Theo thông lệ, cứ vào ngày 10 tháng Giêng Âm lịch, người người đều mua vàng làm lễ vật để cầu mong một năm làm ăn nhiều may mắn, thịnh vượng, tài lộc. Đây đặc biệt là ngày lễ quan trọng của các gia đình làm kinh doanh, buôn bán.
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, ngày Tết tâm linh này bắt đầu phổ biến tại Việt Nam từ 10 năm trở lại đây, là kết quả của sự giao thoa về văn hóa giữa văn hóa tâm linh của người Việt và văn hóa tâm linh của người Hoa.
Chuyên gia cho biết, theo các tài liệu văn hóa tâm linh cổ của người Hoa thì ngày Tết họ thường mang theo vàng, bạc cất vào nơi kho cất giữ tiền của cũng như để giấu vào trong tượng thần. Tuy nhiên, họ không có mua nhiều. Thêm vào đó, vàng bạc có thể được họ chuẩn bị từ trước, chỉ chờ ngày vía Thần Tài để mang qua cửa chính để cúng, lễ. Việc mua vàng bạc không nhất định phải làm đúng ngày vía Thần Tài.
Ngày nay người Trung Quốc giản tiện và tiết kiệm hơn. Họ mua hai bộ lai vàng lai bạc có in dập ba chữ bằng Hán tự: Phúc - Lộc - Thọ; một bộ cho vào két sắt, một bộ cúng tiến tại ban thờ Thần Tài. Trong tâm linh phân định bạc là dương và vàng là âm nên dân gian có câu: "Ra đường mà nhặt được bạc thì sang, nhặt được vàng thì lụi".
"Do đó, tại Việt Nam, việc cứ đến ngày Thần Tài, người người đổ xô đi mua vàng là khá tốn kém do bị đẩy giá lên cao. Bên cạnh đó, đầu tháng Giêng đã bị lỗ do mua vàng đắt thì đâu còn gọi là may mắn nữa", chuyên gia nhận định.
Chuyên gia phong thủy Song Hà đưa lời khuyên nếu ai có ý định mua các linh thú tỳ hưu, tam cước thiềm thừ để bài trí thêm vào bàn thờ, nên mua linh thú bằng đồng hoặc bằng đá tránh mua linh thú làm từ nhựa hay bột đá đổ nhân tạo tác dụng thấp.
Bên cạnh đó, phải cân đối khi bài trí các linh thú ở bàn thờ Thần Tài thì kích cỡ của linh thú chỉ được phép nhỏ hơn tượng thần tránh to bằng hay to hơn tượng thần. Bởi như vậy là "nghịch thiên, thú khắc chế thần", sẽ không bình ổn gia sự.
Bình luận