Ngay sau khi Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được thông qua có quy định không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bất động sản, dư luận đã hướng đến những dự án đắp chiếu nhiều năm giữa đất vàng Hà Nội của "ông lớn" ngành bảo hiểm là Tập đoàn Bảo Việt.
Trả lời VTC News, luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư TP Hà Nội - cho rằng cần xử lý theo hướng buộc phải chuyển nhượng hoặc thanh lý những dự án này để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong các quy định pháp luật.
Luật sư Tuấn Anh phân tích, một trong những điểm mới đáng chú ý nhất của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 16/6 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 chính là quy định doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng.
Các doanh nghiệp này cũng không được đầu tư kinh doanh trực tiếp vào lĩnh vực bất động sản, trừ trường hợp mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiệp vụ.
Doanh nghiệp bảo hiểm được nắm giữ bất động sản, bao gồm quyền sử dụng đất do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản. Tuy nhiên, việc nắm giữ này chỉ được kéo dài tối đa 3 năm, sau đó doanh nghiệp bảo hiểm phải chuyển nhượng hoặc thanh lý bất động sản.
"Đối với trường hợp của Tập đoàn bảo hiểm Bảo Việt, hiện doanh nghiệp có 4 dự án chậm tiến độ nhiều năm. Các dự án này đều được cấp phép trước khi Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) năm 2022. Hiện nay, luật mới vẫn chưa có hiệu lực, chưa có quy định cụ thể hướng dẫn xử lý các dự án bất động sản do doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư đã được cấp phép từ trước.
Tuy nhiên, khi mà trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã có quy định về việc doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư, kinh doanh bất động sản thì tôi cho rằng cần xử lý theo hướng buộc phải tiến hành chuyển nhượng hoặc thanh lý những dự án này để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong các quy định pháp luật", ông Tuấn Anh nêu quan điểm.
Phân tích kỹ hơn về hiện trạng loạt dự án của tập đoàn Bảo Việt bị "treo" nhiều năm, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch cho biết, theo khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư 2020 về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư và Điểm i Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 thì với những dự án chậm tiến độ nhiều năm của các doanh nghiệp nói chung, bao gồm cả doanh nghiệp bảo hiểm, hoàn toàn có thể chấm dứt dự án, thu hồi đất theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai, lĩnh vực đầu tư.
Luật sư Tuấn Anh nhận định: "Trong thời gian tới, khi xây dựng Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), các cơ quan chức năng cần thiết phải quy định cụ thể hơn cũng như ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành về xử lý dự án bất động sản do doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư, đã được cấp phép trước khi luật này có hiệu lực".
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hoạt động kinh doanh bất động sản là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi vốn lớn và cũng có những rủi ro nhất định. Do đó, quy định mới nhằm giảm bớt những rủi ro trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đồng thời đảm bảo tính chuyên nghiệp trong từng lĩnh vực. "Nếu doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm lại sử dụng tiền bảo hiểm để thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp vào bất động sản thì có thể dẫn đến rủi ro, không đảm bảo được quyền lợi của người tham gia mua bảo hiểm", luật sư Cường phân tích.
Chung quan điểm, luật sư Trương Anh Tú (đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, việc không cho phép các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm lấn sân sang lĩnh vực bất động sản là cần thiết. Theo tôi, nếu doanh nghiệp bảo hiểm đang đầu tư dự án bất động sản thì phải bám sát giai đoạn chuyển tiếp để ứng xử theo quy định của pháp luật. Nếu luật được áp dụng ngay 1/1/2023 thì đương nhiên doanh nghiệp phải có hình thức chuyển giao, chuyển nhượng thoái vốn khỏi các dự án này. “Không còn cách nào khác, nếu phải áp dụng luật ngay thì doanh nghiệp sẽ phải thoái vốn, chuyển nhượng dự án, thậm chí bán cả doanh nghiệp con. Vì thường thì các doanh nghiệp sẽ thành lập một doanh nghiệp con để thực hiện một dự án”, ông Tú nói.
Loạt dự án "đắp chiếu" nhiều năm của Tập đoàn Bảo Việt:
1. Dự án Seven Star nằm trên ô đất D27, thuộc quận Cầu Giấy (khu đô thị mới Cầu Giấy) được UBND TP.Hà Nội chỉ định cho liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Bảo Việt, Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long và Công ty Cổ phần đầu tư C.E.O làm chủ đầu tư.
Theo kế hoạch ban đầu, Seven Star được khởi công trong tháng 12/2010 và hoàn thành trong quý IV/2013. Tuy nhiên đã hơn 1 thập kỷ trôi qua, dự án vẫn chưa được thực hiện.
2. Dự án Tháp Tài chính Quốc Tế (IFT) do Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ làm chủ đầu tư nằm trên khu đất "vàng" 220 Trần Duy Hưng, có diện tích quy hoạch 13.159m2, với quy mô công trình cao 34 tầng, chiều cao tối đa 150m.
Ngày 29/12/2005, UBND Thành phố Hà Nội có Quyết định 8506/QĐ–UB phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất khi giao khu đất này cho Công ty Bảo hiểm Nhân Thọ Việt Nam lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở. Năm 2013, dự án được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép quy hoạch cho chủ đầu tư là Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ.
Hiện khu đất được quây tôn kín mít, cây cỏ mọc um tùm hoang tàn bên trong.
3. Dự án Nhà ở cao tầng để bán (thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội) có chủ đầu tư là Tập đoàn Bảo Việt - Công ty Cổ phần Đầu tư Bảo Việt – Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt. Tổng mức đầu tư: 300 tỷ đồng. Quy mô xây dựng: 32.973m2.
Năm 2019, dự án Nhà ở cao tầng để bán của Tập đoàn Bảo Việt đã từng bị UBND TP Hà Nội tiến hành thanh tra và ban hành Kết luận thanh tra số 727/KL-STNMT-TTr ngày 8/4/2019. Ngoài ra, dự án này cũng từng được gia hạn 24 tháng tại Quyết định số 3661/QĐ-UBND ngày 9/7/2019 và đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định nghĩa vụ tài chính.
Thực trạng hiện nay dự án vẫn chỉ là khu đất hoang.
Bình luận