Theo quy định tại khoản 5 Điều 14 Luật Giao thông đường bộ, những trường hợp lái xe không được vượt xe khác gồm:
Có chướng ngại vật phía trước, có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước có tín hiệu vượt xe khác; Trên cầu hẹp có một làn xe; Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế; Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt; Xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.
Theo đó, lái xe không được vượt xe trên cầu hẹp có một làn xe.
Còn đối với những cầu có từ hai làn xe trở lên và đảm bảo nguyên tắc an toàn khi vượt thì người điều khiển phương tiện được quyền vượt xe khác.
Những điều kiện cần thiết khi vượt xe
Vượt xe là tình huống giao thông mà xe đi sau vượt xe đi trước; khi vượt, các xe phải vượt về bên trái (trừ các trường hợp được vượt phải) và đảm bảo có báo hiệu bằng đèn hoặc còi. Trong đô thị và khu đông dân cư từ 22h - 5h chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.
Tài xế chỉ được vượt xe khác khi không có chướng ngại vật phía trước; Không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.
Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.
Trong trường hợp người điều khiển phương tiện vượt xe trên cầu hẹp có một làn xe thì sẽ bị xử phạt như sau:
Xe ô tô: Từ 3 - 5 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng (điểm d khoản 5, điểm b khoản 11 Điều 5)
Xe máy: Từ 600.000 đồng - 1 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng (điểm c khoản 4, điểm a khoản 10 Điều 6)
Bình luận