Cổ vũ quá hăng trong đêm nhạc Blackpink khiến giọng khàn, phải làm sao?

Tư vấnChủ Nhật, 30/07/2023 12:09:36 +07:00
(VTC News) -

Phải làm sao khi khàn tiếng, mất giọng sau khi cổ vũ, hát theo ca sĩ trong buổi biểu diễn của nhóm nhạc yêu thích, hãy nghe chuyên gia tư vấn.

Theo bác sĩ Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa tai mũi họng, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, khàn tiếng là tình trạng thay đổi giọng nói, âm thanh không còn trong trẻo và thường phải cố gắng để phát ra âm thanh.

Tình trạng này có thể tự hết trong vòng vài ngày, nhưng nếu kéo dài trên hai tuần không rõ nguyên nhân thì bạn nên đến bệnh viện thăm khám để phòng ngừa các nguy cơ tổn thương dây thanh, hoặc ung thư thanh quản.

Tình trạng khàn tiếng rất phổ biến, ước tính khoảng 1/3 dân số thế giới bị khàn tiếng ít nhất một lần trong đời. Khàn tiếng có thể xảy ra ở cả người lớn lẫn trẻ em. Tuy nhiên, ở những người thường xuyên phải sử dụng giọng nói với tần suất liên tục hoặc âm lượng lớn như giáo viên, ca sĩ, huấn luyện viên… thì nguy cơ bị khàn cao hơn.

Việc cổ vũ, hò hét quá mức kiểm soát có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe rất lớn, cụ thể là bị khàn tiếng. (Ảnh minh họa)

Việc cổ vũ, hò hét quá mức kiểm soát có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe rất lớn, cụ thể là bị khàn tiếng. (Ảnh minh họa)

Một trong các nguyên nhân gây khàn giọng phổ biến nhất được biết đến đó là, nói quá nhiều và quá to, nói quá lâu, cổ vũ quá to, hát quá nhiều hoặc nói với âm vực cao hơn hơn bình thường, có thể bị khàn giọng.

Cảm lạnh, viêm họng, ho, nhiễm trùng xoang, tình trạng khàn tiếng sẽ xảy ra nhưng có thể biến mất sau khi khỏi bệnh. Viêm thanh quản do dị ứng, cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Để phát hiện tổn thương gây ra khàn tiếng, bác sĩ sẽ kiểm tra tai mũi họng, thanh quản. Nếu phát hiện bất thường, bác sĩ có thể chỉ định làm các xét nghiệm như nội soi thanh quản thường quy, nội soi hoạt nghiệm thanh quản.

Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây khàn giọng bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khàn tiếng phù hợp. Nếu khàn giọng do hò hét, cổ vũ quá nhiều bạn sẽ cần giảm bớt các hoạt động phải nói to, nói nhiều. Sau vài ngày, giọng nói của bạn có thể phục hồi trở lại bình thường.

Các trường hợp khác khàn giọng do bệnh lý như cảm cúm, ho, sốt, tổn thương thanh quản… sẽ được uống thuốc hoặc căn cứ vào tổn thương để can thiệp bằng phẫu thuật, hoá trị, xạ trị.

Chuyên gia khuyến cáo, để phòng ngừa bị khàn tiếng, không nói to, hò hét quá mức làm tổn thương các dây thanh, cần giữ ấm cổ họng tránh bị cảm cúm, viêm họng, tránh uống rượu/ bia vì nồng độ cồn cao có thể làm tổn thương họng gây khàn tiếng, tránh hút thuốc lá để phòng ngừa nguy cơ ung thư thanh quản gây ra khàn tiếng.

LINH TRANG
Bình luận
vtcnews.vn