Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, vẫn còn bộ phận người dân tỏ ra kỳ thị với những người nghi ngờ, người nhiễm virus Sars-CoV-2, thậm chí cả người ở vùng bị cách ly.
Sự kỳ thị biểu hiện công khai hoặc ngấm ngầm ở nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Hành vi đưa danh tính, hình ảnh của bệnh nhân mắc Covid-19 cũng như tấn công, quy kết họ trên mạng xã hội cũng là biểu hiện của sự xa lánh, kỳ thị đối với người bị mắc, nghi nhiễm Covid-19.
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng – Giám đốc Công ty Luật HTC Việt Nam (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, thái độ kỳ thị đối với những người mắc Covid-19 và những người bị cách ly gây ra nhiều hệ lụy.
Người nhiễm bệnh bị kỳ thị tinh thần sẽ căng thẳng, dễ dẫn đến strees. Tinh thần không thoải mái cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thể lực của người bệnh, cơ thể sẽ bị suy nhược khiến cho việc điều trị gặp khó khăn.
Về mặt xã hội, do vẫn giữ tâm lý kỳ thị nên có người còn thái độ thờ ơ, bỏ mặc, không giúp đỡ những người mắc bệnh đang gặp khó khăn. Điều đó dẫn đến suy đồi đạo đức của cả cộng đồng, không có sự yêu thương giữa người với người, mọi người trở nên lạnh lùng thiếu tình cảm.
Hơn nữa do sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người bệnh giấu giếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với chương trình phòng chống dịch. Cán bộ chuyên môn khó có thể gặp và tư vấn cho họ về kỹ năng phòng và tránh lây dịch cho người khác, làm cho người nhiễm dịch trở thành “quần thể ẩn”, rất khó tiếp cận. Như vậy sẽ làm cho dịch bệnh lây lan nhiều và nhanh hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe của toàn xã hội.
“Do không tiếp cận được với người mắc Covid-19 nên cũng khó có được số ca bệnh chính xác, từ đó khó ước tính và dự báo chính xác được tình hình dịch, dẫn đến việc không kiểm soát được dịch bệnh” – luật sư Nguyễn Doãn Hùng nói và nhấn mạnh, để làm tốt công tác chống dịch, cộng đồng phải xóa bỏ sự kỳ thị.
Vấn đề kỳ thị người nhiễm bệnh một lần nữa được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tại phiên họp Thường kỳ Chính phủ diễn ra vào ngày 17/2. Thủ tướng yêu cầu cấm kỳ thị đối với người nhiễm Covid-19, đồng thời lên án, xử lý nghiêm những người đưa thông tin sai sự thật, không trung thực trong khai báo. Thủ tướng cũng kêu gọi phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn.
Phân tích về vấn đề pháp lý, luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc công ty luật TNHH Dragon cho biết, hành vi kỳ thị phổ biến nhất thời gian qua thể hiện ở việc tung tin thất thiệt đối với những người mắc Covid-19 hoặc người trở về từ vùng dịch khiến cộng đồng có cái nhìn lệch lạc về họ, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của họ. Pháp luật nghiêm cấm hành vi này và tùy vào hành vi, mục đích hành vi cụ thể có thể xử phạt hành chính hoặc khởi tố hình sự về các tội làm nhục người khác, vu khống.
Theo luật sư, hành vi trên có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: "Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng - 300.000 đồng đối với một trong những hành vi: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác".
Ngoài ra, nếu hành vi trên nghiêm trọng, đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội làm nhục người khác, có thể bị phạt tù lên đến 5 năm.
“Trường hợp hành vi của người này chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm g khoản 3 điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Cụ thể: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”- luật sư Nguyễn Minh Long phân tích.
Video: Bí quyết giảm stress trong dịch bệnh
Bình luận