Bạo lực học đường, đặc biệt là các vụ đánh hội đồng của nữ sinh là hiện trạng nhức nhối của ngành Giáo dục nói riêng và xã hội nói chung trong những năm qua. Việc những cô học trò mới 13-16 tuổi hò nhau đánh đập một người bạn thân cô thế cô như tiếng chuông cảnh báo về sự hiện diện của mầm ác ở những đứa trẻ vốn đang ở tuổi hoa niên đẹp nhất, tuổi của những cảm xúc thánh thiện, trong sáng.
Vụ nữ sinh đánh hội đồng bạn học ở Thanh Hóa đang khiến dư luận bức xúc là một ví dụ. Chỉ vì mâu thuẫn với cô bạn học lớp 8 tên V., nữ sinh M., học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, TP Thanh Hóa rủ nhóm bạn hẹn V. ra để quây đánh. Các nữ sinh 14 – 15 tuổi này túm tóc giật bạn ngã xuống rồi vừa xông vào đấm, đá, đạp… vừa quay clip để đăng lên mạng xã hội.
Trước đó, đã có hàng trăm vụ nữ sinh kéo bè đánh đập bạn cô thế được phản ánh trên các phương tiện truyền thông. Nhiều nữ sinh có hành vi côn đồ không chỉ một lần, và cũng không ít nạn nhân bị đánh tàn nhẫn đến mức gây thương tích, phải điều trị ở bệnh viện.
Dường như với những nữ sinh quen sử dụng bạo lực để xử lý mâu thuẫn hoặc bắt nạt bạn bè yếu thế hơn mình, môi trường giáo dục và các biện pháp giáo dục thông thường không có hiệu quả. Nếu cứ mãi như vậy, chẳng bao lâu sau khi đến tuổi trưởng thành, các em sẽ quen coi bạo lực là cách thức hiệu quả để giải quyết vấn đề hoặc để đạt điều mình muốn, và rất dễ trở thành đầu gấu, côn đồ.
Với những nữ sinh học cấp 2, cấp 3, thời gian còn lại để giáo dục các em trước khi hoàn toàn định hình nhân cách không còn nhiều. Vì vậy, phải khẩn cấp có biện pháp dạy dỗ.
Mỗi đứa trẻ cần một cách giáo dục riêng. Tôi cho rằng, với những nữ sinh quen thói hành xử côn đồ, nhiều lần đánh bạn và hô hào người khác cùng xông vào đánh, cần có biện pháp đặc biệt. Nên chăng xây dựng quy định đưa vào trường giáo dưỡng những học sinh nhiều lần đánh bạn với tính chất bạo lực cao, những học sinh đánh bạn tàn nhẫn đến mức gây thương tích? Với sự kèm cặp nghiêm khắc phù hợp ở những cơ sở này, sau một thời gian nhất định, trẻ sẽ được trở về với môi trường giáo dục đại trà.
Chắc rằng chỉ cần có quy định này, nhiều học sinh có xu hướng bạo lực cũng sẽ kiểm soát tốt hơn hành vi của mình, phụ huynh cũng sẽ có ý thức dạy con nghiêm khắc, sát sao hơn.
(*) Ý kiến độc giả không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của VTC News.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.
Bình luận