Động lực đầu tiên có thể kể đến việc Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đạt 21 – 22% trong năm nay, thay vì khoảng 18% như hồi đầu năm.
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC), một số ngân hàng thương mại được phép tăng trưởng tín dụng tới 24%. Những ngân hàng như Vietcombank, VietinBank và ACB đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng mới dao động từ 18% - 20%. Trong khi các ngân hàng khác như MB hay VPBank có thể được phép đặt kế hoạch tăng trưởng cao hơn.
Theo tính toán của HSC, nếu tín dụng tăng trưởng mạnh hơn đạt 20%, tổng lợi nhuận trước thuế của 7 ngân hàng niêm yết sẽ tăng trưởng khoảng 32%, cao hơn nhiều so với mức tăng 18% tính theo giả định cũ (tăng trưởng tín dụng 17,2%).
Động lực thứ hai là việc NHNN nới thời hạn áp dụng các nội dung chủ chốt trong dự thảo sửa đổi Thông tư 36 liên quan đến trần tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn. Theo đó gia hạn thêm 12 tháng với tỷ lệ mới là 45% sẽ được áp dụng từ năm 2018 trở đi.
HSC đánh giá, điều này sẽ có lợi cho các NHTM hiện có tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn cao hơn 40%, đặc biệt là các ngân hàng BIDV, VPBank, Techcombank, Eximbank, SHB, LienVietPostBank và VIB vì các ngân hàng này có tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn từ 45-50%.
Động lực thứ ba, VAMC đã bắt đầu quá trình thu hồi tài sản đảm bảo. Đây là sự khởi đầu cho việc xử lý dứt điểm vấn đề nợ xấu và có thể dẫn đến sự ra đời của một thị trường mua bán nợ thứ cấp.
Theo HSC, vì Nghị quyết 42 quy định sự tham gia của lực lượng công an và UBNN các cấp, nên giai đoạn thu giữ tài sản đảm bảo sẽ dễ dàng được thực hiện so với trước đây. Và vụ việc Saigon One Tower là một ví dụ đầu tiên.
HSC nhìn nhận, kể từ giờ, với sự can thiệp của lực lượng công an và UBND, hoạt động xử lý nợ xấu sẽ được đẩy nhanh. Không những đối với 250 nghìn tỷ đồng nợ xấu VAMC đang nắm giữ mà còn 153 nghìn tỷ đồng vẫn nằm trong hệ thống ngân hàng vì nhiều NHTM đã thể hiện ý định muốn VAMC hỗ trợ giải quyết nợ xấu của mình.
Do vậy VAMC có thể sử dụng cơ chế đặc thù để không chỉ xử lý nợ xấu hiện đã mua từ các NHTM mà còn có thể giúp NHTM xử lý nợ xấu vẫn còn nằm trong hệ thống ngân hàng.
Theo đánh giá của HSC, các NHTM sẽ có 2 năm lợi nhuận tốt là 2017 và 2018. Những NHTM có tỷ lệ an toàn tài chính tốt nhờ trích lập dự phòng từ sớm sẽ có đà tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất trong 2 năm này (Vietcombank; ACB; Techcombank và MBB). Tuy nhiên những NHTM khác chẳng hạn NHTM có công ty tài chính tiêu dùng như VPBank và HDBank cũng sẽ đạt kết quả khả quan.
Vẫn còn đó nỗi lo
Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), áp lực tăng lãi suất huy động đã được giảm nhẹ trong quý II/2017. Tuy nhiên, nếu NHNN không có động thái hỗ trợ theo kỳ vọng, cùng với thực trạng tín dụng càng được đẩy mạnh vào nửa cuối năm, áp lực tăng lãi suất huy động sẽ nhanh chóng quay lại.
Video: Cổ phiếu ngân hàng, buông rẻ cắt lỗ vẫn khó kiếm khách
Điều này tạo nên rủi ro tiềm ẩn cho các ngân hàng khi lãi suất cho vay khó tăng, đặc biệt sau động thái cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN, ảnh hưởng tiêu cực đến NIM các ngân hàng hoặc thanh khoản thị trường liên ngân hàng có thể đảo chiều, gây bất lợi đối với các khoản đầu tư trái phiếu kỳ hạn dài diễn ra sôi động trong nửa đầu năm.
VCBS cho hay, Chính phủ ban hành Quyết định 1058/QĐ-Ttg phê duyệt “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” yêu cầu NHNN, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư cân đối, bố trí nguồn để tăng vốn điều lệ cho các NHNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo tiêu chuẩn vốn của Basel II.
Công ty chứng khoán này nhìn nhận, điều này sẽ hỗ trợ hơn cho các ngân hàng, cho phép các ngân hàng giữ lại cổ tức để tăng vốn, hỗ trợ trong quyết định phê duyệt các thương vụ phát hành riêng lẻ.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn các ngân hàng nhiều khả năng vẫn sử dụng biện pháp phát hành trái phiếu để đáp ứng nhu cầu vốn cấp bách. Và vì vậy, áp lực lên chi phí vốn cho các NHTM Nhà nước vẫn tiếp diễn trong thời gian tới.
Bình luận