• Zalo

'Cổ phiếu bầu Đức' rớt giá thê thảm, liệu các ngân hàng có giải chấp?

Kinh tếThứ Năm, 14/04/2016 11:23:00 +07:00Google News

Hàng nghìn tỷ đồng vốn vay từ các ngân hàng và hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu mà HAGL đã phát hành cho các ngân hàng được thế chấp bằng cổ phiếu HNG,

Hàng nghìn tỷ đồng vốn vay từ các ngân hàng và hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu mà HAGL đã phát hành cho các ngân hàng được thế chấp bằng cổ phiếu HNG, HAN (công ty con của HAGL) đang rớt giá thê thảm.

Hiện thị giá của công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – mã HAG) và CTCP CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) ngang ngửa nhau và rớt ở mức 6.600 – 6.700 đồng/cổ phiếu.

So với ngày 31/12/2014, thị giá cổ phiếu HAG là 10.400 đồng/cổ phiếu và thị giá cổ phiếu HNG là 28.000 đồng/cổ phiếu đã không thỏa mãn các điều kiện tổng giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay khiến ngân hàng phải giải chấp cổ phiếu HNG.

Giá cố phiếu HAG giảm thảm hại 
ACB, VietCapital đã giải chấp trên 22 triệu cổ phiếu HNG

Cụ thể, ngày 25/4/2012, HAGL đã chào bán 2.500 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 5 năm và đã thu được 1.841 tỷ đồng từ trái phiếu này. Tài sản đảm bảo là gần 74,5 triệu cổ phiếu HAG, 51,6 triệu cổ phiếu của HNG và gần 196,4 triệu cổ phiếu của CTCP Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh (HAN) và một số tài sản khác.

Đến ngày 31/12/2015, ngân hàng Bắc Á (BacABank) sở hữu 520 tỷ đồng trái phiếu, ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) chi nhánh Đồng Nai sở hữu 200 tỷ đồng trái phiếu, ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) sở hữu 240 tỷ đồng trái phiếu và ngân hàng Xuất Nhập Khẩu (Eximbank) sở hữu 800 tỷ đồng trái phiếu.

Vào ngày lập báo cáo tài chính năm 2015, tổng giá trị tài sản đảm bảo cho trái phiếu đã phát hành cho các ngân hàng trên không bằng tối tiểu 130%, 120% và 100% tổng mệnh giá trái phiếu theo hợp đồng.

Do đó, ngày 17/3/2016, (VietCapitalBank) đã giải chấp trên 2,6 triệu cổ phiếu HNG thu về gần 24 tỷ đồng.

Tuy không cho vay thông qua trái phiếu mà cho vay trực tiếp, ngân hàng Á Châu (ACB) cũng đã phải giải chấp trên 20 triệu cổ phiếu HNG (ngày 9/3/2016) trong khoản cho HAGL vay trên 178 tỷ đồng của ACB chi nhánh Gia Lai. Ước tính ACB thu về hơn 40 tỷ đồng.

Trong cho vay vốn thế chấp bằng cổ phiếu còn có ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho vay HAGL 300 tỷ đồng, thế chấp bằng 30 triệu cổ phiếu HNG thuộc sở hữu của HAN.

HDBank cũng cho HAGL vay 280 tỷ đồng theo hợp đồng vay ký ngày 31/8/2015, lãi suất vay 11%/năm. Ngày đáo hạn của hợp đồng đến 3/9/2016. Tài sản đảm bảo cho khoản vay là 24,3 triệu cổ phiếu công ty sở hữu bởi CTCP Chăn nuôi Gia Lai – bên liên quan và các quyền phát sinh liên quan.

Hàng nghìn tỷ đồng cho vay thông qua trái phiếu, thế chấp bằng cổ phiếu 
Cụ thể, 1/4/2014, HAGL đã phát hành trái phiếu tổng trị giá 650 tỷ đồng do công ty PhuGiaSC thu xếp phát hành, kỳ hạn 5 năm. HAGL đã bán trái phiếu này cho HDBank và thu về 650 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho đợt phát hành này là 67,3 triệu cổ phiếu HNG và gần 196,4 triệu cổ phiếu HAN (đồng thời được HAG dùng thế chấp cho 600 tỷ đồng trái phiếu sở hữu bởi VPBank phát hành ngày 28/11/2014 sau đây).

Ngày 28/11/2014, HAGL phát hành 1.000 tỷ đồng do VPBS thu xếp phát hành kỳ hạn 3 năm. Đến 31/12/2015, 1.000 tỷ đồng trái phiếu này do VPBank sở hữu. Tài sản đảm bảo là 110,63 triệu cổ phiếu của HNG và 4,7 triệu cổ phiếu HAG.

Ngày 31/12/2015, giá cổ phiếu HAG là 10.400 đồng/cổ phiếu và giá của HNG là 28.800 đồng/cổ phiếu.

Vào thời điểm lập báo cáo tài chính hợp nhất, tổng giá trị tài sản đảm bảo không bằng tối thiếu 145% tổng mệnh giá trái phiếu theo quy định trong hợp đồng đặt mua trái phiếu.

Tuy nhiên, VPBank vẫn tiếp tục sở hữu 600 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 18 tháng do HAGL phát hành ngày ngày 27/8/2015. Tài sản đảm bảo là 196,4 triệu cổ phiếu của HAN (cũng được thế chấp cho khoản 650 tỷ đồng trái phiếu của HDBank ngày 1/4/2014) với 225,97 triệu cổ phiếu của CTCP Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai và 234,5 triệu cổ phiếu HNG.

Điểm đáng chú ý là HNG (công ty con của HAGL) cũng thực hiện phát hành 1.700 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 3 năm 01 tháng và bán 200 tỷ đồng trái phiếu cho ngân hàng Quốc Dân (NCB), 300 tỷ đồng trái phiếu cho ngân hàng Tiên Phong (TPBank) và 1.200 tỷ đồng trái phiếu cho VPBank.

Các trái phiếu nói trên được đảm bảo bằng 181,7 triệu cổ phiếu HNG, trong  đó có 31 triệu cổ phiếu HNG đã được dùng để thế chấp cho trái phiếu đã phát hành của HAGL có tổng mệnh giá 600 tỷ đồng.

Đến ngày 31/12/2015, 181,7 triệu cổ phiếu HNG có giá thị trường 28.800 đồng/cổ phiếu. Vào ngày lập báo cáo tài chính này, giá trị tài sản đảm bảo không bằng tối thiểu 200% tổng mệnh giá trái phiếu theo quy định của hợp đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của HAGL, các khoản vay dài hạn từ việc phát hành trái phiếu trong nước là 11.564 tỷ đồng, trong đó vay dài hạn trái phiếu đến hạn trả là 1.373 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các khoản vay ngắn hạn ngân hàng là 3.199 tỷ đồng, khoản vay dài hạn ngân hàng đến hạn trả là 1.194 tỷ đồng, trong các khoản vay ngân hàng này có thế chấp bằng cổ phiếu HNG và HAN.

Đến ngày lập báo cáo tài chính năm 2015, HAGL cũng chưa thanh toán một số khoản nợ gốc và lãi của các khoản vay và trái phiếu đến hạn.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã phải vào cuộc thực hiện thanh tra các khoản nợ của HAGL. Giá cổ phiếu HAG và đặc biệt là HNG vẫn trong nguy cơ giảm, có lẽ HNG khó có thể trở về mức 28.000 – 30.000 đồng/cổ phiếu. Liệu có “làn sóng” giải chấp cổ phiếu HNG, HAG?

Nguồn: BizLIVE
Bình luận
vtcnews.vn