• Zalo

Cỏ mần trầu có tác dụng gì với sức khoẻ?

Tư vấnThứ Hai, 12/08/2024 11:11:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Cỏ mần trầu là loại thảo dược quen thuộc trong dân gian, vậy cỏ mần trầu có tác dụng gì với sức khoẻ?

Cỏ mần trầu là gì?

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, cỏ mần trầu là loại cỏ dại được tìm thấy rất nhiều tại Việt Nam. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy loại cỏ này trong vườn nhà, ngoài đồng, vệ đường hay bất cứ đâu có đất hoang. Chúng thường được dùng làm thức ăn cho gia súc. Loại cỏ này có khả năng mọc lan rất tốt và lấn át các loại cỏ dại khác.

Cỏ mần trầu còn tên gọi khác là Ngưu cân thảo, thanh tâm thảo, chì tía, cỏ bắc. Chúng thuộc họ lúa, rễ nông, thường mọc thành cụm, thân thảo, xum xuê. Lá xanh dài khoảng cao 30 - 50cm, mọc so le, hình dài dài và nhọn, có lông. Hoa mọc thành bông cần giống như bông lúa. Cây ưa ẩm và có khả năng chịu nóng tốt.

Cỏ mần trầu có tác dụng gì với sức khoẻ?

Bài viết của BS. Phó Thuần Hương trên Báo Sức khoẻ & Đời sống cho biết, một số kinh nghiệm dùng cỏ mần trầu như sau:

Hải Thượng Lãn Ông dùng cỏ mần trầu 40g, sắc với ích mẫu 40g, uống chữa viêm tinh hoàn (Bách gia trân tàng).

Theo Hội Y học Dân tộc Thanh Hóa: mần trầu vị nhạt, tính mát, thanh nhiệt, làm ra mồ hôi, mát gan, lợi tiểu, chữa cảm mạo mồ hôi không ra được. Liều 20 - 40g.

Chữa sỏi tiết niệu (lương y Lê Mậu Biền cống hiến): cỏ mần trầu 40g, bông mã đề 20g, mộc thông 8g, chi tử 8g, lá tre 20 lá, cam thảo 8g, cù mạch 8g, hương phụ chế 12h, sinh địa 16g. Nếu đái ra máu thì thêm 20g rễ cỏ tranh, đái buốt thêm hoạt thạch 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, uống một đợt 10 thang.

Cỏ mần trầu là thảo dược tốt cho sức khoẻ

Cỏ mần trầu là thảo dược tốt cho sức khoẻ

Kinh nghiệm đồng bào Chăm. Người Chăm gọi cỏ mần trầu là sơ chài. Dùng để thanh nhiệt, lương huyết, giải độc, mát gan, chữa ho khan, sốt âm ỉ về chiều, lao lực, mệt nhọc. Dùng dạng nước sắc 16 - 20g.

Đồng bào dân tộc Dao ở Hà Giang dùng bài thuốc có cỏ mần trầu sau đây để chữa bệnh tóc bạc rất hiệu nghiệm:

Thuốc uống: cỏ mần trầu 10g, rễ khúc khắc 25g, vỏ thân cây ngũ ga bì 15g, vỏ thân đỗ trọng 15g, rễ cam thảo 5g, cả cây nhân trần 5g. Về mùa đông, thêm 2g gừng nóng. Tất cả phơi khô, thái nhỏ, sắc uống trong một ngày, sau bữa ăn chính khoảng 15 phút. Kiêng chất tanh, chất kích thích, rau muống, cà chua. Phụ nữ có thai hoặc đang có kinh không được dùng.

Thuốc dùng ngoài: cả cây cỏ mần trầu 200g, bồ kết 3 quả, cỏ mần trầu thái nhỏ nấu với hai lít nước đến sôi. Để âm ỉ lửa nhỏ trong 5 phút, chắt lấy nước trong, để vừa ấm gội đầu, nên ngâm tóc trong nước càng tốt. Sau đó, tráng lại bằng nước lã.

Những điều cần lưu ý về sử dụng cỏ mần trầu

Tất cả những bài thuốc kể trên đều là bài thuốc dân gian truyền khẩu. Trên thực tế đã có những cơ sở y học cổ truyền nghiên cứu và đưa cỏ mần trầu vào trong bài thuốc y học chữa bệnh. Còn trong cuộc sống thường ngày, việc sử dụng cỏ mần trầu làm thuốc cần đặc biệt lưu ý những vấn đề sau đây:

- Cỏ mần trầu mọc thấp và mọc dại ở khu đất hoang nên rất nhiều bụi bẩn bám vào. Trước khi sử dụng cần đặc biệt lưu ý việc làm sạch cỏ.

- Với một số bệnh nhân có bệnh lý nền, việc sử dụng cỏ mần trầu hay các loại thảo dược khác cần hỏi ý kiến của bác sĩ.

- Thận trọng khi dùng cho trẻ nhỏ và những người có cơ địa nhạy cảm.

- Nên sử dụng cỏ mần trầu hay các loại thảo dược khác trong thời gian dài, ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng bên trong.

Lưu ý: Mặc dù được nghiên cứu là có nhiều tác dụng trong hỗ trợ điều trị một số bệnh thông thường nhưng việc sử dụng loại thảo dược này cần hết sức thận trọng. Không nên lạm dụng thảo dược để uống hàng ngày. Việc sử thảo dược tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Thanh Thanh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn