Ngồi giữa sân dùng "ké" internet hàng xóm để dạy trực tuyến
Lương Diệp, 47 tuổi, là giáo viên dạy toán lớp 4 tại một trường tiểu học ở huyện Tu Vũ, Tiêu Tác, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Kỳ nghỉ đông vừa rồi, Diệp về quê ăn tết cùng gia đình và đến ngày 3/2, cô nhận được thông báo trường triển khai dạy trực tuyến. Điều này khiến cô lo lắng vì ở quê nhà cô không kết nối Internet, vậy làm sao để dạy học sinh?
May mắn là nhà hàng xóm có lắp mạng, nhưng vì tình hình dịch Covid-19 đang ngày càng trầm trọng nên Diệp không muốn qua nhà làm phiền hàng xóm. Cô chọn cách ra ngồi ngoài sân, bắt nhờ sóng Internet của nhà bên.
Kê một chiếc bàn nhỏ, đặt máy tính xách tay lên đó, ngồi ở sân sau của nhà, 15 ngày liên tục, ngày nào Lương Diệp cũng làm như vậy để dạy trực tuyến cho học sinh.
Ngoài bài giảng, Diệp còn phải kiểm tra bài tập về nhà của học sinh, nên ngày nào cô cũng phải ngồi làm việc giữa tiết trời giá lạnh suốt 7-8 tiếng đồng hồ.
Nhiều đồng nghiệp đã thắc mắc tại sao Diệp có thể chịu được thời tiết giá lạnh trong nhiều giờ như thế. Để Diệp tập trung công việc, chồng cô giúp cô làm mọi việc trong nhà. “Gia đình tôi hiếm khi được đoàn tụ nhưng vì công việc nên tôi phải làm như thế này. May mắn là cả nhà đều hiểu và ủng hộ”, Diệp nói.
Trèo lên mái nhà dạy học online
Trần Lộ, một giáo viên ở Phúc Điền, Thâm Quyến, Trung Quốc bị mắc kẹt lại Hồ Bắc vì dịch Covid-19. Để có thể dạy trực tuyến cho học sinh, Trần Lộ phải tìm đủ mọi cách để có đủ tín hiệu Internet.
Mấy ngày đầu, Trần Lộ lên núi để mong sóng Internet tốt hơn, phục vụ cho bài giảng. Nửa ngày ngồi trên núi, gió lạnh buốt, ghế là cành cây khô, tay cầm điện thoại chăm chú giảng bài cho học sinh.
Vài ngày sau, cô giáo Lộ chuyển địa điểm dạy. Cô trèo lên mái nhà vì trên đó bắt sóng tốt hơn.
Để lên được mái nhà dạy online mỗi ngày quả không dễ dàng với cô Lộ. Cô phải leo thang gỗ lên tầng áp mái, rồi bò qua một cái lỗ nhỏ để lên tới mái.
Cô Lộ cho biết, sau vài ngày, công việc dạy online của cô đã đi vào ổn định. Học sinh biết cô phải leo lên tận mái nhà, ngồi trong tiết trời giá lạnh giảng bài, nên các em rất hợp tác, còn phụ huynh thì rất xúc động vì nỗ lực của cô giáo.
Bình luận