Câu hỏi này thường được các bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 quan tâm và chia thành hai luồng ý kiến rõ rệt.
Bên nói có thì cho rằng, học trước sẽ giúp bé không bị ngỡ ngàng, không bị tụt lại so với các bạn và lo sợ lớp học quá đông, trong khi thời lượng học không nhiều, chương trình học nhanh, trẻ sẽ không theo kịp.
Bên nói không thì phản biện rằng nếu cho con học trước, con sẽ dễ bị tâm lý chủ quan, không tập trung và hứng thú với học bài trên lớp vì đã biết rồi. Hậu quả là nếu còn giữ tư tưởng đó, lên lớp 2, trẻ sẽ rất chật vật khi học bởi đã hình thành thói quen mất tập trung.
Mẹ của bé Lạc Lạc, cũng mang tâm lý lo lắng như bao bậc cha mẹ khác, nhưng cô còn chuẩn bị cho con mình kỹ lưỡng hơn khi cho con học chữ và viết từ lúc mới 3 tuổi. Chưa đầy 1 năm sau, cô bé Lạc Lạc đã học được 500 từ và viết được rất rõ ràng. Đến cuối năm mẫu giáo, Lạc đã học được 2000 từ và mẹ của bé thở phào nhẹ nhõm với hành trang chuẩn bị vào lớp 1 của con.
Khi bước vào lớp 1, ngày nào đi học về, cô bé Lạc Lạc cũng nói với mẹ những bài học trên lớp quá đơn giản khiến bé thấy nhàm chán khi tới lớp. Vì học trước, đã thông thạo khá nhiều chữ, nên bài kiểm tra nào Lạc Lạc cũng đạt điểm tuyệt đối.
Nhưng, cô giáo lại nhận xét với mẹ Lạc Lạc rằng, trên lớp bé không chịu tập trung nghe giảng. Tuy nhiên, vì nghĩ con mình đã biết rất nhiều trước khi đi học, nên mẹ cô bé không quan tâm tới lời của cô giáo mà chỉ cần con đã hiểu bài đó là được.
Điểm số cao của con gái khiến mẹ bé Lạc lại càng tự tin vào phương pháp giáo dục cho con đi học chữ sớm của mình và tin rằng con gái sẽ luôn vững bước, phát huy được thành tích đáng nể đó.
Nhưng mọi việc đã thay đổi theo chiều hướng xấu khi Lạc Lạc lên lớp 2. Cô bé bắt đầu chật vật học hơn và điểm số cũng không còn cao nữa. Lên lớp 3, Lạc Lạc thậm chí còn cảm thấy mệt mỏi khi phải đến lớp và luôn nói với mẹ không muốn đi học nữa.
Ban đầu người mẹ nghĩ, do cô giáo có thành kiến với con, nên Lạc Lạc mới bị giảm sút kết quả học tập và có tâm lý không muốn đi học như vậy.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ bị ép đi học trước khi vào lớp 1 sẽ có kết quả năm lớp 1 tốt hơn các bạn không học chữ trước. Nhưng sang đến năm lớp 2, những lợi thế đó không còn nữa, chưa kể trẻ hình thành thói quen học thụ động và không có hứng thú trong học tập nữa.
Đến năm lớp 3 thì mọi thứ còn tồi tệ hơn vì trẻ mất tập trung triền miên, mất hứng thú đi học, chắc chắn kết quả học tập sẽ không tốt.
Vậy làm thế nào để con phát triển đúng và không tạo cho trẻ thói quen mất tập trung khi học?
Với những cha mẹ lo lắng con không theo kịp chương trình, chỉ nên cho con đi học chữ trước khi vào năm học chính thức tầm 2-3 tháng, để bé làm quen với những nét chữ đầu tiên, làm quen với cách cầm bút và tạo thói quen làm bài trước khi vào lớp 1.
Cha mẹ không nên cho con học quá nhiều kiến thức của lớp 1 khi vẫn còn đang học mẫu giáo bởi làm như thế, sẽ tạo áp lực học tập cho con một cách thái quá. Thứ nữa sẽ tạo cho con tâm lý chủ quan vì đã biết hết rồi, không còn hứng thú khám phá bài học trên lớp nữa. Dần dà, trẻ sẽ mất tập trung, không muốn học bài trên lớp nữa. Với tâm lý đó, lên đến lớp 2 là trẻ sẽ gặp rất khó khăn trong học tập và dẫn tới hậu quả chán học.
Còn với những phụ huynh kiên quyết không cho con học chữ trước khi vào lớp 1, cha mẹ cần kiên nhẫn và dành thời gian cho con mỗi tối để kèm con học, tạo cho con thói quen học tập tốt sau này. Vì trẻ chưa được học gì trước khi vào lớp 1, nên các bé sẽ vất vả hơn trong mấy tháng đầu nhập học, cha mẹ đừng mắng mỏ, cũng đừng kỳ vọng con quá, mà thay vào đó hãy hướng dẫn, chỉ bảo con từ từ để con quen với môi trường học mới. Giúp trẻ tự tin hơn khi làm bài, cũng là cách giúp con hứng thú mỗi khi đến lớp và thích đi học.
Bình luận