Ngày 7/11, Tổ chức bảo rồn rùa châu Á (ATP) phát thông báo về hy vọng mới cho bảo tồn rùa quý hiếm nhất thế giới, khi họ phát hiện có thêm một rùa Hoàn Kiếm khác ở Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội), bên cạnh con đang sống ở hồ từ trước.
Khi quan sát tại khu vực cấm đánh bắt, gần một bãi đẻ trứng nhân tạo do ATP thiết lập trên hồ Đồng Mô vào ngày 6/8, hai cán bộ giàu kinh nghiệm của tổ chức thấy hai con rùa mai mềm cỡ lớn ở cùng một thời điểm.
"Đang chụp ảnh rùa Hoàn Kiếm vẫn thường thấy trong hồ, nhóm phát hiện thêm một rùa khác nhỏ hơn ở khách cách 50 m từ thuyền của họ. Khi đó hai con rùa cách nhau khoảng 100 m", đại diện ATP nói.
Do quá bất ngờ nên cán bộ của ATP không ghi lại được bức ảnh nào. Nhưng nhóm đã kịp quan sát và ghi nhận được một số đặc điểm của rùa như màu vàng nổi bật trên đầu, mũi ngắn và khoảng 40kg.
"Quan sát này không đủ để khẳng định rằng có hai con rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô, nhưng nó mang lại hy vọng mới cho công tác bảo tồn loài rùa nước ngọt quý, hiếm nhất của thế giới", đại diện ATP nhấn mạnh.
Trong nhiều năm kể từ khi ATP tập trung nỗ lực nghiên cứu, bảo tồn loài Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei), còn được biết đến với tên gọi rùa Hoàn Kiếm, ở hồ Đồng Mô, ngư dân địa phương đã nói rằng có nhiều rùa khổng lồ đang sống trong hồ. Họ nói con thứ hai cân nặng nhỏ hơn khoảng 40-50kg nhưng nhút nhát và khó quan sát.
Nhận định này đến từ những lần quan sát được loài có kích thước khác nhau hoặc kích thước của các vết rách do rùa để lại trên lưới đánh cá của ngư dân địa phương. Tuy nhiên là tổ chức nghiên cứu và bảo tồn, ATP luôn thận trọng khi đưa ra những tuyên bố như trên. Tất cả bức ảnh chụp bởi nhóm nghiên cứu cho đến nay là ảnh của cùng một loài với sự tương đồng của các hoa văn trên đầu rùa.
Rafetus swinhoei là loài rùa quý hiếm nhất thế giới, với chỉ 4 con được biết còn tồn tại đến nay (2 con ở Việt Nam và 2 con ở Trung Quốc).
Tại Việt Nam, ngoài rùa Hồ Gươm đã chết vào năm 2016 hiện chỉ còn hai con ở hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh (Hà Nội). Giới khoa học chưa khẳng định được giới tính của chúng. Việc bảo tồn loài đang bị ảnh hưởng do nguồn nước ô nhiễm và hoạt động khai thác thủy sản thiếu kiểm soát của người địa phương.
Bình luận