Khoản đầu tư khổng lồ và bài bản sau 2 năm lên hạng giúp CLB Viettel đang có đội hình toàn các hảo thủ, trải dài đủ ba tuyến trên sân. Tuy nhiên, Viettel vẫn chưa có cái thế của nhà vô địch. Đối đầu với Hà Nội FC, Viettel chưa từng thắng lần nào. Tại sao?
Nỗi sợ trận đấu lớn
HLV Park Hang Seo có thể xếp nguyên một hàng thủ toàn hậu vệ Viettel nếu muốn. Ngọc Hải, Tiến Dũng, Trọng Hoàng đã quen mặt ở ĐTQG. Đức Chiến cũng rất tiềm năng. Trong khung gỗ, Nguyên Mạnh từng độc chiếm khung thành thời HLV Toshiya Miura hay Nguyễn Hữu Thắng.
Hàng công Viettel cũng rất mạnh, với bộ đôi ngoại binh Bruno Cunha và Venecio Caique, cùng cựu tuyển thủ Minh Tuấn. Tuyến giữa của đội là những cầu thủ đá giữa giỏi nhất ở thế hệ của họ, là Trọng Đại và Hoàng Đức, đi kèm với ông chủ khu trung tâm là Khắc Ngọc.
Đội hình Viettel mạnh toàn diện, nhiều cầu thủ trẻ trung lẫn kinh nghiệm, có đầy đủ tốc độ, kỹ thuật và sức chiến đấu. Hà Nội FC là đội duy nhất là đối trọng với Viettel về số lượng các tuyển thủ QG trong đội hình.
Thậm chí, khi đội bóng áo tím dính "bão chấn thương", số cầu thủ ăn cơm tuyển mà Hà Nội FC có thể tung ra sân hiện tại không thể so với Viettel. Nhưng khi nhắc đến khả năng đua vô địch của Viettel, người ta vẫn thấy... gợn gợn.
Ở V-League, Viettel xếp nhì bảng, đứng trên cả ba đội đứng đầu mùa trước là Hà Nội FC, CLB TP.HCM và Than Quảng Ninh. Song, đội bóng của HLV Trương Việt Hoàng chơi rất kém ở những trận đấu lớn. Họ hòa đội hình "què quặt" của Hà Nội FC với tỷ số 1-1, hòa Than Quảng Ninh 1-1, thua CLB TP.HCM 0-3.
Viettel đứng nhì bảng nhờ tích lũy điểm số tốt ở những trận đấu nhỏ. Ở cuộc đua đường trường, thắng trận lớn hay trận nhỏ cũng như nhau. Ngoại hạng Anh mùa 2008/2009, Manchester United vô địch Ngoại hạng Anh nhờ tích lũy điểm số ở các trận với nhóm nửa dưới rất hiệu quả, dù Liverpool mới là CLB thắng nhiều hơn ở các trận đại chiến.
Viettel lầm lũi đi lên và có thể đạt thứ hạng cao nếu duy trì thành tích này, nhưng đội bóng áo lính không thể cứ yếu đuối ở các trận lớn. Trong quá khứ, Thể Công được ngưỡng mộ không chỉ nhờ thành tích, mà còn ở cái thế của họ ở những trận đấu căng thẳng.
Viettel trước đây có thể thắng hoặc thua, nhưng luôn chơi với khí khái tấn công, trái tim nóng và cái đầu luôn ngẩng cao. Viettel hiện tại không đá được như thế, dù có rất nhiều cầu thủ "số má" trong đội hình. Với quá nửa đội hình giàu kinh nghiệm thi đấu ở nhiều cấp độ, nhưng HLV Việt Hoàng chưa thể tạo được tập thể mạnh.
Nỗi khổ của đội bóng toàn sao
Vấn đề của Viettel giống hệt CLB TP.HCM, đó là mua nhiều ngôi sao, nhưng không có lối chơi xuyên suốt. Rất khó cắt nghĩa Viettel đá theo phong cách nào.
Họ chơi bóng lờ nhờ, tự phát và chỉ dựa vào tài năng của một số cá nhân như Bruno hay Tiến Dũng. Viettel không có cá tính và độ gai góc, nên "bộ nhận diện" của đội bóng này dường như chỉ dừng ở hào quang xưa cũ của Thể Công. Chất lính không có trong cách chơi bóng của họ.
Sắm cầu thủ giỏi chỉ là điều kiện cần để tạo tập thể mạnh. Có những tập thể không cần ngôi sao mà vẫn mạnh. Ngược lại, nhiều tập thể toàn sao nhưng chưa bao giờ đạt đến đẳng cấp phải có, như trường hợp của Viettel.
Nếu Hà Nội FC có sự tiếp nối, kế thừa mạnh mẽ nhờ bộ khung được xây dựng trong 10 năm và các cầu thủ thi đấu ăn nhập với hệ thống này, Viettel lại xây dựng đội hình dựa vào cầu thủ họ mua về.
Nếu hệ thống chiến thuật của Hà Nội FC bài bản đến mức cầu thủ được đào tạo cách chơi tấn công kiểu đội một từ khi còn trẻ, thì Viettel lại là "mớ bòng bong". Mỗi HLV của Viettel có một triết lý dựng đội riêng. HLV này rời ghế, HLV khác đập đi xây lại.
HLV Việt Hoàng có thể giỏi xây dựng một Hải Phòng cứng cỏi, khó chịu, nhưng đó là khi ông không có nhiều ngôi sao trong tay. Việc các cầu thủ nhất nhất tuân theo chiến thuật của HLV Việt Hoàng giúp Hải Phòng luôn có định hướng chơi rõ ràng.
Ngược lại, các cầu thủ Viettel lại thuộc về nhiều trường phái bóng đá khác nhau. Họ có sẵn tên tuổi, không dễ bị "gò" vào chiến thuật mới. "Chất" của lò Viettel cũng không được thể hiện rõ ràng. Sau lứa của Tiến Dũng, Hoàng Đức và Đức Chiến là một trong số không nhiều cầu thủ trẻ có chỗ ở đội một.
Mùa trước, đội bóng áo đỏ thua Hà Nội FC 2-5, dù đã dẫn trước... 2-0. Giao hữu với Hà Nội FC, Viettel thua trắng 3 bàn dù đá đủ 3 ngoại binh, còn đối thủ đá toàn nội binh. Hà Nội FC không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào, minh chứng là Omar, Rimario nghỉ, đội bóng Thủ đô vẫn nã vào lưới đối thủ 15 bàn ở Cúp Quốc gia.
Đẳng cấp quá cao của Hà Nội FC không chỉ đến từ sự nhuần nhuyễn của một hệ thống ổn định, mà còn là cái uy thế của nhà vô địch.
Uy thế ấy, Thể Công từng có, còn Viettel vẫn đang kiếm tìm. Gặp Hà Nội FC tối nay, Tiến Dũng cùng đồng đội có thắng một lần cho thỏa, để bồi đắp dần bản lĩnh cho tương lai được không?
Bình luận