• Zalo

Cơ thể sẽ thay đổi tiêu cực ra sao khi chúng ta nhịn hắt hơi, đi tiểu, 'xì hơi'?

Tư vấnThứ Năm, 19/05/2022 20:15:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Có nhiều trường hợp, bạn buộc phải nín nhịn những nhu cầu thiết yếu của cơ thể như hắt hơi, đi tiểu hay xì hơi, vậy điều này lâu dài sẽ gây ra vấn đề gì cho cơ thể?

Vì lịch sự hoặc vì một lý do khách quan nào đó, đôi khi chúng ta sẽ phải kìm nén những nhu cầu cấp thiết của bản thân, ví dụ như nhịn hắt hơi, nhịn tiểu hoặc thậm chí là nhịn "xì hơi". Tuy nhiên, điều này có thể gây ra những hậu quả khó chịu, thậm chí có hại đến cơ thể.

Có nên nhịn hắt hơi hay không?

Một cú hắt hơi có động lực rất mạnh. Chúng thoát ra khỏi cơ thể với tốc độ lên đến 3000cm/s. Việc cố gắng kìm chế cơn hắt hơi bằng cách ngậm miệng và mũi có thể làm gia tăng áp lực trong đường thở lên hơn 20 lần so với một lần hắt hơi bình thường.

Hầu như chúng ta đều có thể chịu được áp lực này. Nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi, việc nín thở có thể dẫn đến những hậu quả khó chịu.

Cơ thể sẽ thay đổi tiêu cực ra sao khi chúng ta nhịn hắt hơi, đi tiểu, 'xì hơi'? - 1

Vì phần sau của mũi được nối với các ống eustachian (ống nối tai giữa và vòm họng), nhịn hắt hơi có thể gây tổn thương tai giữa. Đã có những trường hợp vỡ màng nhĩ do nhịn hắt hơi”, bác sĩ Michael Benninger, Chủ nhiệm Khoa Tai Mũi Họng - Phẫu thuật đầu cổ tại Đại học Y Cleveland Clinic Lerner, Mỹ cho biết.

"Nếu bạn nhịn hắt hơi khi bị ốm, nó sẽ khiến đẩy thêm virus hoặc vi khuẩn vào xoang, có khả năng dẫn đến nhiễm trùng xoang", ông nói.

Đôi khi, hậu quả còn nặng nề hơn. Ví dụ, từng có trường hợp một người đàn ông bị nghẹt mũi phải nhập viện cấp cứu sau khi anh ta bị đau họng, khàn giọng và bắt đầu khạc ra máu. Các bác sĩ chẩn đoán anh ta bị gãy thanh quản - một loại vỡ thanh quản rất nguy hiểm, vốn rất quan trọng đối với khả năng nói và giữ thức ăn không tràn xuống phổi. Tình trạng này khiến anh ta phải nằm viện trong ba ngày.

Một trường hợp khác, một người đàn ông phải nhập viện hai ngày sau khi nhịn hắt hơi khiến phát triển bệnh viêm trung thất - tình trạng mà không khí tích tụ trong khoảng trống giữa hai lá phổi, thường thấy sau các vụ chấn thương như va chạm xe hơi.

Phần lớn các trường hợp nghiên cứu báo cáo chấn thương liên quan đến hắt hơi xảy ra ở nam giới. Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng, điều này có thể do nam giới thường có thể tích phổi lớn hơn, dẫn đến áp lực đường thở lớn hơn khi hắt hơi.

Điều gì sẽ xảy ra khi nhịn 'xì hơi'?

Việc liệu nhịn xì hơi hay trung tiện có tác dụng phụ hay không thì ít rõ ràng hơn. Vào những năm 1970, các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng, nhịn xì hơi có thể dẫn đến viêm túi thừa - tình trạng các túi nhỏ hình thành trong ruột, sau đó bị nhiễm trùng hoặc viêm. Tuy nhiên, giả thuyết này vẫn chưa được chứng minh một cách thuyết phục.

Cơ thể sẽ thay đổi tiêu cực ra sao khi chúng ta nhịn hắt hơi, đi tiểu, 'xì hơi'? - 2

Mặc dù tác động lâu dài của việc nhịn xì hơi là không chắc chắn, nhưng khả năng cao là bạn sẽ thấy khó chịu trong thời gian ngắn. Trong một nghiên cứu năm 2001, các nhà khoa học truyền khí vào ruột non của các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu và yêu cầu họ không được xì hơi sau đó. Nhiều người cho biết họ cảm thấy áp lực, đầy hơi và chuột rút.

Nếu nhịn tiểu sẽ ảnh hưởng gì?

Việc nhịn tiểu có thể dẫn đến sự khó chịu ngay tức khắc và các biến chứng lâu dài. Mặc dù có rất ít nghiên cứu nhưng các chuyên gia cho rằng, việc nhịn tiểu trong thời gian dài cho phép các loại vi khuẩn trong đường tiết niệu sinh sôi, có khả năng dẫn đến các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu.

Việc làm rỗng bàng quang không hoàn toàn cũng có thể dẫn đến sỏi bàng quang. Các khối khoáng chất có thể tích tụ trong bàng quang, gây đau và chảy máu. Tuy nhiên, điều này thường xảy ra do tổn thương dây thần kinh hoặc tuyến tiền liệt phì đại, thay vì nhịn tiểu.

Vỡ bàng quang tự phát, dù rất hiếm, cũng có thể xảy ra, nguyên nhân là do các vấn đề sinh lý như tắc nghẽn đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng.

Nhìn chung, việc nhịn hắt hơi, nhịn tiểu hay nhịn xì hơi không mang đến tác hại quá nghiêm trọng đối với cơ thể, tuy nhiên, tốt nhất bạn nên tìm cách để giải quyết nhu cầu của mình thay vì kiềm chế nó. Việc phải "nhịn" trong thời gian dài sẽ tạo ra thói quen không tốt, kéo theo nhiều bệnh lý sau này cho cơ thể.

Bảo Anh(Nguồn: Fatherly)
Bình luận