Mặt trời khuất núi, anh Bàn Đức Dong (47 tuổi, thôn Gia Khâu, xã Hồ Thầu) giục vợ dọn bữa cơm tối để kịp giờ lên lớp xóa mù. Từ ngày theo học lớp của cô Bùi Thị Thuyên (trường PTDTBT xã Hồ Thầu), anh Dong từ bỏ thói quen uống rượu. Đã 47 tuổi nhưng một chữ bẻ đôi không biết, anh Dong thấy ngượng nghịu khi con gái nhờ bố chỉ bài tập. “Không được, phải đi học lấy con chữ thôi”, anh Dong quyết tâm.
Thế là anh rủ thêm hàng xóm, người này rủ người kia đi học lớp xóa mù tại trường PTDTBT xã Hồ Thầu. Ở lớp đó các bố, mẹ ngoài 50, 60 tuổi cũng đi học.
Lớp học xóa mù chữ của U50, U60
Để đến lớp, anh và bạn học phải qua quả đồi quanh co, dài chừng vài kilomet. Những ngày đầu đông, gió lùa qua khe cửa, trong ánh đèn le lói, những học sinh U50, 60 ngồi im như tờ. Thi thoảng, không hiểu bài, anh Dong đứng lên hỏi cô giáo bằng vốn từ phổ thông ngọng nghịu. Cả lớp lại được phen cười ồ.
Trên bục giảng, cô giáo Bùi Thị Thuyên nở nụ cười hiền. Cô đi xuống lớp, tận tình chỉ dạy anh Dong những chỗ anh chưa hiểu. Nhờ vậy anh Dong tiến bộ rất nhanh. Chỉ sau một tuần theo học lớp xóa mù, anh đã có thể viết được tên mình và làm những phép tính đơn giản.
Từ ngày biết được con chữ, cuộc sống của anh Dong và nhiều người thay đổi. Anh xem được tivi, đọc được sách báo. Nhờ đó, anh có kiến thức để trồng trọt, chăn nuôi.
"Gia đình tôi biết ơn cô giáo Thuyên và lớp học xóa mù chữ lắm. Cả 3 thế hệ nhà tôi gồm bố mẹ tôi, tôi và vợ, con cái đều là học trò của cô giáo Thuyên", anh nói.
Không chỉ riêng gia đình anh Dong, nhiều người dân xã Hồ Thầu đều được dạy con chữ, học phép tính khi theo học lớp xóa mù chữ của cô giáo Thuyên.
Người Dao rất tôn trọng người thầy, đôi khi ở nhà bố mẹ nói không nghe nhưng thầy nói lại nghe răm rắp. Người xã Hồ Thầu thân mật gọi cô Thuyên là cô giáo của bản làng.
Ban ngày, cô Thuyên công tác tại trường, dạy học sinh lớp 1 đến lớp 5. Buổi tối cô lại vội vàng "cõng chữ" lên những lớp học xóa mù, dạy học sinh U50, U60. Công việc này, cô Thuyên duy trì gần 20 năm.
Nhờ sự tích cực và tâm huyết của cô Thuyên, hàng chục lớp xóa mù tại các thôn bản được dựng lên, giúp người nơi đây biết con chữ, biết đọc, biết tính toán. Con chữ của cô giáo Thuyên thắp sáng vùng đồi núi còn nhiều khó khăn, thay đổi số phận nhiều con người.
Không chỉ dạy con chữ, cô Thuyên còn chịu khó lên mạng, tìm thông tin về kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, xen kẽ những buổi học xóa mù, cô Thuyên cũng phụ đạo người dân biết về cách canh tác, làm kinh tế hiệu quả.
“Thời điểm mới về đây nhận công tác, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên không quan tâm nhiều đến việc học của con cái. Bên cạnh đó cũng có tỷ lệ lớn người dân không biết chữ. Vì vậy tôi đề xuất mở những lớp học xóa mù”, cô Thuyên chia sẻ.
