Cà chua là một trong những thực phẩm có tần suất sử dụng cao nhất trong chế biến món ăn. Nó được dùng trong cả món sống lẫn những món chế biến kỹ, có mặt cả trong các loại salad, sinh tố, các món xào lẫn món nướng, hầm.
Mặc dù cà chua được bán và sử dụng trong hầu hết trường hợp đều là những quả chín, nhưng đôi khi chúng ta vẫn có sẵn những quả còn xanh. Vì thế nhiều người băn khoăn liệu cà chua xanh có ăn được không, nếu ăn thì có hại sức khỏe hay không.
Cà chua xanh có ăn được không?
Theo báo Sức khỏe và Đời sống, BS Nguyễn Đình Thục, Hội Đông y Việt Nam, cho biết đã có nhiều nghiên cứu chứng minh cà chua xanh có hàm lượng cao chất chống ôxy hóa, giúp khắc phục các tổn thương sưng viêm, tái tạo mô, giảm collagen gây xơ hóa, sẹo xấu, làm phẳng da...
Cà chua xanh chứa axit acetylsalicylic có tác dụng chống đông máu, vì thế có thể được sử dụng như một liệu pháp thay thế điều trị giãn tĩnh mạch. Sự hiện diện của vitamin A và flavonoid trong cà chua xanh giúp chống lại tác động của các gốc tự do. Vitamin A, vitamin C giúp tăng cường các kháng thể, chống lại các tế bào có hại. Vitamin K hỗ trợ ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư. Vitamin B6 hỗ trợ tăng cường khả năng miễn dịch và ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn trong cơ thể.
Cà chua xanh không có cholesterol nhưng chứa 0,028 gam axit béo bão hòa, 0,030 gam axit béo không bão hòa đơn và 0,081 gam axit béo không bão hòa đa. 100 gram cà chua xanh cung cấp 1,20 gram protein hoạt động như một chất kết dính cholesterol trong máu...
Mặc dù cà chua xanh có nhiều lợi ích, BS Nguyễn Đình Thục cho rằng cần hết sức lưu ý về cách sử dụng bởi nó chứa nhiều alkaloid, có thể gây ngộ độc nếu dùng quá nhiều. Các triệu chứng ngộ độc cà chua xanh bao gồm mệt mỏi, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, viêm dạ dày...
Trong quá trình chín của cà chua, lượng alkaloid giảm dần và sẽ hết khi quả chín đỏ. Vì vậy, nếu dùng cà chua xanh, bạn không nên dùng nhiều.
Giá trị dinh dưỡng của cà chua
Trong 100gr cà chua chín có 2,6mg đường, 12mg canxi, 275mg kali, 1,4mg sắt, 0,4mg carotene, một số vitamin B1, B2, C, P và các axit hữu cơ.
Màu đỏ của cà chua khi chín cũng cho thấy hàm lượng carotene (khi vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A) rất cao. Trung bình một quả cà chua chín tươi sẽ cung cấp phần lớn lượng vitamin và muối vô cơ cần thiết cho cơ thể.
Các axit hữu cơ trong cà chua có tác dụng bảo vệ lượng vitamin ít bị phân hủy trong quá trình đun nấu.
Một số nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh cà chua các có tác dụng sau:
- Giảm huyết áp, giảm lượng cholesterol trong máu, từ đó góp phần ngăn chặn tình trạng xơ vữa động mạch và giảm nguy cơ đột quỵ.
- Kích thích tiết nước bọt giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
- Giảm mệt mỏi khi thời tiết nóng bức: Nếu người có cảm giác háo nước, việc ăn canh cà chua sẽ giúp lấy lại sự khoan khoái, dễ chịu, giúp ăn ngon miệng hơn.
- Giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư tiền liệt tuyến. Cà chua có nhiều lycopene, chất có tác dụng chống oxy hóa rất quan trọng, ngăn ngừa sự phát triển một số tế bào có xu hướng ung thư hóa. Một nghiên cứu cho thấy nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở những người đàn ông ăn hơn 10 quả cà chua mỗi tuần giảm đến 45%.
- Tăng cường sức khỏe sinh sản cho nam giới: Việc ăn cà chua thường xuyên cũng có thể cải thiện số lượng và sức sống của tinh trùng. Nam giới nên ăn cà chua thường xuyên và nên nấu chín, vì chất lycopene trong cà chua sẽ được cơ thể hấp thụ dễ dàng hơn sau khi được đun nóng với dầu.
Bình luận