Tâm sự của ông lão 73 tuổi bị con cái hắt hủi, “đá” ra nhà trọ sống một mình sau khi đã chia hết tài sản cho họ khiến tôi thấy xót xa, bởi cảnh đối xử tệ bạc với cha mẹ diễn ra khá nhiều xung quanh chúng ta. Ông cụ trong bài viết nói trên ít ra còn có lương hưu, sức khỏe chưa quá tệ; nhiều cụ khác đã như chiếc lá sắp rụng, không còn tiền bạc nhưng vẫn bị con cái đá đi như một cục nợ.
Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, ngắm cây mai mới tối giao thừa còn nở rộ rực rỡ, qua sáng mùng 1 đã rụng vàng ươm dưới gốc, mỗi lần gió thoảng qua là cánh rơi tơi tả, tôi thấy cồn cào nhớ bà nội, người mới Tết năm ngoái còn ở bên con cháu mà nay đã đi xa. Vì vậy mà chiều mùng 1 Tết, tôi đến một trại dưỡng lão thăm các cụ già để vơi nỗi nhớ nội.
Tại đó, tôi ngậm ngùi khi nghe kể về hoàn cảnh một số người già, nhói lòng nhất là chuyện bà P. 71 tuổi, người vốn rất hay cười mà tôi đã gặp vài lần trước.
Bà P. có 3 người con, 2 trai, 1 gái, tất cả đều đã có gia đình riêng. Ngày trước, dù không giàu nứt đố đổ vách nhưng kinh tế gia đình bà cũng thuộc diện khiến nhiều người mơ ước, có của ăn của để. Ba người con không bao giờ phải thua bạn kém bè.
Cách đây 6 năm, chồng lâm bệnh mất, bà P. đồng ý với đề nghị của con cái, bán ngôi nhà 2 mặt tiền ở trung tâm TP.HCM để chia cho các con chăm lo gia đình riêng. Hơn 20 tỷ đồng tiền bán nhà và một số tài sản khác được bà chia đều, không ai hơn ai.
Sau đó, các con thống nhất xoay vòng chăm sóc mẹ, mỗi người có trách nhiệm chăm nuôi mẹ 4 tháng là hết vòng một năm.
Mọi chuyện vẫn có vẻ ổn cho đến cái hôm bà P. chứng kiến cuộc gọi video của con cả với con gái út. Khi anh cả thông báo ngày mai sẽ chở mẹ qua vì đã đến phiên, cô con út nhăn nhó: "Sớm thế, ngày kia mới đến lượt mà!".
Cả đêm đó bà cụ không chợp mắt được vì buồn tủi. Những ngày sau, để ý hơn, bà nhận ra mình bị "đá bóng", trở thành gánh nặng của các con.
Giữa năm 2022, sau thời gian vất vả vượt qua đại dịch COVID-19, bà nói với các con ý định vào viện dưỡng lão. Dù đã quyết định sẽ đi, lòng bà vẫn mong được nghe những câu ngăn cản, níu kéo.
Nhưng hồi đáp của các con khiến bà nghẹn lòng: "Má chắc chưa?", "Má muốn vậy hả?", "Ở viện dưỡng lão cũng tốt má ạ!"...
Mức phí 10 triệu đồng/tháng ở viện quá đơn giản để 3 con chia nhau, bà P. thấy họ nhẹ nhõm hơn. Các con chưa một lần nặng lời, nhưng thái độ dửng dưng khiến người mẹ đau lòng.
Thời gian đầu, mỗi tháng 3 người con cùng nhau vào thăm mẹ một lần, sau đó thưa dần thành vài tháng, có người tận 4 tháng mới tới. Tết 2023, các con thống nhất đón mẹ về hôm 28 tháng Chạp.
"Về Tết, tụi nó mua áo dài cho tui, bảo mặc để chụp hình chung, cũng vui lắm. Mấy đứa cháu kể trên mạng người ta khen quá trời. Nhưng mà xong xuôi, vợ chồng mấy đứa tụi nó than, nói muốn đi du lịch, mà tui già quá rồi nên đâu đi được, đành ở nhà một mình", bà cụ kể.
Tết 2024, bà đang chuẩn bị chào các bạn già để xếp đồ về với con cháu thì anh con cả gọi tới, bảo muốn mẹ ăn Tết tại viện vì năm nay sức khỏe đã yếu hơn, ở lại để người ta tiện chăm sóc. Bà lặng buồn, nhớ đến câu nói buột miệng của đứa cháu nhỏ Tết trước, khi sắp đi du lịch: “Mẹ nói ngoại không khỏe nên không ngồi máy bay đi nước ngoài được, mà ráng đi thì phiền lắm".
Những người già phải âm thầm buồn tủi như bà cụ P. có rất nhiều, bởi vì con cái họ luôn an tâm rằng mình không hắt hủi hay bỏ rơi bố mẹ, vẫn bỏ tiền ra lo cho các cụ có chỗ ăn chỗ ở, có người chăm khi ốm đau, đâu như những nghịch tử mắng chửi đấng sinh thành, đẩy các cụ ra đường sống nhờ tình thương của xã hội vẫn bị báo chí, cộng đồng phê phán.
Họ không biết người già héo hắt, đau khổ thế nào khi cảm thấy mình là gánh nặng, là nỗi phiền toái của con cái, bị loại ra khỏi cuộc sống của các con.
Ngẫm lại tình cảnh các cụ già tại viện dưỡng lão, tôi thấy nhiều cụ trong mắt con cháu chẳng khác gì những chậu mai trưng Tết, đến ngày Tết thì rước về bày cho đẹp nhà, cho đúng điệu, ngày xuân qua đi thì đem đến nhà vườn, trả phí cho người ta chăm nom. Tết sau, nếu cây ít hoa ít nụ thì thôi khỏi mang về.
Nhiều cụ già dành cả cuộc đời cho con cháu nhưng ở tuổi gần đất xa trời lại hẩm hiu hơn cả những gốc mai, khỏe mạnh thì được đưa về, chụp vài ba tấm hình khoe lên mạng là gia đình mẹ hiền con hiếu, đầy đủ thành viên, không khỏe thì bị gửi lại viện dưỡng lão, bớt phiền hà.
Đối xử với cha mẹ già như vậy, có thể tự ru lòng rằng mình không bất hiếu được chăng?
Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.
Bình luận