Cô Thuyên cho biết vất vả nhất là những ngày đông đi dạy học trong thời tiết lạnh, mưa tầm tã, con đường xuống lớp bánh xe ngập quá nửa trong bùn. Thời điểm trước năm 2010, xã Hồ Thầu chưa có điện, cô và các đồng nghiệp phải đốt đuốc đi trong đêm tối đến những lớp xóa mù. Biết ơn sự khó nhọc của thầy cô nên học sinh trong lớp học rất chăm ngoan.
Thi thoảng cô Thuyên lại nhận được những món quà là mấy ổ trứng gà, bộ quần áo thổ cẩm, con gà, con vịt…do các học trò U50, 60 tặng. “Tuy vất vả nhưng việc dạy lớp xóa mù rất vui. Học sinh chăm học là món quà lớn nhất của tôi”, cô Thuyên cười.
Giáo viên tiêu biểu 2020
Năm 2002, sau khi ra tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên, cô Thuyên nhận nhiệm vụ giảng dạy tại điểm trường Sử Thàng thuộc trường Phổ thông cơ sở xã Hồ Thầu.
Thời điểm đó để đi từ trung tâm xã đến bản mất 2 giờ đồng hồ. Xe máy, ô tô không thể vào được điểm trường chỉ có cách duy nhất là đi bộ.
Đường lên bản quanh co, dốc thẳng đứng. Đứng giữa lưng chừng núi xung quanh không một bóng người, cô Thuyên tủi thân, nhớ nhà và khóc to.
Tại điểm trường, điện nước đều không có. Trong gian nhà nứa được trường dựng tạm cho giáo viên ăn ở, cô Thuyên phải chắt chiu từng giọt đèn dầu, xuống suối để gánh từng thùng nước. Vất vả, khó khăn là vậy nhưng chỉ cần nghe được tiếng chào vọng chào cô giáo của học sinh là cô thấy mọi mệt mỏi đều tan biến.
Những ngày đầu nhận công tác, cô Thuyên xót lòng nhìn thấy những đứa trẻ người Dao 7-8 tuổi nhưng không biết đọc, biết viết. Trẻ em nơi đây lớn lên hoang dã như bông hoa rừng, cứ đầu trần, chân đất đi phăm phăm trong gió rét tới trường.
Cô đến từng nóc nhà vận động phụ huynh cho con đi học. Gia đình nào khó khăn quá, cô tổ chức quyên góp tiền gạo, trích lương giáo viên ủng hộ học sinh đến trường. Có lần một phụ huynh hỏi: "Chúng tôi già rồi thì có được đi học hay không?", cô Thuyên liền nảy ra ý tưởng mở các lớp phụ đạo, lớp xóa mù tại các thôn bản.
Ngoài thời gian giảng dạy tại trường, cô Thuyên thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm của đồng nghiệp ở nhiều vùng miền khác nhau. Nhờ những cố gắng không biết mệt mỏi suốt 18 năm mà các lớp học do cô chủ nhiệm đều đạt tỷ lệ chuyên cần trên 98%.
Bản thân cô cũng nhận được nhiều danh hiệu cao quý, 8 năm liền cô đạt chiến sỹ thi đua cơ sở, 10 năm liền đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Trên hết, món quà lớn nhất đối với cô Thuyên đó chính là tình cảm và sự biết ơn của học sinh.
“Tôi không hy vọng có thể giúp các em thành đạt, giàu có. Tôi chỉ mong con chữ của mình có thể góp một phần nhỏ bé nào đấy thay đổi cuộc sống của các em. Đằng sau mỗi con chữ là số phận của cả một con người. Đó là tinh thần giáo dục mà tôi luôn theo đổi”, cô Thuyên chia sẻ.
Năm 2020, Cô Bùi Thị Thuyên vinh dự là một trong những giáo viên tiêu biểu được chọn dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 10. Đây là phần thưởng xứng đáng ghi nhận công sức, nỗ lực của cô trong suốt 18 năm là cô giáo cắm bản.
Bình luận