là hướng tốt. Còn việc chi tiết tỉ lệ phân bổ của từng tỉnh thì có thể có những cái cần điều chỉnh nhưng về tổng quan chung làm như thế là hợp lý.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn