“Học sinh gọi tôi là 'cô Tin'. Các em rất hào hứng với bộ môn này. Hôm nào tôi thông báo nghỉ học hoặc chưa vào lớp, các em lại hỏi: “Cô Tin hôm nay không dạy ạ?”, “Hôm nay không được học môn của cô Tin ạ?...”, cô Hoàng Thị Thuỷ (SN 1991) chia sẻ.
Năm học 2022 – 2023, khi Tin học trở thành môn bắt buộc với học sinh lớp 3 cũng là lúc cô Thuỷ bắt đầu hành trình trèo đèo, vượt qua những con dốc, đoạn đường ngoằn ngoèo, mạng công nghệ thông tin tới học sinh ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa.
Sinh ra trong gia đình bố làm giáo viên, cô Thuỷ luôn được mọi người định hướng theo ngành y hoặc sư phạm Văn. Dù có năng khiếu môn Văn nhưng tình yêu công nghệ thông tin đã đưa cô gái trẻ rẽ hướng. Năm 2012, nữ sinh người dân tộc Tày theo học ngành Công nghệ thông tin tại Đại học Công nghiệp Hà Nội. Sau 4 năm, Thuỷ tốt nghiệp và xin vào làm việc tại một công ty ở Hà Nội.
Thời gian này, hình ảnh quê hương với những đứa trẻ mùa đông mặc không đủ ấm, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn thậm chí phải đi bộ cả chục kilomet để đến trường luôn trở về trong suy nghĩ của cô. Năm 2017, Thuỷ quyết định rời Hà Nội về xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu), mang theo hy vọng đóng góp phần công sức nhỏ bé cho quê hương. “Trước khi về Hoành Mô, tôi đã học một khoá nghiệp vụ sư phạm”, cô Thuỷ nói.
Năm 2019, cô Thuỷ tham gia thi tuyển viên chức và được giao nhiệm vụ giảng dạy môn Tin học tại trường Tiểu học Hoành Mô vào đầu năm 2020.
Để thuận tiện việc giảng dạy, cô Thuỷ được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu trang bị cho 7 máy tính xách tay. Năm học 2022-2023, những chiếc máy tính ấy theo cô trên suốt hành trình mang công nghệ thông tin tới các điểm trường để học sinh nào cũng có cơ hội thực hành.
“Với những điểm đông học sinh và đường đi thuận lợi, tôi thường chuẩn bị các miếng lót, rồi đặt máy tính xách tay trong thùng. Với điểm trường xa như Cao Sơn, Loòng Vài, đường đi khó, ít học sinh, tôi sử dụng 2 ba lô đựng 3 chiếc máy tính để bảo quản trên suốt chặng đường đi”, cô Thuỷ tâm sự.
Hơn 2 tháng miệt mài mang công nghệ thông tin tới các điểm trường, cô chia sẻ buổi đi dạy đầu tiên ở điểm trường Cao Sơn luôn là kỷ niệm không bao giờ quên.
Lần đầu vượt qua quãng đường hơn 10km để đến điểm trường Cao Sơn cũng là điểm trường xa nhất, cô Thuỷ dậy từ sớm. Đường đi dốc, một bên là vực, một bên là núi rừng, suốt chặng đường gần như chỉ mỗi cô. Để át đi nỗi lo lắng, cô vừa đi vừa hát.
“Xe máy cũng không thể đi vào tới điểm trường, tôi phải gửi xe, đi bộ khoảng 15 - 20 phút, mang theo 3 chiếc máy tính. Ngày mưa đường lầy lộn, trơn trượt càng khó đi hơn. Trong cốp xe của tôi lúc nào cũng “thủ” sẵn bộ quần áo và đôi ủng”, cô Thuỷ chia sẻ.
Với nhiều học sinh ở trường chính, máy tính quen thuộc với các em nhưng ở các điểm trường, nơi miếng ăn, cái mặc còn thiếu thốn, nơi học sinh phải địu em lên lớp học cùng thì máy tính là thứ gì đó rất xa lạ.
“Đây là tivi”, câu nói của học sinh trong buổi học đầu tiên vẫn ở trong ký ức nữ giáo viên 9x tới giờ.
“Khi tôi hỏi về môn Tin học, các em đều lắc đầu. Lần đầu nhìn thấy máy tính, có em nói không biết, có em bảo là tivi. Các bộ phận của máy tính, cách cầm chuột... tôi phải dành nhiều thời gian hơn giảng dạy, hướng dẫn các em. Được sử dụng máy tính, xem những đoạn video thú vị, các em ai cũng hào hứng”, nữ giáo viên kể.
Số lượng máy tính hạn chế, học sinh chỉ được tiếp xúc và thực hành máy tính trong giờ học nhưng sau hơn 2 tháng, với sự cần mẫn của cô Tin, các em đã thuần thục từng động tác.
“Tôi chưa bao giờ có ý định từ bỏ công việc mình đang làm”, nữ giáo viên người Tày khẳng định.
Có những ngày vượt quãng đường gần 1 tiếng đồng hồ để vào điểm trường Cao Sơn dạy tiết 3, cô Thuỷ lại tất bật chạy xe máy quay về điểm trường Loòng Vài cách đấy chừng 4-5 km, đường đi khó, dốc cao. Kết thúc tiết dạy, cô Thuỷ trở về nhà nghỉ ngơi rồi lại chuẩn bị giáo án, máy tính để buổi chiều đi dạy ở điểm trường khác.
“Vất vả là thế nhưng tôi rất thích đi dạy ở điểm trường lẻ. Sự háo hức, niềm vui của học sinh chính là động lực để tôi tiếp tục chặng đường mang công nghệ thông tin tới vùng sâu, vùng xa”, cô Thuỷ chia sẻ và mong ở mỗi điểm trường sẽ có phòng học bộ môn Tin học để học sinh nhiều cơ hội thực hành máy tính hơn.
Bình luận