Theo Wall Street Journal, tại Đại hội cổ đông kéo dài 3 giờ hôm 25/6, các cổ đông Toshiba bỏ phiếu phế truất Chủ tịch Osamu Nagayama, 74 tuổi. Đến đêm, Toshiba bổ nhiệm CEO Satoshi Tsunakawa làm chủ tịch tạm quyền và cho biết sẽ cân nhắc các ứng cử viên cả trong và ngoài công ty để thay thế ông Nagayama.
Đồng thời, ba người nước ngoài được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng trong tập đoàn Nhật Bản. Ông Paul Brough, cựu giám đốc KPMG Hong Kong, đảm nhận vị trí đứng đầu ủy ban giám sát trong HĐQT. Nhà tài phiệt Singapore G. Raymond Zage III lãnh đạo ủy ban đề cử trong khi doanh nhân Mỹ Jerry Black nắm quyền tại ủy ban lương thưởng.
Trong nhiều năm qua, HĐQT Toshiba bao gồm toàn doanh nhân Nhật Bản kỳ cựu. Các tập đoàn Nhật Bản luôn coi việc cổ đông nước ngoài tác động đến quản trị là hành vi can thiệp vô lối. Một cuộc điều tra hồi năm ngoái cho thấy các lãnh đạo Toshiba hợp tác với chính phủ Nhật Bản để gây sức ép lên các nhà đầu muốn cải tổ hệ thống quản trị của công ty.
Các nhà điều tra phát hiện một giám đốc Toshiba viết trong email rằng cách tốt nhất để HĐQT xử lý các cổ đông nổi loạn là "đập cho họ một trận nhừ tử".
Sau cuộc điều tra đó, CEO Toshiba và 4 thành viên HĐQT từ chức. Tuy nhiên, Chủ tịch Nagayama không chịu ra đi và khẳng định ông có trách nhiệm cải tổ quản trị ở Toshiba. Giờ ông buộc phải ra đi cùng với toàn bộ ủy ban kiểm toán thuộc HĐQT Toshiba.
Giới quan sát nhận định việc ông Nagayama bị phế truất là thắng lợi bất ngờ của các cổ đông nước ngoài và là sự đột phá hiếm thấy tại Nhật Bản, nơi văn hóa quản trị của các tập đoàn luôn cứng nhắc, bảo thủ và khắc nghiệt.
"Đây là một bước ngoặt. Từ nay các cổ đông sẽ gây sức ép buộc ban lãnh đạo công ty phải chịu trách nhiệm đảm bảo HĐQT vận hành trơn tru, chứ không chỉ là xuất hiện trong các cuộc họp", New York Times dẫn lời chuyên gia Nicholas Benes thuộc Viện Đào tạo thành viên HĐQT Nhật Bản nhận định.
Nhà phân tích Shingo Ide của Viện Nghiên cứu NLI nhận định các giám đốc người nước ngoài có thể giúp cải tổ nhiều tập đoàn Nhật Bản. "Họ không vướng nhiều lợi ích chồng chéo với nội bộ công ty hoặc khách hàng, do đó họ có thể tư duy chiến lược và không bị cảm xúc chi phối. Họ có cách tư duy khác biệt với người Nhật Bản", chuyên gia Ide nhấn mạnh.
Bình luận