Chị Nguyễn Thị Hoài Thương (Nhân Chính, Hà Nội) bức xúc khi một vị phụ huynh có con học lớp 10 trường THPT Trương Định (Hà Nội) bị các phụ huynh khác lăng mạ, mỉa mai chỉ vì từ chối đóng tiền tự nguyện 700.000 đồng. Theo chị, Ban đại diện cha mẹ học sinh thiếu sự tôn trọng, lấy ý chí của một vài người đứng đầu mà áp đặt đại đa số phụ huynh khác trong lớp.
"Một khi không làm đúng với chức năng thì nên xoá bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh", chị Thương đề xuất. Chị cho rằng chúng ta đang dạy con cái sống nhân văn, biết yêu thương và tôn trọng mọi người nhưng chính bậc làm cha, làm mẹ lại có cách hành xử đi ngược lại với lời rao giảng ấy.
Từng rơi vào hoàn cảnh như phụ huynh trường THPT Trương Định, anh Trần Thành Công (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, mỗi dịp đầu năm học, gia đình lại chóng mặt với những khoản tiền dự trù do Ban đại diện cha mẹ học sinh kê khai. Điển hình như tặng quà cô ngày 20/11, 20/10, 8/3; tổ chức dã ngoại tham quan; hỗ trợ học sinh gia đình khó khăn; tiền bồi dưỡng giáo viên dạy thêm giờ...
Nhiều phụ huynh từng nói "việc đóng góp quỹ lớp là tự nguyện nhưng trên tinh thần ép buộc". Đây không đơn thuần chỉ là một câu nói đùa, ở góc độ nào đó lại là sự thật mà hầu hết phụ huynh có con đi học gặp phải.
Anh Công đề nghị, nếu Ban đại diện cha mẹ học sinh không thay đổi cách làm việc và lối tư duy hình thức, lạm thu như hiện nay thì nên dẹp bỏ để tránh tạo thêm áp lực, gánh nặng cho phụ huynh khác.
Trong khi đó, có một số phụ huynh đưa ra ý kiến trái chiều. Chị Nguyễn Thị Mai (Định Công, Hà Nội) cho rằng, Ban đại diện cha mẹ học sinh có quyền đưa ra đề xuất thu các khoản tiền phục vụ cho công tác sinh hoạt của ban. Phụ huynh nào không đồng ý thì có thể tranh luận, bày tỏ quan điểm để đi đến thống nhất chung.
Tuy nhiều, trong quá trình họp bàn, nhiều phụ huynh ngại bày tỏ ý kiến khiến những băn khoăn không được giải toả mà lại thêm phần áp lực khi phải đóng tiền.
Theo chị Mai, Ban đại diện cha mẹ học sinh thu tiền nhằm mục đích tổ chức các buổi sinh hoạt thường kỳ, giúp phụ huynh và học sinh gắn kết với nhau, đoàn kết hơn. Đây là điều rất đáng khen ngợi. Phụ huynh không nên quá căng thẳng, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít.
Đồng thời, chị cho rằng, việc duy trì Ban đại diện cha mẹ học sinh là rất cần thiết. Trong một năm học, lớp có nhiều các hoạt động, sự kiện, khi ấy tập thể rất cần những người nhiệt tình đứng lên kết nối phụ huynh.
"Dư luận xã hội đang quá khắt khe và ác cảm với Ban đại diện cha mẹ học sinh. Suy cho cùng thì họ cũng chỉ là những người 'ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng'", chị Mai nói.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT khẳng định: "Không thể bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh". Trong Luật Giáo dục sửa đổi và các thông tư có quy định rõ chức năng và vị trí quan trọng của phụ huynh trong việc phối hợp thực hiện các công tác giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
"Chúng ta không thể vì một vài trường hợp bất thường mà vội vàng đòi bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh", ông Thành nhấn mạnh.
Bình luận