(VTC News)- Chuyên gia giáo dục cho rằng nếu hành động quỳ lạy CSGT khi vi phạm của cô gái trẻ được các bậc phụ huynh biết, hẳn họ sẽ rất tủi hổ, đau lòng.
Cuối tuần qua, một đoạn clip ghi lại cảnh một cô gái trẻ, được cho là vi phạm giao thông đã quỳ lạy cảnh sát giao thông khiến dân mạng tranh luận gay gắt. Cô gái này liên tục quỳ lạy người cảnh sát giao thông và van xin "Chú ơi, chú ơi tha cho con".
Đáng chú ý, cô gái không chỉ quỳ lạy một lần. Tuy nhiên, đáp trả lại những lời van xin của cô gái, người cảnh sát giao thông vẫn kiên quyết trong cách xử lý.
Ngay sau khi clip xuất hiện trên mạng xã hội Youtube, dân mạng đã tranh luận gay gắt về cách bạn trẻ đối diện với những sai phạm trong khi tham gia giao thông, cũng như cách ứng xử đối với người thi hành công vụ.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng hành động quỳ lạy CSGT của cô gái trẻ là ứng xử phi văn hóa |
“Cô gái quỳ lạy cảnh sát giao thông khi vi phạm là một hành vi ứng xử phi văn hóa”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định.
Theo vị chuyên gia này, mọi người chỉ thường cúi lạy trước ông bà, tổ tiên, trước những vị thần, vị thánh…trong các hành vi tôn giáo. Thậm chí, ngay cả những vị phụ huynh cũng không bao giờ bắt con cái của mình phải quỳ lạy.
Các bậc phụ huynh chắc hẳn sẽ rất đau đớn và tủi hổ khi thấy hành động của cô con gái của mình trước vị cảnh sát giao thông sau khi vi phạm.
Hành động của cô gái trẻ quỳ lạy CSGT trong clip:
|
Bình luận về hành động quỳ lạy của cô gái trẻ trong clip, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận định rằng: “Ngay cả bản thân cô gái này cũng không hiểu mình đang làm gì cả. Thậm chí, bạn gái này cũng không hề có chút gì tự trọng khi mắc lỗi vi phạm luật giao thông”.
Hành động quỳ lạy CSGT của cô gái trẻ khiến dân mạng tranh luận gay gắt |
“Làm sao mà phải lạy? Bạn đó có bình thường về mặt tâm lý không?”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái tỏ ra bức xúc và không thể hiểu được hành động của cô gái trong clip.
Mở rộng vấn đề, PGS Thái cho rằng thông qua hành động của cô gái còn thể hiện sự tự ti về bản thân: “Đây là cách hành xử rất tự tin về bản thân và các bạn trẻ không nên bắt chước. Trong trường hợp này, cô gái không hiểu biết về luật lại không tôn trọng chính bản thân mình”.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, khi đi trên đường hàng ngày, bà cũng thường xuyên bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ đứng xin xỏ cảnh sát giao thông sau khi vi phạm.
“Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ thấy ai quỳ lạy cảnh sát giao thông cả”, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định.
Đánh giá về hành động van xin của cô gái, vị giảng viên này cũng chỉ ra thực tế ở Việt Nam hay gặp các tình huống “xin được thông cảm” khi mắc các sai phạm về pháp luật. Điều này ảnh hưởng nhiều từ cơ chế “xin – cho”.
Ở nước ngoài người phạt không muốn có ai đó xin xỏ vì họ làm việc rất minh bạch. Bên cạnh đó, người bị phạt cũng không muốn phải xin xỏ và sẵn sàng nộp phạt theo quy định. Điều này trái ngược với cách ứng xử của nhiều người Việt.
Ở Việt Nam, trong trường hợp này cả hai bên đều cần rút kinh nghiệm.
Cảnh sát giao thông có nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông cho người đi đường và được nhà nước bảo trợ để thực thi luật pháp. Người cảnh sát giao thông cũng không thể, không có quyền ban phát cho ai điều gì. Bên cạnh đó, người phi phạm cũng không phải xin xỏ ai điều gì.
“Trong trường hợp này, người vi phạm cần phải nhận thức được lỗi của mình và nộp phạt theo đúng quy định của pháp luật”, vị chuyên gia này khẳng định.
Hành động quỳ lạy CSGT của cô gái trẻ khó có thể chấp nhận được trong mọi hoàn cảnh |
|
Vì vậy, khi tham gia giao thông cần có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh để không bao giờ bị phạt. Nếu không có tiền thì đừng bao giờ vi phạm giao thông.
Thậm chí, vị chuyên gia này cũng cho rằng khi đã bị phạt thì việc quỳ lạy cũng không có tác dụng gì và không làm giảm bớt đi số tiền phải nộp.
“Trong trường hợp này, cô gái nhận thức về hành vi giao thông cực kỳ kém”, PGS Thái thể hiện sự bức xúc trước hành vi quỳ lạy cảnh sát giao thông của cô gái trẻ.
Trong vấn đề này, rõ ràng các nhà trường và gia đình cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Con người bao giờ cũng nằm giữa tam giác: Gia đình – nhà trường – xã hội, vì vậy hành động sai trái của cô gái trẻ cũng có trách nhiệm của nhà trường và gia đình.
Tuy nhiên, trước tiên, mỗi bạn trẻ phải có trách nhiệm phải tìm hiểu luật pháp và thực thi theo đúng những điều đã được quy định.
Để thay cho lời kết về sự việc, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định: “Các bạn trẻ không nên nhìn hành động của cô gái trẻ mà học làm theo”.
Phạm Thịnh
Bình luận