TS.BS Lã Thanh Hà, Trưởng khoa Da liễu (Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam) cho biết, nhiều thông tin nói rằng rửa mặt nước muối mang lại lợi ích như sát khuẩn, kiềm dầu, giảm mụn. Một số cơ sở làm đẹp sau khi điều trị mụn cũng nhắc nhở khách hàng về nhà rửa mặt nước muối sinh lý.
Bác sĩ Hà khẳng định, có thể sử dụng nước muối sinh lý để rửa mặt, nhưng không nên sử dụng thường xuyên. Nếu dùng thường xuyên, không đúng cách sẽ mang lại những tác hại không mong muốn cho làn da.
Dung dịch nước muối sinh lý thường được bán dưới dạng đóng chai bán sẵn tại các hiệu thuốc, chứa 0,9% nồng độ Nacl và 1 lit nước. Đây là dung dịch đẳng trương có áp suất thẩm thấu xấp xỉ với dịch trong cơ thể người. Sở dĩ nước muối hay được sử dụng để làm sạch vết thương là do tính chất đẳng trương này, làm gián đoạn quá trình chữa lành bình thường (ưu điểm so với nước tinh khiết).
Tuy nhiên nước muối sinh lý không được xếp vào nhóm tính diệt khuẩn cao. Một nghiên cứu khoa học năm 2012 của Anh thông tin, không tìm thấy sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm trùng ở các vết thương cấp tính, phẫu thuật hoặc mãn tính được rửa sạch bằng nước sạch so nước muối sinh lý.
"Chỉ nước muối có nồng độ cao mới đủ để sát khuẩn, nhưng không nồng độ mặn không nên quá 9%, sẽ làm teo đét tế bào da", vị bác sĩ da liễu nói.
Rửa mặt là bước tối quan trọng trong làm sạch da, dùng nước muối sinh lý rửa mặt khó có thể tẩy sạch lớp dầu thừa và bụi bẩn bám trên da sau ngày dài. Hệ quả của việc này làm tình trạng da bị bít tắc lỗ chân lông bởi dầu thừa, bụi bẩn, bã nhờn, gây mụn, viêm da kích ứng.
Chưa kể, nếu dùng nước muối để rửa mặt mà không rửa sạch lại với nước, tinh thể muối đọng lại trên da, dẫn đến da bắt nắng hơn nhiều.
Cách rửa mặt bằng nước muối không làm khô da
Bước 1: Làm sạch da bằng nước ấm
Bước 2: Thấm khô da bằng khăn mềm
Bước 3: Cho nước muối sinh lý vào bông tẩy trang và thoa nhẹ nhàng lên da.
Bước 4: Lặp lại hành động trên thêm một lần nữa với miếng bông tẩy trang sạch khác.
Bước 5: Sau đó rửa sạch lại với nước một lần nữa.
Vị chuyên gia khuyến cáo, dừng sử dụng nước muối nếu gặp những hiện tượng đỏ, rát, cảm giác căng da, châm chích. Nên đến các bác sĩ chuyên khoa da liễu để được điều trị và hướng dẫn cách chăm sóc da phù hợp.
Bình luận