Thời gian qua, thông tin nhau thai người có thể sử dụng làm thuốc chữa bệnh thu thút sự chú ý của dư luận. Trên mạng xã hội nhiều người đồn thổi rằng, việc mua bán nhau thai người, nhau thai khô để làm thuốc và bồi bổ vẫn âm thầm diễn ra trên thị trường đen. Thậm chí không ít người còn ngờ vực rằng một số khoa sản của bệnh viện là mắt xích đưa nhau thai ra ngoài bán làm thuốc chữa bệnh.
Dù đó là thông tin đồn thổi, chưa được kiểm chứng, nhưng qua ngòi bút của các "anh hùng bàn phím", câu chuyện về buôn bán nhau thai khiến nhiều người bức xúc.
Để trả lời câu hỏi có hay không việc đưa nhau thai ra ngoài sử dụng làm thuốc chữa bệnh và làm rõ quy trình xử lý nhau thai bà đẻ, chiều 12/11, phóng viên VTC News có mặt tại nơi xử lý nhau thai sản phụ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ Xa Thị Minh Hoa - Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm Khuẩn cho biết, khoảng năm 2007 - 2008, khi có những thông tin lan truyền về việc chữa bệnh bằng nhau thai, buôn bán chui nhau thai người, Sở Y tế Hà Nội và Bộ Y tế có văn bản cảnh báo, chỉ đạo siết chặt vấn đề xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.
"Vì vậy hầu như không có hiện tượng người nhà bệnh nhân hay sản phụ xin nhau thai về sử dụng", bác sĩ Hoa nói.
Theo bác sĩ Hoa, nếu cơ sở y tế nào để xảy ra tình trạng trên thì đó chính là một lỗ hổng lớn, nghiêm trọng về quản lý. Bởi việc xử lý nhau thai sản phụ sau khi sinh phải được giám sát thường xuyên theo đúng quy trình bảo quản và xử lý chất thải tại bệnh viện.
Bộ Y tế quy định nhau thai người phải được xử lý chặt chẽ như là chất thải trong nhóm chất thải y tế lây nhiễm, cần đưa đi tiêu hủy. Về nguyên tắc, ai cũng có nguy cơ bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc không an toàn với nhau thai sản phụ. Là người cán bộ y tế, ai cũng phải nắm rõ được điều này, nhất là đối với người trực tiếp làm công việc xử lý chất thải có khả năng lây nhiễm này.
Việc xử lý chất nhau thai sản phụ tại tất cả các bệnh viện phải thực hiện theo đúng thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên Môi trường ban hành năm 2015 nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.
Trong đó, thông tư có quy định nhóm chất thải lây nhiễm nguy hại gồm: Nhau thai, bào thai, cơ quan như u nang buồng trứng, u nang cổ tử cung… Bởi vậy, tại bệnh viện nhau thai càng phải được quản lý nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn rất nhiều so với các chất thải y tế khác.
Nhau thai sau khi được lấy ra trong quá trình đỡ đẻ sẽ được cho vào 2 lần túi màu vàng, mỗi túi đều ghi rõ tên khoa, ngày thu gom, tên cán bộ thu gom rồi tiếp tục vào thùng lạnh bảo quản ở nhiệt độ dưới 8 độ C. Đặc biệt, mỗi thùng lạnh đều được kiểm tra thường xuyên và khóa cẩn thận.
Hiện mỗi ngày, mỗi khoa của bệnh viện sẽ vận chuyển nhau thai khoảng từ 1 đến 2 lần xuống nhà quản lý chất thải rắn, tùy theo lượng.
"Trung bình một ngày bệnh viện có khoảng 120 - 130 ca sinh đẻ, ngày nhiều có thể tới 170 ca, tương đương với 170 nhau thai. Trọng lượng của mỗi nhau thai khoảng 500g. Như vậy, một ngày trung bình sẽ có khoảng 60 - 80kg nhau thai phải đưa đi xử lý”, bác sĩ Hoa thông tin.
Theo bác sĩ Hoa, sau quá trình bảo quản, hết giờ làm việc, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ bàn giao lại cho tổ bảo vệ. Tổ bảo vệ có trách nhiệm bàn giao nhau thai cho công ty môi trường đô thị để mang đi tiêu huỷ. Lúc này, người chuyên trách kiểm tra số lượng lần nữa rồi mới ký nhận bàn giao.
Ngày hôm sau, công ty nhận số chất thải đi tiêu huỷ đó phải có văn bản, giấy tờ ghi nhận đã tiêu huỷ số lượng rác thải y tế. Tất cả các công ty này đều có tư cách pháp nhân và được cấp phép đúng theo pháp luật.
"Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nhau thai sẽ được phân loại, thu gom ngay tại nơi phát sinh, sau đó vận chuyển xử lý ngay trong ngày và được giám sát đúng theo quy trình nghiêm ngặt của Bộ Y tế", bác sĩ Hoa nói.
"Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa phát hiện ra lỗ hổng sai sót nào trong khâu quản lý và xử lý chất thải y tế này”, bác sĩ Hoa nhấn mạnh.
Video: Thuốc Philatop người Việt từng dùng cũng làm từ nhau thai
Bình luận