Áp thuế tự vệ với phôi thép và thép dài
Ngày 18/7/2016, trên cơ sở kết luận điều tra chính thức, Việt Nam đã áp dụng mức thuế tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu trong vòng 4 năm, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước khắc phục thiệt hại do sự gia tăng đột biến của hàng nhập khẩu. Mức thuế tự vệ chính thức đối với phôi thép được áp dụng ở mức 23,3% sẽ được duy trì tới 21/3/2017, sau đó giảm dần và về 0% từ 22/3/2020. Tương tự, với thép dài mức thuế tự vệ 14,2% được áp dụng đến 21/3/2017 và về 0% từ 22/3/2020.
Trong thương mại quốc tế, biện pháp tự vệ (safeguard measures) là việc tạm thời hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hoá khi việc nhập khẩu chúng tăng nhanh gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất hàng hóa “tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp” trong nước phải hứng chịu. Các biện pháp tự vệ chỉ được áp dụng đối với hàng hoá, không áp dụng đối với dịch vụ, đầu tư hay sở hữu trí tuệ.
Quyết định áp thuế tự vệ với phôi thép và thép dài được đưa ra sau khi Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) tiến hành điều tra, xuất phát từ đơn yêu cầu của các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước là Công ty CP Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên, Công ty CP Thép Việt Ý vào ngày 25/12/2015. Các doanh nghiệp này đã đề nghị tăng thuế suất lên 45% với phôi thép và 33% với thép dài nhập khẩu để đảm bảo khả năng cạnh tranh của sản phẩm phôi thép và thép dài sản xuất trong nước.
Theo thông báo của Bộ Công Thương về việc áp thuế này, trong những năm gần đây, tổng lượng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam tăng rất mạnh và luôn cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng lượng bán hàng trên thị trường nội địa của ngành sản xuất trong nước. Nguyên nhân từ cuộc khủng hoảng kinh tế tại Trung Quốc trong thời gian qua và sự dư thừa công suất cũng như sản lượng thực tế kết hợp với lượng tồn kho lớn của các sản phẩm thép của Trung Quốc.
Mặt khác, trong năm 2015 Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc đã liên tục phá giá đồng nhân dân tệ nhằm thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc. Giá các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc cũng rẻ đi tương đối so với các nước khác, dẫn đến khó khăn cho ngành sản xuất nói chung và ngành thép nói riêng trong việc cạnh tranh thép xuất khẩu của Trung Quốc. Các bằng chứng cho thấy có mối quan hệ nhân – quả giữa sự gia tăng hàng nhập khẩu giá rẻ và thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước.
Cụ thể, theo số liệu nhập khẩu của Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu phôi thép vào Việt Nam tăng liên tục từ 348,872 tấn năm 2013 lên đến 592,033 tấn năm 2014 (tăng 69.70%) và tăng đến mức 1,885,981 tấn năm 2015 (tăng 218% so với năm 2014 và tăng 440% so với năm 2013). Đối với thép dài, có thể thấy rằng, lượng nhập khẩu vào Việt Nam tăng liên tục từ 387,448 tấn năm 2012 lên đến 665,679 tấn năm 2013; tăng tiếp tục lên mức 872,119 tấn năm 2014 và tăng đến mức 1,282,090 tấn năm 2015 (tăng 231% so với năm 2012).
Trong các nước xuất khẩu thép mạnh nhất vào Việt Nam trong 3 năm qua, Trung Quốc là nước dẫn đầu. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), riêng 4 tháng đầu năm 2016, sản lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc gần 3,7 triệu tấn thép các loại, chiếm 59,72% trong tổng sản lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam 6,21 triệu tấn.
Theo thông báo của Bộ Công Thương đưa ra tại thời điểm đó, đây có thể là một hệ quả từ việc thép của Trung Quốc bị Liên Minh Châu Âu (EU) kiên quyết bảo hộ ngành thép trước các cáo buộc Trung Quốc xuất khẩu thép giá rẻ sau khi nhu cầu trong nước sụt giảm, gây khủng hoảng trong ngành thép, dẫn đến nhiều doanh nghiệp EU cắt giảm việc làm và đóng cửa nhà máy. Nên các doanh nghiệp của nước này đã chuyển hướng xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam do khoảng cách địa lý gần và Việt Nam cũng là nước tiêu thụ thép lớn. Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan thì lượng phôi thép nhập từ Trung Quốc đã chiếm tới khoảng 67% tổng số lượng phôi thép nhập khẩu hàng năm.
Ai được lợi?
Việc áp dụng biện pháp tự vệ thương mại vốn được hiểu là để bảo vệ doanh nghiệp trong nước. Sự gia tăng lượng nhập khẩu thép giá rẻ của nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc chỉ trong 3 năm qua đã làm điêu đứng nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép trong nước. Tuy nhiên, liệu các doanh nghiệp trong nước có nhân cơ hội này để tăng giá, đổ gánh nặng lên vai người tiêu dùng.
Ngay sau khi Bộ Công Thương ban hành quyết định tạm thời áp thuế tự vệ (ngày 7/3/2016), giá thép trên thị trường Việt Nam đã tăng mạnh. Trên thị trường, giá thép cuộn hiện dao động từ 12,8-13,2 triệu đồng/tấn, thép cây 11,9-12,35 triệu đồng/tấn (tùy loại). Đại diện các doanh nghiệp thép cho rằng, giá thép tăng một phần nguyên nhân từ việc giá nguyên liệu trên thế giới tăng. Cụ thể, tháng 3-2016, giá phôi thép giao dịch ở mức 330 USD/tấn, tăng khoảng 20% so với đầu tháng 1-2016. Giá thép phế liệu ở mức 220 USD/tấn, tăng khoảng 20% so với giá giao dịch trước đó (180-185USD/tấn). Tuy nhiên, giá thép tăng còn có tác động từ việc các đại lý, nhà phân phối có dấu hiệu găm hàng trước thời điểm thuế tăng, trong khi mùa khô - mùa xây dựng đang đến gần.
Mặt khác, việc tăng thuế suất thuế nhập khẩu phôi thép vào Việt nam dẫn đến hệ lụy giá phôi thép trong nước sẽ tăng theo, phần lớn các công ty sản xuất thép trong nước càng rơi vào thế phụ thuộc vào một hoặc một vài nhà cung ứng trong nước. Như vậy, vô hình chung chính sách áp thuế tự vệ chỉ làm lợi cho một vài “đại gia” thép lớn, chủ động được nguồn phôi nguyên liệu trong khi số đông các doanh nghiệp sản xuất thép còn lại phụ thuộc phôi nhập khẩu sẽ gánh chịu thêm chi phí, tăng giá thành sản phẩm, khả năng thua lỗ do phải giảm giá trong cuộc cạnh tranh.
Có nên áp thuế tự vệ lâu dài đối với phôi thép và thép dài?
Biện pháp áp thuế tự vệ đang gây nên tranh cãi trong nhóm doanh nghiệp nhập khẩu và tiêu thụ thép lớn trong nước: Nó thực sự có hiệu quả hay không? Có nên áp thuế tự vệ lâu dài với phôi thép và thép dài?
Theo đó, nhiều doanh nghiệp có ý kiến cho rằng, biện pháp này chưa có sự cân nhắc giữa lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích của nhóm doanh nghiệp. Các biến động của thị trường thép ngay lập tức đã ảnh hưởng đến thị trường xây dựng, không ít nhà thầu đã phải giảm tiến độ hoặc tạm dừng thi công các công trình xây dựng để điều chỉnh hợp đồng. Theo các công ty xây dựng, việc giá thép tăng sẽ khiến các công trình đội vốn và người mua nhà sẽ là người chịu thiệt cuối cùng vì giá bán bất động sản sẽ phải cao hơn.
Mới đây, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng đề nghị Bộ Công Thương xem xét lại cách thức áp dụng biện pháp bảo vệ doanh nghiệp trong nước theo cách hiệu quả hơn. Theo lập luận của các doanh nghiệp này, việc áp thuế áp cao dẫn đến chi phí nguyên liệu đầu vào tăng theo sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, và người bị thiệt hại cuối cùng là người tiêu dùng Việt Nam
Bên cạnh đó, lý do “chưa hợp lý”, thậm chí “lợi bất cập hại” là do lượng phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới gần 70% là nguyên nhân chính ảnh hưởng tới thị trường trong nước, do đó, việc áp dụng một mức thuế chung với tất cả các nước khác sẽ khiến các doanh nghiệp không nhập khẩu từ Trung Quốc cũng như các nhà xuất khẩu chân chính sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Đồng thời, khi áp dụng các biện pháp tự vệ cần phải tính đến hệ quả trong vấn đề bồi thường giữa các bên có liên quan. Trong Hiệp định tự vệ, khi một nước áp thuế tự vệ lên một mặt hàng thì cần phải tham vấn với các bên bị ảnh hưởng, từ đó đưa ra các biện pháp bù đắp như cắt giảm thuế nhập khẩu cho mặt hàng khác. Khi không thương lượng được rất có thể nước “chủ nhà” sẽ bị các nước áp dụng biện pháp “trả đũa” lên các mặt hàng khác.
Một số cho rằng, biện pháp tự vệ trên nguyên liệu nhập chưa giải quyết được căn nguyên vấn đề là tìm ra tác nhân trực tiếp gây tổn hại cho ngành sản xuất trong nước. Thay vào đó, các doanh nghiệp cho rằng, nên áp dụng biện pháp áp thuế tự vệ trên thành phẩm vì thành phẩm có thể chiếm thị trường. Các nước trên thế giới đều áp dụng thuế tự vệ trên thành phẩm vì năng lực cạnh tranh sẽ giảm nếu nguồn nguyên liệu nhập giá cao.
Nguyễn Thanh Nga(Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thương mại)
Bình luận