Có thể bạn chưa biết: Ca truyền máu đầu tiên trên thế giới diễn ra thế nào?

Tin tứcThứ Sáu, 16/09/2022 12:04:35 +07:00

Để có thể thực hiện được việc truyền máu quá đỗi bình thường ở thời điểm hiện tại, giới khoa học tốn không ít công sức, trải qua nhiều cuộc thử nghiệm mạo hiểm.

Những thử nghiệm truyền máu thành công được bắt đầu ở thế kỷ XIX và phát triển mạnh ở thế kỷ XX. Câu chuyện về sự ra đời của ngành huyết học truyền máu gắn liền với những cuộc thí nghiệm li kỳ từng gây ra cái chết cho không ít người.

Ý tưởng táo bạo và những thí nghiệm chết người

Ý tưởng về việc truyền máu lần đầu tiên xuất hiện vào khoảng những năm giữa thế kỷ 17 bởi các danh y thời kỳ này và được ghi chép lại bởi một người có tên là Stefano Infessura. Theo ghi chép, năm 1492, khi một nhân vật tầm cỡ bị bệnh và rơi vào tình trạng hôn mê, máu của 3 cậu bé được các thần y dùng để truyền cho giáo hoàng qua đường miệng.

Thời điểm đó, người ta chưa hiểu rõ về quá trình tuần hoàn máu và nguyên lý của việc truyền máu mà chỉ xem máu như là một yếu tố quan trọng nuôi sống cơ thể con người. Những cậu bé được chọn để lấy máu mới chỉ lên 10 tuổi, sau khi bị lấy đi một lượng máu đáng kể để phục vụ giáo hoàng đã phải nhận lấy cái chết do mất máu.

Năm 1660, sau phát hiện của William Harvey về quy luật tuần hoàn của máu trong cơ thể, các chuyên gia phẫu thuật tại London - Anh và Paris - Pháp bắt đầu thí nghiệm truyền máu từ những con bê và những con cừu sang những con chó, hoặc truyền máu từ chó sang cho những con bò, hay từ dê sang ngựa… Song thí nghiệm đáng chú ý nhất là cuộc truyền máu thử nghiệm từ cừu sang cho con người. Người được chọn tham gia cuộc thử nghiệm nhận máu từ cừu này là một người Anh có tên là Arthur Coga.

Cuộc thử nghiệm đã đạt được thành công, theo đánh giá của các nhà khoa học khi đó, bởi ít nhất bệnh nhân Arthur Coga đã hồi phục được một chút thời gian trước khi bị chết.

Có thể bạn chưa biết: Ca truyền máu đầu tiên trên thế giới diễn ra thế nào? - 1

Sau cuộc thử nghiệm táo bạo và cái chết của Coga, năm 1667, không từ bỏ hy vọng của mình, các bác sĩ phẫu thuật tại London - Anh và vị cộng sự người Pháp là bác sĩ Jean Baptiste Denis tiếp tục với một cuộc thử nghiệm khác. 

Bác sĩ Denis đồng thời thí nghiệm truyền máu từ một con cừu non sang cho một cậu bé 16 tuổi đang bị ốm nặng và thí nghiệm truyền máu từ một con bê sang cho một bệnh nhân có tên là Antoine Mauroy. 

Kết quả là các bệnh nhân của ông đều bị chết. Suốt thời gian dài kể từ khi những cuộc thí nghiệm về truyền máu không mang lại kết quả đối với con người, người ta gần như không dám thực hiện một cuộc thử nghiệm mạo hiểm nào khác về truyền máu.

Thành công sau 150 năm chờ đợi

Thành công đầu tiên trên con người chỉ thực sự đến vào thập niên đầu của thế kỷ 19. Khi đó, khoa học vẫn chưa phát hiện ra các nhóm máu. Người mạnh dạn thực hiện thành công cuộc thử nghiệm này là bác sĩ sản khoa James Blundell, người Anh.

Năm 1818, bác sĩ Blundell lấy máu của chồng một sản phụ bị mất máu do băng huyết để truyền cho người vợ và đã đạt được thành công bất ngờ. Kể từ sau thành công đó, suốt từ năm 1825 đến năm 1830, bác sĩ Blundell đã thực hiện 10 ca truyền máu. 

5 trong số 10 ca truyền máu đó đã mang lại hiệu quả hồi phục không ngờ cho các bệnh nhân. Bác sĩ Blundell cũng là người đã phát minh ra dụng cụ truyền máu được phổ biến cho tới ngày nay.

Có thể bạn chưa biết: Ca truyền máu đầu tiên trên thế giới diễn ra thế nào? - 2

Sau thành công của bác sĩ Blundell, ngành huyết học truyền máu thực sự phát triển và liên tiếp đạt được những thành công. Năm 1840, tại Trường đại học Y dược George – London – Anh, với sự giúp đỡ của bác sĩ Blundell, một sinh viên có tên là Samuel Armstrong Lane đã tiến hành ca truyền máu cứu sống một bệnh nhân bị mắc chứng máu khó đông. Song, tỷ lệ thành công của các ca truyền máu là rất thấp và nhờ vào sự may rủi rất lớn.

Chỉ tới năm 1901, khi nhà khoa học người áo Karl Landsteiner phát hiện ra các nhóm máu. Việc phát hiện ra các nhóm máu được xem là một phát hiện quan trọng của khoa học, bởi nó đã giúp các nhà khoa học thực hiện được công việc mà họ đã cố gắng trong suốt 2 thế kỷ, đồng thời mở ra hướng phát triển cho ngành huyết học truyền máu.

Có thể bạn chưa biết: Ca truyền máu đầu tiên trên thế giới diễn ra thế nào? - 3

Đến lúc này, người ta mới nhận ra rằng: Thực tế thất bại của những thí nghiệm trước đó là do việc máu truyền vào cơ thể bệnh nhân không được tiếp nhận và bị đào thải do không đúng nhóm máu. Và việc truyền đúng nhóm máu phù hợp là điều vô cùng quan trọng trong truyền máu.

Việc truyền máu đã trở nên an toàn hơn rất nhiều và mức độ rủi ro tử vong trong truyền máu gần như không còn. Nhờ vào phát hiện quan trọng này, Karl Landsteiner đã được trao giải Nobel y học vào năm 1930.

(Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống)
Bình luận
vtcnews.vn